Bài 1: Thuế tối thiểu toàn cầu và ứng phó của Việt Nam

Thuế tối thiểu toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng và đã được hơn 140 quốc gia đồng thuận. Trong đó, trụ cột 2 quy định về thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu cho phép nước đầu tư đánh thuế tối thiểu 15% đối với thu nhập được miễn, giảm thuế tại nước nhận đầu tư.

Hiện tại nhiều nước sẽ áp dụng thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024. Điều đó đặt ra không ích thách thức cho Việt Nam trong thu ngân sách nhà nước; duy trì tính hấp dẫn, cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài… Do đó, Việt Nam cần phải có chiến lược cụ thể, hành động nhanh và đưa ra được những giải pháp phù hợp nhất.

Tạp chí Tài chính doanh nghiệp xây dựng chuyên đề “Cơ hội mới cho Việt Nam từ thuế tối thiểu toàn cầu” với mục đích đưa ra toàn cảnh bức tranh thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu, ứng phó của các nước và gợi ý chính sách cho Việt Nam.

(Ảnh minh họa)

Áp thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu 15%

Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh, quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu nằm trong khuôn khổ Chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) với 142 thành viên. Việt Nam đã tham gia và là thành viên thứ 100 của Diễn đàn BEPS từ năm 2017. Với việc Việt Nam tham gia BEPS từ khá sớm, đồng nghĩa là chúng ta đã sẵn sàng cho sân chơi mới, hoàn cảnh mới, điều kiện mới trong việc thu hút FDI.

BEPS là hiệp định đa phương nhằm giúp các quốc gia thu hẹp lỗ hổng quản lý thuế quốc tế, giúp ngăn chặn tình trạng lợi nhuận của các công ty đa quốc gia được chuyển đến những vũng lãnh thổ có thuế suất thấp, miễn thuế trong khi thực tế những nơi này có ít hoặc không có các hoạt động kinh tế thực chất. Việc triển khai thực hiện nhanh chóng chương trình hành động BEPS của các nước sẽ đảm bảo môi trường quốc tế bền vững hơn vì lợi ích của tất cả các quốc gia phát triển và đang phát triển.

Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế cho biết, bên cạnh 15 hành động của BEPS, ngày 9/7/2021, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã thống nhất về nguyên tắc Giải pháp hai trụ cột nhằm giải quyết các thách thức về thuế phát sinh trong nền kinh tế kỹ thuật số, trong đó: Trụ cột I quy định về phân bổ thuế đối với hoạt động kỹ thuật số, Trụ cột II quy định về Thuế suất tối thiểu toàn cầu.

Ngày 8/10/2021, Diễn đàn hợp tác toàn cầu về BEPS (IF) đã ban hành tuyên bố về Khung giải pháp hai trụ cột để giải quyết các thách thức phát sinh từ nền kinh tế kỹ thuật số với sự đồng thuận của 137 nước thành viên, đến nay đã nhận được sự đồng thuận của 139 nước thành viên.

Ngày 13/10/2021 và ngày 30-31/10/2021 tại Rome, Italia, các nước G20 đã tán thành thỏa thuận được nêu trong Tuyên bố về giải pháp hai trụ cột để giải quyết những thách thức về thuế phát sinh từ nền kinh tế số do Diễn đàn IF công bố ngày 8/10/2021 và kêu gọi Diễn đàn IF nhanh chóng xây dựng các quy tắc mẫu và hiệp định đa phương như đã thống nhất, nhằm đảm bảo các quy tắc mới sẽ có hiệu lực ở cấp độ toàn cầu vào năm 2023.

Việc luật hóa Thuế suất tối thiểu toàn cầu được EU triển khai sớm nhất (từ đầu năm 2022), tuy nhiên, Chỉ thị của Liên minh Châu Âu (EU Directive) được thông qua vào 16/12/2022 sau khi bị trì hoãn liên tục bởi sự phản đối của Ba Lan và Hungary do sự khác biệt về quan điểm chính trị. Theo đó, dự kiến thuế suất tối thiểu toàn cầu sẽ chính thức được áp dụng vào năm 2024.

Trụ cột 2 gồm 2 quy tắc nội luật kết hợp [Quy tắc thuế suất tối thiểu (Income Inclusion Rule - IIR) 15%; Quy tắc đối với khoản thanh toán chịu thuế dưới mức tối thiểu (Undertaxed Payment Rule -UTPR)] và một quy tắc hiệp định thuế (The Subject to Tax Rule-STTR) 9%.

