Bài 1: Cảm xúc đặc biệt về nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam

Sau 6 năm, tôi mới có dịp trở lại thăm Công ty CP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) vào những ngày giữa tháng 7, dường như ở BSR luôn toát lên sức trẻ và sự sáng tạo.

Chúng tôi đến Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) làm việc đúng vào ngày đỉnh điểm của nắng nóng giữa tháng 7 tại khu vực Bắc bộ và miền Trung. Thời điểm chúng tôi phỏng vấn, ghi hình cũng là ngày Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến BSR làm việc về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021.

Đảm bảo an toàn tuyệt đối

Có lẽ, hiếm có công trình sản xuất nào phải tuân thủ nghiêm ngặt các vấn đề an ninh, an toàn như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất do BSR quản lý, vận hành. Để có được sự chấp thuận đến làm việc và ghi hình, phỏng vấn trong khu vực nhà máy. Trước đó, chúng tôi đã phải hoàn tất khá nhiều thủ tục về hành chính, trải qua lớp học an toàn, làm bài kiểm tra, nắm bắt được các quy định về an toàn, phòng, chống cháy nổ của nhà máy.

Chúng tôi phải trải qua buổi học và làm bài kiểm tra an toàn trước khi được phép vào khu vực trong nhà máy để tác nghiệp. Ảnh Trang Nhung

Khoảng 6h30 sáng, chúng tôi bắt đầu hành trình từ thành phố Quảng Ngãi đến Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đóng trên địa bàn huyện Bình Sơn với khoảng cách gần 40km.

Xe dừng trước cổng công ty, sau khi được kiểm tra kỹ càng, chúng tôi được yêu cầu mặc trang phục bảo hộ lao động trước khi bước vào học an toàn.

Ông Nguyễn Quang Hưng - Trưởng ban An toàn và Môi trường, Công ty BSR - cho biết: Tùy thuộc yêu cầu và tính chất công việc của khách trong nhà máy mà BSR có những quy định về chương trình học an toàn phù hợp. Đối với nhóm phóng viên chúng tôi chỉ tác nghiệp phía bên ngoài khu vực xử lý nước thải của nhà máy và Phòng Điều khiển trung tâm - nơi được ví như trái tim của nhà máy, chương trình đào tạo cũng khác so với những đối tượng vào các khu vực sản xuất.

Tại lớp học an toàn, nhóm phóng viên chúng tôi tham gia cùng với đoàn kỹ sư, cán bộ kỹ thuật của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn đến BSR để học tập kinh nghiệm.

Đây có lẽ là trải nghiệm thú vị nhất đối với tôi, bởi sau khi học xong, chúng tôi được cán bộ Ban An toàn và Môi trường của BSR phát cho Bài kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm và tự luận. Chúng tôi chỉ được vào trong nhà máy khi bài kiểm tra đạt yêu cầu; còn không đạt phải tiếp tục học lại.

Cảm giác được làm việc trong môi trường mới với những trải nghiệm của một người công nhân làm việc tại công trình đặc biệt và quan trọng bậc nhất của ngành dầu khí thật khó diễn tả cảm xúc!.

Thiết bị thu phát sóng hoặc có khả năng gây cháy, nổ đều phải gửi lại tủ đồ phía bên ngoài nhà máy. Ảnh Trang Nhung

Trước khi bước qua hàng rào an ninh ngăn giữa nhà máy và khu vực hành chính, chúng tôi được kiểm tra một lần nữa để xác nhận không có bất cứ thiết bị, vật dụng nào gây cháy, nổ, nguy cơ mất an toàn cho nhà máy. Toàn bộ điện thoại, hay các vật dụng bị cấm được yêu cầu gửi lại ngay tủ để đồ tại khu vực này.

