Bài 1: Vì sao sống ở 'thủ phủ' luồng mà người dân vẫn không giàu?

Dù có tiềm năng lớn trong phát triển tre, luồng, nhưng cây trồng này vẫn chưa giúp người dân vùng đồng bào dân tộc tại nhiều địa phương trở nên giàu có.

Lâm sản ngoài gỗ nói chung, cây tre, luồng, lùng,… là những cây bản địa gắn bó với đồng bào các dân tộc miền núi. Tuy nhiên, làm giàu từ cây trồng này vẫn là bài toán còn bỏ ngỏ.

Về với "thủ phủ" cây luồng

Lang Chánh là một huyện miền núi cao nằm ở phía Tây của tỉnh Thanh Hóa. Đây cũng là thủ phủ của cây luồng xứ Thanh không chỉ bởi diện tích tập trung lớn mà còn bởi chất lượng cây luồng luôn được thương lái, người sử dụng tin dùng. Đây là nguồn thu nhập chính và đang đóng vai trò quan trọng trong sinh kế của hàng nghìn hộ dân trong huyện.

Lâm sản ngoài gỗ nói chung, cây tre, luồng, lùng,… là những cây bản địa gắn bó với đồng bào các dân tộc miền núi

Ông Vi Hồng Nghị - thôn Tân Thủy, xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh - chia sẻ, hiện tại gia đình tôi đang canh tác hơn 10 ha luồng; mỗi năm gia đình thu nhập từ luồng ước đạt hơn 100 triệu đồng thông qua việc bán cây cho các thương lái và các nhà máy chế biến trên địa bàn huyện.

“Cây luồng là cây trồng chủ lực, có diện tích lớn và hiện đang đem lại thu nhập chính đối với gia đình tôi và bà con nhân dân trong thôn cũng như nhân dân trong xã Tân Phúc, góp phần lớn vào đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi như Lang Chánh”, ông Vi Hồng Nghị cho biết.

Còn tại huyện Quan Sơn (Thanh Hóa), ông Lò Văn Tiếu (bản Ngàm, xã Sơn Điện) cho hay, nhờ tham gia Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Nghêu và Tre ở Việt Nam” do Liên minh châu Âu, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam và đối tác đồng tài trợ, ông biết cách ươm giống và phục tráng rừng lùng (vầu) và canh tác trên rừng lùng (vầu) theo Chứng chỉ FSC.

“Sản phẩm từ lùng (vầu) được gia đình sử dụng theo hướng làm tăm trắng (không sử dụng lưu huỳnh gây hại cho môi trường và sức khỏe con người) và tăm đen để làm chân hương. Từ lúc trồng đến lúc thu hoạch khoảng 3 - 6 năm là có thể khai thác với giá bán 200.000 đồng/tạ”, ông Lò Văn Tiếu nói.

Với 128.000 ha, Thanh Hóa được đánh giá là tỉnh có diện tích tre, nứa, luồng, vầu lớn nhất cả nước, sản lượng khai thác hàng năm khoảng 60 triệu cây luồng (tương đương 1,6 triệu tấn nguyên liệu) và 80.000 tấn nguyên liệu giấy ngoài gỗ, phục vụ xuất khẩu và chế biến. Giá trị sản xuất năm 2022 ước đạt 552,3 tỷ đồng, chiếm 28,2% giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp; giá trị xuất khẩu bình quân 2,17 triệu USD; giải quyết việc làm cho 102 ngàn lao động, chiếm 40,8% lao động trong ngành lâm nghiệp, thu nhập bình quân hàng năm đạt 7 - 9 triệu đồng/ha.

Giá trị cây trồng ở mức thấp

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, với diện tích lớn quy mô rộng nên tre, nứa, luồng, vầu đã và đang trở thành loại cây sinh kế chính cho người dân khu vực miền núi của tỉnh Thanh Hóa.

Tuy nhiên, giá trị sản xuất tre, luồng, vầu hiện vẫn được đánh giá là thấp so với tiềm năng, lợi thế, nguyên nhân do tỷ lệ tre, luồng đưa vào chế biến còn thấp, sản phẩm chế biến mới chỉ ở dạng sơ chế nên giá trị kinh tế chưa cao...

Sau khi chế biến, giá trị của cây luồng tăng lên khoảng 20 lần so với nguyên liệu thô. Tuy nhiên, những năm qua, các cơ sở sản xuất, chế biến tre, luồng trong tỉnh chỉ mới tiêu thụ khoảng 40% sản lượng tre, luồng khai thác hàng năm; 60% còn lại được thương lái thu mua, tiêu thụ ở các tỉnh ngoài.

