Bài 1: Agribank - một phần không thể thiếu của 'tam nông'

Là ngân hàng của nhà nông, Agribank luôn dành mọi nguồn lực và sự sáng tạo để giúp người nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp tiếp cận nguồn vốn thuận lợi, kịp thời nhất; cùng nhau tạo nên diện mạo xanh, sạch và trù phú cho khu vực 'tam nông'. Bởi thế, trên khắp các vùng quê Việt Nam, tên gọi Agribank đã trở thành một phần gắn bó thân thương, không thể thiếu của người nông dân.

Dựng nghiệp lớn từ vốn “tam nông”

Nhắc đến Bắc Ninh, người ta không chỉ biết đến các khu công nghiệp hiện đại lớn, nhỏ mà địa phương này còn là nơi có nền nông nghiệp phát triển với hàng nghìn nông dân sản xuất giỏi, doanh thu đạt hàng tỷ đồng mỗi năm. Để có được sự thay đổi tích cực này, một yếu tố quan trọng không thể thiếu đó là nguồn vốn ngân hàng, nhất là nguồn vốn từ Agribank Bắc Ninh.

Nguồn vốn Agribank mang lại cuộc sống sung túc cho người dân Kon Tum. (Ảnh H. Phương)

Điển hình như trường hợp của vợ chồng anh Nguyễn Đình Hải và chị Nguyễn Thị Trâm ở thôn Nhất Trai, xã Minh Tân, huyện Lương Tài. Với sự hỗ trợ của Agribank, anh Hải, chị Trâm đã gây dựng được cơ ngơi với 5ha đất vườn được quy hoạch hoàn chỉnh thành các khu trồng các loại rau củ quả sạch; 21.000m2 nhà màng, nhà lưới chuyên sản xuất ứng dụng công nghệ cao và liên kết được 20ha vùng nguyên liệu ngoài tỉnh. Khối lượng hàng hóa sản xuất 1 năm khoảng 1.500 tấn, giá trị 20 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động...

Một điển hình khác là ông Đào Viết Xuê, thôn Phù Lang, xã Phù Lương, huyện Quế Võ. Hơn 20 năm gắn bó với nghề chăn nuôi, trải qua biết bao thăng trầm, song, gia đình ông Đào Viết Xuê đã có được cơ ngơi mà bao người mơ ước. Ông Xuê bộc bạch, tất cả đều nhờ nguồn vốn vay của Agribank Quế Võ. Vừa qua, gia đình ông Xuê lại được Agribank Quế Võ giải ngân cho vay mới để mở rộng quy mô, xây dựng thêm khu chuồng 1.500m2, nuôi gần 1.000 lợn thịt, nâng tổng đàn lợn thịt lên gần 3.000 con; nâng tổng diện tích trang trại của gia đình lên 7ha.

Tại vùng đất khắc nghiệt Hà Tĩnh, nguồn vốn Agribank cũng phủ xanh phần đất cằn sỏi, mang lại cho người dân cuộc sống sung túc hơn. Theo báo cáo của ngành nông nghiệp Hà Tĩnh, đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.400 mô hình kinh tế nông nghiệp quy mô lớn, doanh thu mỗi năm từ 1 tỷ đồng trở lên và hơn 1.900 mô hình quy mô vừa, có doanh thu từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng. Trong số đó, hơn nửa do Agribank Hà Tĩnh trực tiếp hỗ trợ vốn vay.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Tĩnh Nguyễn Văn Việt cho rằng, các mô hình kinh tế trong nông nghiệp không chỉ tạo ra nguồn thu lớn, giải quyết việc làm cho nhiều lao động khu vực nông thôn, mà còn đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của Hà Tĩnh. Từ đó, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đưa chương trình xây dựng nông thôn mới ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất. Thực tế, những mô hình kinh tế cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm đang ngày càng được nhân rộng, đã thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Đây là nền tảng vững chắc để Hà Tĩnh thực hiện thành công xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Tiên phong đầu tư cho “tam nông”

Với phương châm “Nông thôn là thị trường, nông nghiệp là đối tượng cho vay, nông dân là khách hàng chính”, Agribank đang nỗ lực từng ngày đổi mới theo hướng hiện đại, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, áp dụng ngân hàng số để phục vụ nhiều tiện ích cho khách hàng, đặc biệt đối tượng khách hàng tại địa bàn nông thôn.

Theo lãnh đạo Agribank, một trong những điểm mới trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 mà Đảng, Nhà nước khẳng định đó là phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Trong những năm qua, Agribank được Đảng, Chính phủ giao nhiệm vụ giữ vai trò chủ lực trong cung ứng vốn và dịch vụ tài chính phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn và các chương trình mục tiêu quốc gia. Dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn của Agribank luôn chiếm tỷ trọng khoảng 70% dư nợ cho vay nền kinh tế, chiếm 40% thị phần cho vay nông nghiệp nông thôn của toàn hệ thống ngân hàng. Riêng cho vay xây dựng nông thôn mới, tín dụng Agribank “phủ kín” đến 100% số xã trên cả nước. Agribank còn được biết đến là tổ chức tín dụng luôn phát huy vai trò tích cực trong phát triển kinh tế biển, là ngân hàng duy nhất có phòng giao dịch tại 9/13 huyện đảo, hỗ trợ cho 24.000 tàu cá ở 28 địa phương ven biển, phát triển đội tàu công suất lớn hiện đại đánh bắt xa bờ…

Đóng vai trò chủ lực trên thị trường vốn và tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân, hoạt động của Agribank thực sự gắn với làng bản, xóm thôn và gần gũi với bà con nông dân. Đồng vốn của Agribank đã tạo thêm nghề mới, khôi phục các làng nghề truyền thống, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng phát triển hàng hóa, công nghiệp, dịch vụ… Agribank đã trở thành người bạn đồng hành thân thiết, hỗ trợ vốn đắc lực cho hộ nông dân vươn lên trong sản xuất, kinh doanh, tạo nên những thành tựu nổi bật về sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Với vai trò tiên phong, chủ lực trong chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước thực sự phát huy hiệu quả trong cuộc sống và mang lại lợi ích tối đa cho các đối tượng được thụ hưởng, nhất là đối tượng yếu thế trong xã hội. Hơn bao giờ hết, vai trò “bà đỡ” trên thị trường tín dụng nông nghiệp, nông thôn của Agribank càng quan trọng, là động lực để Agribank dành nhiều tâm huyết và đóng góp tích cực hơn nữa cho địa bàn “tam nông”, giúp người dân tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần đưa các vùng quê Việt Nam ngày càng phát triển bền vững và thịnh vượng.

ĐỨC KIÊN

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tai-chinh-bat-dong-san/bai-1-agribank-mot-phan-khong-the-thieu-cua-tam-nong-i288116/