Bài 1: Phát triển thiếu đồng bộ, chưa xứng với tiềm năng

Một số làng nghề ở Thanh Hóa đang có nguy cơ thất truyền, số còn lại phát triển chưa xứng tầm, thiếu đồng bộ…, quy mô manh mún, mang tính tự phát.

Mặc dù có số lượng làng nghề truyền thống lớn trong tốp đầu của cả nước, song làng nghề truyền thống ở tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa phát triển hiệu quả, nhiều nghề đang gặp khó khăn về vốn, quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ, đầu tư công nghệ... thậm chí có những nghề sau một thời gian phát triển đã dần mai một.

Để các làng nghề truyền thống của tỉnh Thanh Hóa phát triển với các sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và vươn xa ra thế giới, thì tỉnh Thanh Hóa cần có các giải pháp cụ thể, hiệu quả, tạo hướng đi bền vững cho các sản phẩm làm ra từ các làng nghề.

Làng nghề nổi tiếng nguy cơ thất truyền

Theo số liệu từ UBND tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh đang duy trì và phát triển 39 nghề tiểu thủ công nghiệp. Đến nay, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định công nhận 42 làng có nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống, 17 làng nghề tiểu thủ công nghiệp và 49 làng nghề truyền thống về tiểu thủ công nghiệp.

Nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu ở làng Hồng Đô, xã Thiệu Đô (nay là thị trấn Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đang có nguy cơ thất truyền. Ảnh: Tư liệu ảnh của TTV

Các nghề tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh tốt bao gồm: Nghề chế biến thủy hải sản, tập trung chủ yếu tại thị xã Nghi Sơn, TP. Sầm Sơn và các huyện: Hậu Lộc, Hoằng Hóa; nghề chế biến bánh, bún, nem giò chả, tập trung chủ yếu tại TP. Thanh Hóa và các huyện: Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Đông Sơn; nghề làm men rượu, nấu rượu, tập trung chủ yếu tại TP. Thanh Hóa và các huyện: Nga Sơn, Hậu Lộc; nghề chiếu cói, tập trung chủ yếu tại huyện Nga Sơn và một số lượng ít tại huyện Quảng Xương và huyện Nông Cống; nghề mây tre đan (bao gồm cả đan đèn lồng, đan cót), tập trung chủ yếu tại các huyện: Hoằng Hóa, Nông Cống, Thọ Xuân, Cẩm Thủy; nghề mộc, tập trung chủ yếu tại các huyện: Hoằng Hóa, Thọ Xuân; nghề rèn, đúc đồng, tập trung chủ yếu tại huyện Hậu Lộc và huyện Thiệu Hóa...

Bên cạnh những làng nghề truyền thống đang tồn tại và phát triển thì cũng có nhiều nghề truyền thống ở tỉnh Thanh Hóa đã không thể tồn tại và có nguy cơ thất truyền như nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô ở thị trấn Thiệu Hóa (trước đây là xã Thiệu Đô).

Ông Hoàng Huy Chuy, trú tại tiểu khu 11, thị trấn Thiệu Hóa, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Những năm 2000 trở về trước, nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu ở làng Hồng Đô phát triển rất mạnh, nhiều gia đình đã có kinh tế khá giả nhờ nghề này. Sau này do việc tiêu thụ tơ và nhiễu khó khăn, giá thành hạ khiến lợi nhuận giàm, không có lãi, thậm chí lỗ nên nhiều gia đình đã không còn mặn mà với nghề, họ chuyển sang buôn bán có thu nhập cao hơn mà lại đỡ thức khuya, dậy sớm”.

Còn ông Lê Văn Đại, trú tại tiểu khu 11, thị trấn Thiệu Hóa, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “Nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt nhiễu là nghề truyền thống của cha ông nhiều đời nay để lại, có những thời điểm gia đình tôi thuê tới 5 công nhân ươm tơ, sau đó bán tơ cho các thương lái xuất khẩu sang Lào, Trung Quốc cho thu nhập cả trăm triệu đồng. Nhưng sau này, việc tiêu thụ sản phẩm không thuận lợi, giá thành tơ hạ sâu gia đình tôi đành phải dừng hoạt động nghề này”.

