Bài 1: Lợi ích, hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu trên hết, trước hết

Một trong năm truyền thống cao quý, vẻ vang được Đảng ta hun đúc nên qua 13 nhiệm kỳ đại hội trong 94 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đó là 'gắn bó máu thịt giữa Đảng và nhân dân, luôn luôn lấy việc phục vụ nhân dân làm lẽ sống và mục tiêu phấn đấu'.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm, nói chuyện với người dân Khu tái định cư Lộc An-Bình Sơn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, tháng 2/2023.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm, nói chuyện với người dân Khu tái định cư Lộc An-Bình Sơn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, tháng 2/2023.

Gần 100 triệu người dân Việt Nam hôm nay, trong đó có 3,2 triệu người Đồng Nai, đang thụ hưởng trọn vẹn kỳ tích đạt được sau gần 40 năm đổi mới trên chặng đường vinh quang dưới lá cờ vẻ vang của Đảng. Thực tế đó khẳng định chân lý bất biến ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng ta tuyệt nhiên không có lợi ích nào khác. Chính điều đó đã làm nên thành công vượt trội trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu ở tỉnh Đồng Nai.

Nhân dân là người trực tiếp thụ hưởng và hiểu tất cả

Xuân Lộc là địa phương đầu tiên của tỉnh Đồng Nai và huyện thứ ba của cả nước được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao năm 2023. Quanh năm, ngõ xóm làng Chăm ấp 4, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc bừng sáng sắc đỏ cờ Tổ quốc treo dọc các tuyến đường. Hơn 3.000 người dân làng Chăm một lòng theo Đảng, quây quần sinh sống bao quanh Thánh đường Hồi giáo lớn thứ hai cả nước.

Dấu ấn bộ mặt thôn quê nghèo khó, cuộc sống cơ cực của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây dần biến mất, thay vào đó là diện mạo khởi sắc đồng bộ, mà vượt trội nhất là sự lột xác về hệ thống đường giao thông, nhà văn hóa, cảnh quan môi trường và đời sống nhân dân đi lên từng ngày.

Đồng chí Mohamach Amine, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ấp 4, cho hay: Quá trình xây dựng xã Xuân Hưng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022 cũng như đang tăng tốc về đích nông thôn mới kiểu mẫu, chúng tôi đã vận động bà con làng Chăm tích cực thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, đăng ký sử dụng nước sạch, đóng góp kinh phí xã hội hóa giao thông nông thôn và lắp đặt 250 bóng đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời trên trục đường dài 5km. Người dân rất nhiệt tình hưởng ứng tham gia, khi đã làm xong một tuyến đường nào đó trước thì việc kêu gọi làm tuyến đường tiếp theo sẽ dễ dàng hơn.

Vậy thì người dân làng Chăm được thụ hưởng điều gì do nông thôn mới nâng cao đem lại? Trả lời câu hỏi của chúng tôi, đồng chí Mohamach Amine hồ hởi nói với nét mặt đầy phấn khởi: “Chất lượng sống của người dân nâng lên hẳn về kinh tế, cải thiện cảnh quan môi trường khi làng xã sáng-xanh-sạch-đẹp, các tuyến đường sáng nên bảo đảm an ninh trật tự, giảm thiểu tai nạn giao thông, trẻ em có chỗ vui chơi an toàn tại nhà văn hóa ấp”.

Trẻ em người làng Chăm, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai trong giờ lên lớp.

Trẻ em người làng Chăm, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai trong giờ lên lớp.

Sinh ra, lớn lên từ hoàn cảnh khó khăn ở làng Chăm, nay vui mừng chứng kiến sự đổi thay nổi trội của quê hương, bà Souatah quyết vượt nghèo bằng cách chặt bỏ vườn tràm, mở rộng diện tích canh tác cây thanh long ngay trên mảnh đất gia đình sẵn có. Khi thu nhập cao, trở nên khá giả, bà chủ động giúp đỡ những người nghèo trong làng và đi đầu ủng hộ hoạt động chăm lo an sinh xã hội của xã.

Được thôi thúc bởi luồng sinh khí hừng hực xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên vùng đất Xuân Lộc, năm 2020, bà mạnh dạn thành lập hợp tác xã chuyên về sản xuất thanh long chất lượng, giải quyết việc làm cho 18 lao động phụ nữ dân tộc thiểu số. Bà Souatah tâm sự: “Bên Mặt trận Tổ quốc xã thường xuyên khuyến khích tinh thần, rồi mình giúp cây giống, hỗ trợ một ít vốn liếng cho đồng bào làm ăn để có kinh tế. Thời gian tới, mình sẽ cố gắng làm sao ngày càng giúp đỡ được nhiều người khó khăn hơn”.

Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện Xuân Lộc năm 2023 đạt hơn 90 triệu đồng/người/năm, riêng khu vực nông thôn đạt hơn 83 triệu đồng. Chưa hài lòng với con số này, đồng chí Lê Kim Bằng, Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc cho biết, qua con số thống kê và thực tiễn cũng đã chứng minh rằng, 80% nguồn lực về vốn và nhân lực phục vụ cho kết quả huyện nông thôn mới nâng cao là thuộc về phía người dân. Hay nói cách khác, quyết định sự thành bại của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là do người dân, các tầng lớp nhân dân vừa là chủ thể thực hiện vừa là đối tượng thụ hưởng duy nhất thành quả do chính mình đem lại.

Chính vì vậy, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Đồng Nai và huyện, huyện hạ quyết tâm chính trị nâng tầm Xuân Lộc thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững vào đầu năm 2025. Chúng tôi đang nghiêm túc rà soát toàn bộ các tiêu chí, đưa ra các giải pháp hữu hiệu để cả hệ thống chính trị và nhất là từng người dân Xuân Lộc cùng vào cuộc quyết liệt và đồng bộ với quyết tâm cao nhất.

