Bài 1: Không ly hương vẫn ly nông

Luật Đất đai 2024 đã được Quốc hội thông qua và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Đây là bộ luật lớn, liên quan đến lợi ích của tất cả các chủ thể trong xã hội. Riêng đối với người nông dân và lĩnh vực nông nghiệp, Luật Đất đai 2024 được cho là sẽ có tác động rất lớn và tạo ra nhiều sự thay đổi.

Tổng kết chính sách đất đai nông nghiệp khi xây dựng dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cho thấy có một tỷ lệ diện tích rất lớn đất nông nghiệp đang được sử dụng chưa hiệu quả. Luật Đất đai 2024 được kỳ vọng sẽ tháo gỡ được các điểm nghẽn về pháp lý, phát huy được nguồn lực đất đai trong phát triển kinh tế. Cùng với đó, những điểm mới trong bộ luật này sẽ thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn phát triển hiện đại, đáp ứng xu thế hội nhập.

“Bờ xôi ruộng mật” bỏ hoang

Có gần 4 sào ruộng nhưng gia đình ông Lê Văn Trung (thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, Nam Định) đã bỏ hoang không gieo cấy vài năm nay. Lý do được ông Trung giải thích là cả gia đình ông hiện đã vào làm công nhân tại Công ty TNHH Giầy Amara Việt Nam đóng trên địa bàn thị trấn Cổ Lễ. Đi làm công nhân, nếu tính cả tăng ca thì thu nhập của mỗi người có thể đạt từ 8 – 9 triệu đồng/tháng. Thu nhập này cao hơn rất nhiều lần so với làm nông, chính vì thế mà nông dân như ông Trung chán… làm ruộng.

Những thửa ruộng bị bỏ hoang nhiều năm, lau sậy mọc cao quá đầu người tại xã Phương Định, huyện Trực Ninh, Nam Định.

“1 sào lúa hiện nay nếu thời tiết thuận lợi có thể thu hoạch được khoảng 2,5 tạ lúa. 4 sào ruộng thu hoạch tốt thì được khoảng 1 tấn thóc, với giá cả hiện nay thì 1 tấn thóc thu về được hơn 10 triệu đồng. Trồng cấy, chăm bón mấy tháng chưa kể còn phải chi phí phân gio, giống má, thuốc trừ sâu… mà cũng chỉ bằng thu nhập của 1 người đi làm công nhân trong 1 tháng. Thậm chí nếu mất mùa còn lỗ vốn, chính vì thế nên nhiều người hiện nay không tha thiết làm ruộng nữa”, ông Trung chia sẻ.

Không có nhân lực nên hơn 7 sào ruộng của gia đình bà Nguyễn Thị Phượng (xã Phương Định, huyện Trực Ninh, Nam Định) cũng đành bỏ hoang không cày cấy. Bà Phượng cho biết, cô con gái lớn đi lấy chồng, 2 con trai thì đi làm ăn xa, ở nhà chỉ có 2 ông bà nên cũng chẳng trồng cấy nữa mà chuyển hẳn sang chạy chợ. Trong câu chuyện, bà Phượng còn cho biết thêm, một nguyên nhân nữa khiến ông bà bỏ cấy hái là do vị trí các thửa ruộng nhà bà nằm xen kẹt trong các khu dân cư nên hiện có cấy lúa thì chuột bọ cũng phá hoại rất nhiều.

“Ruộng nương nằm rải rác, diện tích nhỏ nên máy cấy, máy gặt người ta ngại vào, phải làm thủ công. Trong khi đó công cấy gặt hiện nay khoảng 350 nghìn đồng/ngày, công phun thuốc trừ sâu cũng khoảng 400 nghìn đồng/buổi mà tìm người còn khó. Cộng thêm các chi phí khác nữa như giống má, phân gio vào thì chẳng khác nào bỏ tiền đi đong gạo mà mình lại vất vả. Chưa kể nếu chuột bọ phá hoại nữa thì vừa mất công lại chẳng được ăn nên vợ chồng tôi chuyển hẳn sang chạy chợ”, bà Phượng nói.

Nhiều gia đình làm nông nhưng hiện nay chán làm ruộng, bỏ hoang ruộng đồng là thực tế tại địa phương được Chủ tịch UBND xã Phương Định Nguyễn Minh Khâm thừa nhận trong câu chuyện với chúng tôi về vấn đề đất nông nghiệp của địa phương. Ông Khâm cho biết, hiện nay diện tích đất lúa người dân bỏ hoang không cấy của xã Phương Định là hơn 36ha.

Theo lý giải của ông Khâm có một phần nguyên nhân là từ khi tiến hành giao đất nông nghiệp cho người dân sử dụng ổn định năm 1993 đến nay, nhiều người được giao đất đã mất, nhiều phụ nữ ở địa phương lại đi lấy chồng xa nhưng đất ruộng vẫn được giao ở địa phương. Phần diện tích đất này được để lại cho người thân mà người thân của những người này hiện cũng đã nhiều tuổi nên không có lao động trồng cấy.

“Một nguyên nhân quan trọng nữa là hiện nay điều kiện kinh tế xã hội phát triển mạnh. Trên địa bàn huyện Trực Ninh có nhiều doanh nghiệp lớn về đầu tư, thu hút một lượng lớn lao động. Lao động chính có sức khỏe để làm nông nghiệp từ khoảng 18 – 50 tuổi lại đi làm công nhân hết. Khi đi làm công nhân với mức lương từ 7 – 12 triệu/tháng, cuộc sống ổn định hơn thì chẳng ai muốn chân lấm tay bùn nữa. Trước đây khi chưa có các công ty về đầu tư, thu hút lao động thì hầu như không có bất kỳ chân ruộng nào bỏ hoang cả”, ông Khâm lý giải.