Xưởng ươm tơ của Công ty TNHH dịch vụ thương mại Thanh Đức ở làng nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô năm 2022. Ảnh: Tư liệu ảnhTTV

Buồn nhất là ông Hoàng Viết Đức, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ thương mại Thanh Đức, tiểu khu 10 thị trấn Thiệu Hóa, huyện Thiệu Hóa. Năm 2014, UBND huyện Thiệu Hóa bàn giao cho Công ty TNHH dịch vụ thương mại Thanh Đức 2.250 m2 đất làng nghề để phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu, nhưng đến nay do đầu ra tiêu thụ sản phẩm tơ không có, dẫn đến công ty phải đóng cửa.

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Hoàng Viết Đức, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ thương mại Thanh Đức buồn bã: “Sau khi được Nhà nước bàn giao đất, tôi đã đầu tư xây dựng nhà điều hành, khu vực cho công nhân nuôi tằm, ươm tơ tốn cả tỷ đồng, duy trì việc làm cho trên 30 lao động với thu nhập khá. Sau này do cơ chế và việc tiêu thụ sản phẩm không được nên công ty đành phải đóng cửa”.

Ông Đức cho biết, mặc dù rất yêu nghề truyền thống do cha ông để lại, muốn gắn bó với nghề nhưng ông vẫn phải xin chuyển đổi sang nghề may mặc, song vẫn chưa được các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa chấp thuận.

Ông Hoàng Huy Cảnh, nguyên Chủ tịch UBND xã Thiệu Đô (nay sát nhập vào thị trấn Thiệu Hóa) cho hay: Làng Hồng Đô thuộc xã Thiệu Đô trước đây nổi tiếng với nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu . Nghề này đã mang lại thu nhập ổn định, tạo việc làm cho cả nghìn lao động địa phương. Vào thời điểm phát triển nhất của nghề, làng Hồng Đô có hơn 300 khung dệt nhiễu với khoảng gần 500 thợ dệt có tay nghề, sản phẩm xuất sang Lào, Trung Quốc. Nhiều năm trở lại đây, nghề trồng dâu, nuôi tằm ở làng Hồng Đô mai một dần, đến nay đã thất truyền, không còn gia đình nào làm nữa.

"Tự bơi" để vực lại nghề truyền thống

May mắn hơn nghề truyền thống trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô, làng nghề đúc đồng Chè Đông, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã được nghệ nhân ưu tú Nguyễn Bá Châu lưu truyền và phát triển. Tuy nhiên, để tồn tại với nghề ông Châu phải “tự bơi” để đưa nghề từ cõi thất truyền đến tồn tại và phát triển như ngày hôm nay.

Ông Nguyễn Bá Châu phải “tự bơi” để đưa nghề đúc đồng truyền thống từ cõi thất truyền tồn tại và phát triển như ngày hôm nay

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Bá Châu chia sẻ: “Tôi không nhớ nghề đúc đồng truyền thống có từ bao giờ, chỉ nhớ từ khi còn nhỏ đã được cha tôi truyền nghề. Tôi làm nghề, mưu sinh với nghề từ nhỏ, nhưng khi đó chỉ đúc các vật dụng thông thường, phục vụ đời sống. Đến khoảng năm 1998, khi đó địa phương khai quật được nhiều trống đồng, người dân cũng rất hào hứng với trống đồng nên tôi đã quyết tâm khôi phục lại phương thức đúc trống đồng. Khi đó bí quyết đúc trống đồng trong làng đã không ai còn nhớ, tôi đã tự mày mò, rồi đi khắp cả nước để vừa làm thuê vừa để phục dựng lại nghề. Sau đó tôi quay về làng, tự đúc những chiếc trống đồng đầu tiên”.

Nhớ lại những ngày tháng “tự bơi” với nghề, nghệ nhân Nguyễn Bá Châu cho biết: Những chiếc trống đồng đầu tiên ông đúc không thành, ông đúc đi đúc lại, đến khi ông đã kiệt quệ về vật chất lẫn tinh thần thì đến năm 2000, ông đã có được sản phẩm đầu tiên thành công. Nhiều năm sau, ông Châu cùng các thành viên trong nhà hăng say với nghề, vừa tạo công ăn việc làm, tạo thu nhập cho gia đình vừa hoàn thành sứ mệnh lưu truyền nghề truyền thống của cha ông để lại.