Vụ mùa bội thu của nông dân huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.

Vụ mùa bội thu của nông dân huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.

“Lấy sức dân để chăm lo cho dân”

Thành công vượt trội trong nỗ lực thực hiện phương châm “lấy sức dân để chăm lo cho dân” đã tạo nên kỳ tích về xây dựng nông thôn mới nâng cao/kiểu mẫu ở Đồng Nai. Ngoài 1 huyện nông thôn mới nâng cao, lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 104 xã nông thôn mới nâng cao; 27 xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Không ai khác, người dân nông thôn là đối tượng duy nhất thụ hưởng những giá trị cốt lõi mang lại và cũng chính bà con là chủ thể đóng vai trò quyết định kiến tạo nên thành tích ấn tượng đưa Đồng Nai liên tục giữ vững vị trí lá cờ đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới.

Về khu dân cư kiểu mẫu Lạc Sơn, xã Quang Trung (xã nông thôn mới kiểu mẫu duy nhất trên địa bàn huyện Thống Nhất tính đến thời điểm này), chúng ta bắt gặp những con đường nhựa bàn cờ đều tăm tắp, sạch đẹp, cây cối xanh tươi, được chăm sóc và cắt tỉa gọn gàng, điểm tô cho làng quê trù phú.

Đó là kết quả đến từ sức mạnh đại đoàn kết, sự thống nhất, hòa quyện giữa ý Đảng với lòng dân.

Với những cống hiến to lớn vào thành tựu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở địa phương, ông Phạm Văn Ray, nông dân ấp Lạc Sơn vừa được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đúng dịp 19/5 năm nay. Ông Ray tâm sự: “Gia đình tôi đã hiến gần 1ha đất để mở đường giao thông nông thôn cho bà con đi lại, giá trị đất hiện nay ở khu vực đó cũng hơn 10 tỷ đồng. Chúng tôi không ngần ngại hy sinh sức người, sức của cho sự nghiệp phát triển của xã hội.

Ông Phạm Văn Ray đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ đúng vào dịp 19/5 năm nay.

Ông Phạm Văn Ray đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ đúng vào dịp 19/5 năm nay.

Đồng thời, gia đình tôi cũng đóng góp thêm một khoản tiền 500 triệu đồng để đối ứng thực hiện xã hội hóa giao thông nông thôn và đóng góp kinh phí để hạ thế lưới điện phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của bà con trong khu vực.

Chúng tôi sẽ cố gắng để tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng, phát triển kinh tế-xã hội vì mục tiêu làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Từ ngày thành hình tuyến đường nhựa hóa rộng 6m, dài 1.500 m, kinh phí xây dựng 2,7 tỷ đồng, bà con ấp Lạc Sơn không còn phải đi tắt nhờ qua lô cao-su để ra ruộng rẫy, trang trại nữa.

Bản thân ông Ray và đa số bà con ở đây theo đạo Công giáo. Đồng bào giáo dân đồng thuận hợp tác chặt chẽ với nhau làm cho các công trình, phong trào của ấp không ngừng đi lên và đã gầy dựng ấp Lạc Sơn sớm thành khu dân cư kiểu mẫu đầu tiên ở huyện Thống Nhất.

Cán bộ Ban Dân vận Tỉnh ủy Đồng Nai tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân đồng thuận với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong thực hiện các dự án.

Cán bộ Ban Dân vận Tỉnh ủy Đồng Nai tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân đồng thuận với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong thực hiện các dự án.

Nhằm rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa khu vực thành thị và nông thôn, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, trước khi có Nghị quyết số 26-NQ/TW vào năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp-nông dân-nông thôn, từ đầu năm 2007, Tỉnh ủy Đồng Nai đã táo bạo đưa ra chủ trương về xây dựng nông thôn “4 có”, gồm: Có đời sống kinh tế được cải thiện; có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ; có đời sống văn hóa tốt-an ninh, an toàn bảo đảm; có môi trường sinh thái phát triển bền vững.

Đường giao thông nông thôn ở huyện miền núi Tân Phú, tỉnh Đồng Nai được đầu tư đồng bộ, hiện đại.

Đường giao thông nông thôn ở huyện miền núi Tân Phú, tỉnh Đồng Nai được đầu tư đồng bộ, hiện đại.

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho rằng, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không bao giờ có điểm kết thúc, đặc biệt, để người nông dân Đồng Nai sở hữu đời sống thịnh vượng, nông thôn trở thành nơi đáng sống thì phải thể hiện cụ thể ở các tiêu chí sát sườn như môi trường, giao thông, giáo dục, y tế, an ninh trật tự, cơ hội tìm kiếm việc làm, mức thu nhập: “Cấp ủy, chính quyền cơ sở phải nhìn vào mức sống của người dân nghèo làm chuẩn đo mức phát triển của địa phương.

Phải luôn nỗ lực và nỗ lực hơn nữa để nông dân có đời sống thịnh vượng. Hết hộ nghèo nhưng địa phương vẫn phải tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ những hộ còn khó khăn để họ có cuộc sống sung túc hơn”, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.

Mục tiêu phấn đấu về nông thôn mới trong năm 2024 của tỉnh Đồng Nai là sẽ có thêm 9 xã nông thôn mới nâng cao, 8 xã nông thôn mới kiểu mẫu và 3 huyện hoàn thành nông thôn mới nâng cao.

(Còn nữa)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bai-1-loi-ich-hanh-phuc-cua-nhan-dan-la-muc-tieu-tren-het-truoc-het-post810038.html