Bài 2: Cần giải pháp quản lý chặt chẽ công tác đào tạo lái xe

Lỗ hổng và tồn tại trong việc tuyển sinh đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe mô tô hạng A1 đã rõ. Tuy nhiên, ngoài việc rút kinh nghiệm và có những hình thức xử lý sai phạm của tổ chức, cá nhân, thì cơ quan chức năng cũng cần có giải pháp hữu hiệu để quản lý chặt chẽ, hiệu quả việc đào tạo, sát hạch lái xe trong thời gian tới.

Bài 1: “Giả mù chữ” để thi giấy phép lái xe thật

Chấn chỉnh ngay từ cơ sở

Để làm rõ hơn về đường đi của những tờ giấy xác nhận không biết chữ, phóng viên đã liên hệ trao đổi hoặc gặp trực tiếp những người trong cuộc.

Anh Lù Seo C. (sinh năm 1990), thường trú tại thôn Sín Chải, thị trấn Nông trường Phong Hải (Bảo Thắng) học hết lớp 4 nhưng không mạnh dạn tự làm hồ sơ đăng ký học và thi giấy phép lái xe mô tô hạng A1. Thông qua người quen, anh C. biết được một người đàn ông tên D, trú tại tổ 1, thị trấn Nông trường Phong Hải chuyên đứng ra nhận làm hồ sơ đăng kí học lái xe mô tô đã đến nhờ để được thi theo đối tượng không biết chữ. Sau khi thỏa thuận, anh C. đã đưa cho D số tiền 2,1 triệu đồng.

Ông D luôn miệng “quảng cáo” về chiến tích hỗ trợ người dân đi thi lấy giấy phép lái xe hạng A1.

Ông D luôn miệng “quảng cáo” về chiến tích hỗ trợ người dân đi thi lấy giấy phép lái xe hạng A1.

Trong vai một người muốn làm hồ sơ thi giấy phép lái xe hạng A1 theo diện đối tượng không biết chữ, phóng viên tìm đến nhà ông D, ở tổ 1, thị trấn Nông trường Phong Hải. Trò chuyện với phóng viên, ông D luôn miệng “quảng cáo” về chiến tích hỗ trợ người dân thi lấy giấy phép lái xe hạng A1 của mình, đồng thời giới thiệu luôn việc có thể hỗ trợ lấy giấy xác nhận không biết chữ cho người biết chữ.

Lật tìm trong đống giấy tờ lộn xộn trên bàn, ông D đưa cho chúng tôi xem quyển sổ ghi chép danh sách những người đang hoàn thiện hồ sơ để chuẩn bị thi trong thời gian tới. Điều đáng nói, trong danh sách "khoe" với phóng viên, có những người đã học hết lớp 10 nhưng vẫn được ông D “phù phép” vào diện không biết đọc, viết tiếng Việt. Khi chúng tôi đặt câu hỏi là người biết chữ nhưng muốn thi theo dạng không biết đọc, viết tiếng Việt thì chi phí hết bao nhiêu, ông D nói là 2,6 triệu đồng.

Cũng trong vai người có nhu cầu học và thi lấy giấy phép lái xe hạng A1 theo diện người không biết chữ, chúng tôi liên hệ qua điện thoại với một người đàn ông tên là Thào Seo C, trú tại xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát. Người này khẳng định, chờ khi nào có lớp vẫn sẽ giúp được với giá tiền 2,5 triệu đồng và ông ta sẽ lấy xác nhận không biết chữ.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Trường Minh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe (Trường Cao đẳng Lào Cai) cho biết: Trung tâm đang gửi lại danh sách gần 100 trường hợp có xác nhận không biết chữ về các địa phương để thẩm tra lại. Tuy nhiên, gần một tháng nay vẫn chưa có bất kỳ địa phương nào phúc đáp. Chúng tôi đang nghi ngờ nhiều người trong số đó có thể biết chữ nhưng đã được chính quyền địa phương xác nhận không biết chữ. Nếu quá thời gian qui định mà chính quyền các địa phương tiếp tục không phản hồi, Trung tâm sẽ từ chối đào tạo những người có tên trong danh sách nêu trên.

Được biết, ngay sau khi cơ quan chức năng phát hiện nhiều trường hợp người dân dù biết chữ nhưng cố tình “giả mù chữ”, nhiều địa phương đã tạm dừng việc xác nhận để chờ hướng dẫn. Cùng với đó, chính quyền các địa phương cũng nghiêm túc rút kinh nghiệm, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm với những người có liên quan khi xác nhận khống cho người dân.

Bát Xát là địa phương có nhiều người biết chữ nhưng xin xác nhận “mù chữ” để thi giấy phép lái xe A1 nhiều nhất tỉnh. Để chấn chỉnh tình trạng này, huyện Bát Xát cũng đã có chỉ đạo khẩn đến các xã, thị trấn trên địa bàn phải rà soát kỹ, tuân thủ nghiêm các quy định khi xác nhận trình độ học vấn của người dân. Ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát cho biết: “Chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý những cán bộ đã để xảy ra việc xác nhận mù chữ đối với những người biết đọc, viết tiếng Việt trong quá trình làm hồ sơ sát hạch đối với lái xe hạng A1”.

Siết chặt hoạt động đào tạo, sát hạch lái xe

Vừa qua, Sở Giao thông vận tải – Xây dựng đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố có danh sách những trường hợp xin xác nhận chưa đúng về việc biết đọc, viết tiếng Việt để phối hợp xử lý. Bên cạnh đó, Sở Giao thông vận tải – Xây dựng cũng đã tiếp tục chấn chỉnh và yêu cầu các cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn tỉnh phải thực hiện đúng quy trình tuyển sinh, đúng đối tượng đào tạo.

Cùng với đó, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố xem xét và làm rõ trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân liên quan. Đặc biệt, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh khi thực hiện việc xác nhận cho học viên là đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt phục vụ cho việc học lái xe mô tô hạng A1 phải tuân thủ nghiêm theo Khoản I, mục I, văn bản số 4955/UBND-QLĐT ngày 27/10/2020 của UBND tỉnh Lào Cai. Trong thời gian tới, Sở Giao thông vận tải – Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan siết chặt hơn nữa công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe nhằm đảm bảo đúng quy định hiện hành.

Thông qua môi giới, những người phụ nữ này phải bỏ ra hơn 2 triệu đồng để thi bằng lái xe hạng A1.

Thông qua môi giới, những người phụ nữ này phải bỏ ra hơn 2 triệu đồng để thi bằng lái xe hạng A1.

Ông Trần Xuân Hiện, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải – Xây dựng khẳng định: Việc ưu tiên cho người dân tộc thiểu số tại một số xã vùng sâu, vùng xa không biết đọc, viết tiếng Việt khi đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe hạng A1 là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, để chính sách phát huy hiệu quả, đúng đối tượng, cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, giám sát, nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với người thực thi công vụ ở các địa phương, cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề nghị Bộ Giao thông – Vận tải xem xét thay đổi cơ quan có thẩm quyền xác nhận đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt là phòng chuyên môn cấp huyện, thay cho UBND cấp xã như hiện nay.

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường thanh tra, kiểm tra siết chặt công tác quản lý nhằm phòng ngừa tiêu cực trong công tác đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe" - ông Hiện cho biết thêm.

Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt từ phía cơ quan chức năng, thiết nghĩ các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức khi đăng ký đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe hạng A1. Trong đó tập trung và việc học thật, thi thật để có được giấy phép lái xe A1 đúng nghĩa, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/366155-bai-2-can-giai-phap-quan-ly-chat-che-cong-tac-dao-tao-lai-xe