Nộp ngân sách nhà nước trên 9 tỷ USD

Dẫn chúng tôi đi thăm nhà máy và chia sẻ về tình hình hoạt động của BSR trong thời gian qua, ông Nguyễn Quang Hưng - Trưởng ban An toàn và Môi trường BSR - cho biết: BSR là đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), được giao nhiệm vụ quản lý vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Đây là công trình trọng điểm an ninh quốc gia, là nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam với công suất chế biến theo thiết kế 6,5 triệu tấn dầu thô/năm (tương đương 148.000 thùng/ngày) chuyên sản xuất các sản phẩm LPG, Propylene, Polypropylene, xăng A92, xăng A95, Kerosene/JetA1, ADO, FO.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất bắt đầu được khởi công xây dựng từ tháng 11/2005, hoàn thành và đi vào vận hành thương mại vào tháng 5/2010 với tổng mức đầu tư gần 3 tỷ USD. Từ khi nhà máy đi vào vận hành đến nay, BSR đã nhập 1.177 chuyến dầu thô, đưa vào chế biến trên 95,7 triệu tấn dầu thô, sản xuất và xuất bán trên 87,4 triệu tấn sản phẩm các loại, đáp ứng trên 30% nhu cầu xăng dầu của cả nước.

BSR đã góp phần đưa đất nước Việt Nam có tên trong bản đồ các quốc gia có ngành công nghiệp lọc hóa dầu trên thế giới. Ảnh Bùi Hùng

BSR đã góp phần đưa đất nước Việt Nam từ đơn thuần chỉ xuất khẩu dầu thô trở thành quốc gia có ngành công nghiệp lọc hóa dầu trên bản đồ thế giới. Qua đó, từng bước hoàn thiện chuỗi giá trị của ngành dầu khí Việt Nam từ khai thác đến chế biến dầu khí.

Báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Bùi Ngọc Dương - Tổng Giám đốc BSR - cho biết: Sau gần 15 năm đi vào vận hành, tổng doanh thu của BSR cho đến nay đạt gần 1,49 triệu tỷ đồng, tổng nộp ngân sách hơn 210 nghìn tỷ đồng (tương đương hơn 9 tỷ USD), gần gấp 3 lần mức đầu tư và tổng lợi nhuận sau thuế tích lũy đạt gần 44 nghìn tỷ đồng, đóng góp đáng kể vào phần lớn doanh thu, lợi nhuận của PVN, ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi và nhà nước hàng năm cũng như sự phát triển kinh tế của đất nước. Qua quá trình hoạt động, BSR và ngày càng có vai trò quan trọng, là công cụ điều tiết vĩ mô của Chính phủ liên quan đến nguồn cung xăng dầu, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và cung cấp các nhiên liệu đặc chủng cho quốc phòng.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến làm việc với BSR sáng ngày 11/7. Ảnh Đức Chính

Bên cạnh đó, nhà máy đã tạo việc làm, thu nhập tốt cho hơn 1.540 lao động trực tiếp của BSR và hàng nghìàn lao động gián tiếp, tham gia có trách nhiệm với môi trường và cộng đồng với trên 750 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội đến năm 2023.

Từ khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào vận hành đến nay, BSR đã đánh giá và bổ sung gần 83 loại dầu khô khác nhau có thể chế biến tại nhà máy. Trong đó, đã đưa vào thử nghiệm và chế biến thành công 31 loại dầu thô trong và ngoài nước thay thế cho dầu thô thiết kế Bạch Hổ, cùng với 2 loại nguyên liệu mới quan trọng cho phân xưởng RFCC là SR LSFO và VGO.

“BSR đã nghiên cứu sản xuất và xuất bán thành công 7 sản phẩm nhiên liệu mới bao gồm: Marine FO, Treated LCO, xXăng RFCC, MixC4 và 3 sản phẩm nhiên liệu JetA1K, ADO-L62, xăng A80 cung cấp cho các phương tiện đặc chủng quốc phòng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và quốc phòng, cùng với 7 sản phẩm hóa dầu mới Popyproylene có hiệu quả cao” - ông Bùi Ngọc Dương chia sẻ.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng sản lượng sản phẩm xuất bán đáp ứng nhu cầu thị trường, BSR đã tận dụng và khai thác tối ưu công suất vận hành của nhà máy so với thiết kế như: phân xưởng CDU: 114%; KTU: 135%; NHT: 135%; ISOM: 150%; CCR: 110%; RFCC: 105%; PP Plant: 115%. BSR đã thực hiện thành công 4 lần bảo dưỡng tổng thể nhà máy và dự kiến sẽ triển khai bảo dưỡng tổng thể lần 5 vào 3/2024.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bai-1-cam-xuc-dac-biet-ve-nha-may-loc-dau-dau-tien-cua-viet-nam-263262.html