Việc tiếp nhận khoa học kỹ thuật của một số hộ gia đình còn nhiều bất cập, dẫn đến việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cho cây tre, luồng chưa được quan tâm đúng mức; hầu hết diện tích rừng tre, luồng thâm canh phục tráng nằm trên địa bàn có địa hình phức tạp, độ dốc lớn, nên việc trồng mới gặp nhiều khó khăn…

Dù có tiềm năng lớn trong phát triển tre, luồng nhưng cây trồng này vẫn chưa giúp người dân miền núi Thanh Hóa trở nên giàu có. Nguồn ảnh: Tổ chức Oxfam tại Việt Nam

Huyện Lang Chánh được xem là 'thủ phủ' của cây luồng Thanh Hóa với diện tích hơn 13,6 nghìn ha, sản lượng khai thác hơn 11 triệu cây. Cây luồng được xem là cây xóa đói giảm nghèo cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện, nhất là vùng đồng bào dân tộc. Song ông Lê Đức Tiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh chia sẻ, đa phần diện tích rừng luồng tại huyện đã có thời gian lưu gốc trên 60 năm, dẫn đến nhiều diện tích đang bị thoái hóa, chất lượng nguồn nguyên liệu không cao.

Các doanh nghiệp chế biến tre luồng trên địa bàn quy mô sản xuất nhỏ. Các sản phẩm từ tre luồng có giá trị gia tăng thấp. Việc liên kết giữa nhà máy chế biến và người dân trồng luồng còn yếu, đặt ra nhiều thách thức đối với địa phương trong việc phát triển ngành tre, luồng.

Bên cạnh đó, việc nhiều địa phương trong tỉnh chưa có hợp tác xã sản xuất kinh doanh; chưa xây dựng được chứng chỉ rừng bền vững đối với diện tích rừng luồng; giá cả tre luồng bấp bênh khiến người dân chưa thực sự an tâm gắn bó với nghề.

Tương tự, tại tỉnh Hòa Bình, luồng là loài phổ biến trong nhóm tre và có diện tích lớn nhất. Năm 2022, tỉnh Hòa Bình ước tính thu hoạch khoảng 5 triệu cây tre, luồng, giang, nứa các loại và 8.253,6 tấn măng chủ yếu là măng bương, luồng, lành hanh, vầu, và nứa… Tổng thu nhập ước đạt 136,309 tỷ đồng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình, hiện trên địa bàn tỉnh có 3 doanh nghiệp thuộc địa bàn huyện Mai Châu, trong đó có 1 doanh nghiệp BWG Mai Châu có hoạt động xuất khẩu. Đây là doanh nghiệp chế biến tre luồng quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên, nguyên liệu của nhà máy chủ yếu được thu mua từ Thanh Hóa do chất lượng luồng ở Hòa Bình chưa đáp ứng được yêu cầu cho sản xuất tre ghép thanh.

Tre, luồng được sử dụng để sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng thấp như đũa dùng 1 lần, tăm mành… còn chiếm tỷ lệ cao từ đó, hạn chế sự đóng góp của các chuỗi sản phẩm tương ứng cho phát triển kinh tế. Các chính sách riêng cho phát triển ngành công nghiệp tre, luồng tại tỉnh còn thiếu nên các doanh nghiệp chưa nhận đươc sự hỗ trợ từ chính quyền.

“Trong rất nhiều khó khăn hiện nay của người trồng luồng thì khó khăn trong khâu khai thác là rất lớn bởi diện tích rừng luồng được trồng ở những nơi chưa có đường vận xuất, vận chuyển là nguyên nhân cơ bản đẩy giá cây luồng xuống thấp, chi phí nhân công cao, chất lượng luồng khai thác thường thấp, khó đáp ứng yêu cầu nguyên liệu của nhà máy”, ông Vi Hồng Nghị chia sẻ.

Ông Lê Trọng Hân - Phó Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa cho biết, các cơ sở chế biến tre luồng trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu (đa phần là công nghệ của Trung Quốc, Đài Loan vào thập niên 1990), sản phẩm đa phần là sản phẩm thô, các sản phẩm đã hoàn thiện gần như chưa có sản phẩm cao cấp.

Bài 2: Những nút thắt lớn và bài toán thiếu nguồn cung

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bai-1-vi-sao-song-o-thu-phu-luong-ma-nguoi-dan-van-khong-giau-266728.html