Để hiểu đúng về Trụ cột 2 quy định về thuế suất tối thiểu toàn cầu, Phó tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho biết, Trụ cột 2 là giải pháp của các nước lớn, có dòng vốn đầu tư ra nước ngoài mục đích kéo các Tập đoàn đang hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại nước mẹ của Tập đoàn, hạn chế việc tránh thuế TNDN bằng cách tạo ra một mức thuế TNDN tối thiểu chung và đánh thuế đối với phần chênh lệch giữa mức thuế tối thiểu chung với mức thuế thấp hơn mà công ty con đầu tư ở các nước khác.

“Quy tắc đối với khoản thanh toán chịu thuế dưới mức tối thiểu (UTPR): Quy tắc này áp dụng trong trường hợp công ty con đang chịu mức thuế suất thấp hơn mức thuế suất tối thiểu 15% nhưng chưa bị đánh thuế bổ sung đối với phần thu nhập của công ty con có thuế suất thấp hơn mức tối thiểu thì các quốc gia có công ty con thuộc tập đoàn có quyền thu thuế đối với công ty con ở quốc gia đó”, ông Đặng Ngọc Minh cho hay.

Trụ cột 2 không bắt buộc các nước phải cùng nâng mức thuế suất lên 15% và đánh thuế bổ sung phần thuế suất chênh lệch, mà chỉ đưa ra cơ chế để thu thuế trong trường hợp các tập đoàn có công ty con nộp thuế dưới mức 15% tại một quốc gia này sẽ bị đánh thuế bổ sung lên mức 15% ở quốc gia có công ty mẹ để đảm bảo đạt mức thuế suất tối thiểu toàn cầu.

(Ảnh minh họa)

Việt Nam “ráo riết” xây dựng thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu

Việt Nam thu hút được vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo ông Minh, quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu được lường trước sẽ ảnh hưởng lớn tới cả các nước đang phát triển, thu hút đầu tư như Việt Nam.

Trước tình hình đó, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai Trụ cột II của Diễn đàn IF về thuế suất tối thiểu toàn cầu.

Tháng 8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD.

Tháng 2/2023, Bộ Tài chính đã thành lập Nhóm giúp việc Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD do Thứ trưởng Bộ Tài chính làm Trưởng nhóm. Thành phần của Nhóm gồm lãnh đạo của các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế, Vụ Chính sách Thuế, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Ngân sách nhà nước, Cục Tài chính doanh nghiệp....), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), một số công ty tư vấn thuế (EY, Deloitte) và Công ty Samsung Electronic Việt Nam.

Ngày 22/2/2023, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp Tổ công tác đặc biệt với các Bộ, ngành có liên quan để triển khai thuế suất tối thiểu toàn cầu. Ngày 17/3/2023, Bộ Tài chính đã có báo cáo gửi Phó thủ tướng Chính phủ nội dung về thuế suất tối thiểu toàn cầu. Hiện tại, Tổng cục Thuế là đơn vị được Bộ Tài chính giao nghiên cứu, đề xuất triển khai áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam. Ngày 28/3/2023, Tổng cục Thuế đã tổ chức cuộc họp với doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến của một số doanh nghiệp có khả năng chịu sự tác động bởi thuế suất tối thiểu toàn cầu.

Theo ông Đặng Ngọc Minh cho biết, mới đây, tại Paris, Bộ Tài chính Việt Nam đã thay mặt Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã ký Hiệp định đa phương về hỗ trợ hành chính thuế (MAAC) cho Việt Nam.

Tại đây, Đoàn công tác của Bộ Tài chính do Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn đã có các cuộc họp trao đổi với OECD về triển khai Trụ cột 2 về thuế tối thiểu toàn cầu, cập nhật của các nước trên thế giới, hướng dẫn của OECD về giải pháp thực hiện Trụ cột 2 cũng như hỗ trợ của OECD trong việc triển khai thực hiện tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Hôm qua (14/4), Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 22/QD-TCTĐB ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD gồm 11 thành viên.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tham gia với vai trò là Tổ phó thường trực Tổ công tác, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn làm thành viên và một số thành viên khác là lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan.

Tại phiên cấp cao Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên với chủ đề "Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh" diễn ra hồi tháng 3, Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Chính phủ đang bám sát thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm các nước để sớm có chính sách phù hợp, phấn đấu ban hành ngay trong năm nay, tạo cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài hoạt động thuận lợi, đóng góp nhiều hơn cho Việt Nam nhưng không ảnh hưởng tới lợi ích của nhà đầu tư.

Bài 2: Các nước trên thế giới ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu

An Nhiên

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/bai-1-thue-toi-thieu-toan-cau-va-ung-pho-cua-viet-nam-d38319.html