Cái khó bó cái khôn

Theo số liệu tổng hợp vụ mùa 2023 của UBND huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, nhiều địa phương trong huyện đang có diện tích đất lúa người dân bỏ ruộng không cấy rất lớn. Điển hình có thể kể đến như: Thị trấn Cổ Lễ, tổng diện tích gieo cấy chỉ có 15,8ha nhưng diện tích bỏ ruộng lên tới 69,77ha; xã Trực Chính có tổng diện tích gieo cấy là 93,7ha nhưng tổng diện tích bỏ ruộng lên tới 103,3ha hoặc như xã Trung Đông diện tích gieo cấy là 316ha nhưng diện tích bỏ ruộng cũng lên tới 166ha… Toàn bộ diện tích bỏ ruộng của huyện Trực Ninh lên tới hơn 1.045ha. Nông dân bỏ ruộng không cấy là vấn đề băn khoăn của chính quyền các cấp huyện Trực Ninh thời gian qua.

Theo Chủ tịch UBND huyện Trực Ninh Phạm Trọng Duy, chính quyền địa phương cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhưng chưa thực sự hiệu quả.

“Để không lãng phí nguồn lực đất nông nghiệp thì vấn đề quan trọng hiện nay là phải chuyển mục đích sử dụng đất nếu trồng lúa không hiệu quả. Thế nhưng cái khó là lại liên quan đến công tác quản lý. Chúng tôi có kế hoạch chuyển đổi linh hoạt và vẫn đang tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên, việc quản lý vô cùng khó. Chẳng hạn như chính sách hiện tại đang cho người dân được đào ao trên đất lúa không quá 20%, chiều sâu thì không quá 1,2m và khi Nhà nước có yêu cầu thì người dân hoàn trả. Thế nhưng trường hợp những diện tích ruộng xen kẹt trong khu dân cư, khi chuyển đổi người ta lại chuyển đổi thành vườn, dần dần không khéo lại biến tướng thành nhà ở. Trách nhiệm quản lý thì thuộc về địa phương nên các địa phương hiện cũng rất ngại trong việc cho chuyển đổi đất xen kẹt trong khu dân cư này”, ông Duy cho hay và cho biết thêm, theo quy định của Luật Đất đai nếu 12 tháng mà đất nông nghiệp không được đưa vào sản xuất sẽ bị thu hồi. Thế nhưng câu chuyện ở đây là người dân có một chút diện tích đất nông nghiệp đã được Nhà nước giao sử dụng ổn định, lâu dài mà tiến hành thu hồi cũng không đơn giản. Việc thu hồi đất ruộng bỏ hoang theo lời ông Duy đến nay địa phương chưa thực hiện được.

Hiện địa phương đang lấy quy định đó làm cơ sở để tuyên truyền cho người dân nếu không sử dụng thì nên cho thuê quyền sử dụng đất để các doanh nghiệp, cá nhân có khả năng tích tụ những diện tích đất này lại đưa vào sản xuất. Và hiện trên địa bàn huyện đang có nhiều mô hình tích tụ đất nông nghiệp phát huy hiệu quả cao.

Theo tìm hiểu của PV, một địa phương khác là huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An có hơn 10.043,54ha đất nông nghiệp, nhưng diện tích đang sử dụng là 8.197,25ha. Điều này đồng nghĩa với gần 2.000ha đất nông nghiệp hiện tại chưa được khai thác để đem lại giá trị sử dụng. Đáng chú ý, số đất đang sản xuất nông nghiệp cũng cho mức lợi nhuận khác nhau. Ví dụ vụ mùa hè thu năm 2023, trong khi sản lượng lúa của xã Hưng Thông đạt tới 85 tạ/ha, thì sản lượng của xã Hưng Thịnh chỉ đạt 35,5 tạ/ha. Ngoại trừ yếu tố giống lúa, thì rõ ràng trong cùng một môi trường khí hậu, thời tiết như nhau, mà năng suất có sự chênh lệch cho thấy thổ nhưỡng của từng xã cũng không giống nhau, nếu cứ chỉ đi theo truyền thống trồng lúa, những nơi có năng suất thấp sẽ thiệt thòi hơn rất nhiều, trong khi nếu có thể chuyển đổi đa mục đích sử dụng, hiệu quả, năng suất chắc chắn sẽ có sự bứt phá.

Lãnh đạo huyện Hưng Nguyên cũng thừa nhận thực tế hiện nay, lực lượng lao động trong nông nghiệp ngày càng già hóa và giảm về số lượng do dịch chuyển sang các ngành nghề khác có thu nhập ổn định hơn nên sẽ ảnh hưởng đến diện tích, chăm sóc và bảo vệ trong sản xuất.

Cả nước hiện đang có bao nhiêu diện tích đất lúa bỏ hoang thì chưa có một con số thống kê chính xác. Tuy nhiên, có một thực tế đang tồn tại thời gian qua là bên cạnh những cánh đồng tươi tốt, lại có những diện tích đất lúa bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm tại nhiều địa phương. Tại những nơi từng được coi là vựa lúa của đồng bằng sông Hồng như Nam Định, Hà Nam hay Thái Bình, không khó để bắt gặp hình ảnh này. Không ít bà con nông dân đã không còn mặn mà cặm cụi ngoài cánh đồng mà chuyển dịch sang các công việc khác. Việc dịch chuyển lao động là tất yếu khi kinh tế xã hội phát triển rất nhanh. Điều đáng nói, người có đất ruộng được nhà nước giao lại bỏ hoang, trong khi những người có nhu cầu sản xuất lại khó tiếp cận đất đai đang tạo ra sự lãng phí rất lớn.

Phan Hoạt – Lê Thúy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thoi-su/bai-1-khong-ly-huong-van-ly-nong-i726004/