Nhờ những nỗ lực, sự đam mê giữ nghề đúc đồng truyền thống của ông Châu, nhiều gia đình trong làng cũng đã quay lại với nghề truyền thống. Cũng từ những năm 2011, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức dạy nghề cho con em trong làng nhằm bảo tồn và phát huy làng nghề đúc đồng truyền thống tại xã Thiệu Trung. Đến nay, làng nghề này đã có thương hiệu riêng, vươn tầm quốc tế.

Nhờ những nỗ lực, sự đam mê giữ nghề đúc đồng truyền thống của nghệ nhân ưu tú Nguyễn Bá Châu, sản phẩm trống đồng đã được công nhận Kỷ lục trống đồng Ngọc Lũ đúc bằng phương pháp thủ công truyền thống lớn nhất Việt Nam (năm 2018)

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Bá Châu chia sẻ: “Làng nghề đúc đồng của chúng tôi có một nét đặc trưng riêng, không lẫn với nơi nào, cũng đã tạo nên thương hiệu riêng của tỉnh Thanh Hóa. Để phát triển làng nghề hơn nữa cần đẩy mạnh, nâng cao đào tạo nghề, đặc biệt lao động có tay nghề cao. Đồng thời cần trú trọng hơn nữa trong khâu xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm kết hợp với du lịch”.

Quy mô manh mún, sức cạnh tranh thấp

Đánh giá về sức cạnh tranh của các sản phẩm từ các làng nghề truyền thống của tỉnh Thanh Hóa, ông Trương Văn Tuyên, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp nông thôn, Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa cho biết: Đa số cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp là quy mô sản xuất nhỏ (hộ gia đình là chủ yếu), vốn ít, công nghệ thiết bị đơn giản, khó mở rộng và phát triển chiều sâu. Phần lớn sản phẩm tiểu thủ công nghiệp mẫu mã đơn giản, chất lượng chưa cao, chưa có nhiều sản phẩm tạo được thương hiệu, khó cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại được sản xuất tại các nhà máy.

Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm hạn chế và thiếu tính ổn định, tiêu thụ nội địa vẫn là chính nên giá trị chưa cao, lượng xuất khẩu hàng năm không nhiều, thường phải qua nhiều khâu trung gian. Phần lớn là lao động phụ, số thợ tay nghề cao chiếm tỷ lệ rất ít; số lượng lao động ở các làng nghề đang có xu hướng giảm do nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp. Thu nhập lao động làng nghề mặc dù tăng so với trước đây, song vẫn thấp hơn thu nhập của lao động tại các doanh nghiệp.

Ngoài ra, nguồn lực đầu tư phát triển tiểu thủ công nghiệp còn khiêm tốn và thiếu đồng bộ, chủ yếu mới đầu tư hỗ trợ công tác đào tạo nghề, đổi mới công nghệ. An toàn vệ sinh thực phẩm của các nghề chế biến nông sản, thực phẩm, chế biến thủy hải sản vẫn còn nhiều tiềm ẩn; nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến còn cao. Công tác bảo vệ môi trường chưa đáp ứng được các yêu cầu phát triển bền vững; công tác xử lý ô nhiễm, phục hồi môi trường diễn ra chậm.

Sản phẩm được làm thủ công từ cói Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến dẫn đến những khó khăn trong phát triển nghề truyền thống trên địa bàn, ông Trương Văn Tuyên cho hay: Các cơ sở ngành nghề nông thôn vẫn còn gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, chủ yếu do khả năng sản xuất, khả năng thế chấp và trả nợ, cơ chế tín dụng và thủ tục vay vốn. Sản phẩm nghề tiểu thủ công nghiệp tuy nhiều nhưng ít có sản phẩm mang thương hiệu vùng hoặc quốc gia; phần đa các sản phẩm chất lượng còn thấp, không ổn định nguồn cung; giá thành bán ra còn cao nên khả năng cạnh tranh trên thị trường hạn chế. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất làng nghề chưa quan tâm sâu đến sản xuất gắn với thị trường, chưa làm tốt công tác tiếp thị; các kênh phân phối sản phẩm ở nông thôn đều có sự tham gia phổ biến của tiểu thương dẫn đến phát sinh nhiều chí phí qua các khâu trung gian, bị ép giá, lợi nhuận của người sản xuất giảm”.

Bài 2: Nỗ lực, đổi mới đưa sản phẩm làng nghề ra thị trường lớn

Hoàng Minh - Quốc Huy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bai-1-phat-trien-thieu-dong-bo-chua-xung-voi-tiem-nang-308068.html