Bạch Thông: Hỗ trợ liên kết sản xuất để phát triển bền vững

Liên kết sản xuất giúp nông nghiệp huyện Bạch Thông phát triển theo hướng bền vững.

Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm chè là một trong 5 dự án do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bạch Thông làm chủ đầu tư, được đánh giá bước đầu mang lại thu nhập cho các hộ dân và có tính hiệu quả bền vững. Dự án được thực hiện từ tháng 11/2019 đến tháng 11/2022 tại hai xã Quân Hà và Quang Thuận với quy mô 8ha, với 43 hộ tham gia. Qua kiểm tra và nghiệm thu thực tế cho thấy, tỷ lệ cây sống đạt từ 90% trở lên. Cây chè sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh, đến nay đa số diện tích được bà con chăm sóc tốt đã được thu hái. Năm 2020, Dự án hỗ trợ 3 máy sao chè, 3 máy vò chè, 3 máy dập túi, giao trách nhiệm quản lý máy móc chuyên dùng cho đại diện các hộ tham gia. Dự án đã thiết kế logo, bao bì, tem nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Sản phẩm chè sau khi sản xuất ra được đơn vị chủ trì liên kết bao tiêu, bước đầu đã hình thành được chuỗi liên kết. Năm 2021, sản phẩm “Chè Phiêng An” của Tổ hợp tác Phiêng An đăng ký tham gia Chương trình OCOP.

Năm 2020, huyện Bạch Thông phối hợp với Công ty TNHH Việt Nam MISAKI triển khai 02 dự án rau an toàn với diện tích 19ha. Trong đó, dự án trồng rau cải Nhật 13,6ha thực hiện tại hai xã Vũ Muộn, Cẩm Giàng, với 97 hộ tham gia; mô hình trồng kiệu 5,4ha tại các xã Quân Hà, Vũ Muộn, Sỹ Bình, với 50 hộ tham gia. Các hộ dân được Nhà nước hỗ trợ 70% giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học, 30% phân chuồng và được cơ quan chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, Công ty TNHH Việt Nam MISAKI bao tiêu sản phẩm. Qua triển khai cho thấy, đây là 02 loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, trong đó: Cây rau cải Nhật cho năng suất trên 50 tấn/ha, giá bán 2.000 đồng/kg, đem lại thu nhập 100 triệu đồng/ha cho nông dân chỉ sau gần 3 tháng gieo trồng; cây kiệu cho năng suất 20 tấn/ha, giá bán 8.000 đồng/kg, cho thu nhập khoảng 160 triệu đồng/ha sau hơn 7 tháng trồng.

Bí thư Đảng ủy xã Vũ Muộn Đinh Quang Trực cho biết: "Liên kết sản xuất giúp nông dân được hỗ trợ về vốn, kỹ thuật và quan trọng là bà con không phải lo lắng về đầu ra sản phẩm vì đã có doanh nghiệp bao tiêu. Đây là hướng phát triển bền vững được người dân nhiệt tình hưởng ứng và cần được nhân rộng trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp của địa phương".

Trong 25 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm thực hiện 02 năm qua, có 05 dự án do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện làm chủ đầu tư, các dự án còn lại do UBND xã làm chủ đầu tư, chủ yếu hỗ trợ các xã, thôn về đích nông thôn mới theo kế hoạch.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông Hoàng Văn Kiệm, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đều được triển khai trên cơ sở rà soát, tổng hợp ý kiến, nhu cầu của người dân. Hiệu quả các dự án đã góp phần chuyển đổi mạnh mẽ về nhận thức của người dân, đặc biệt là việc tiếp thu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hiểu được vai trò của mình trong liên kết, hợp tác với doanh nghiệp, hợp tác xã để bao tiêu sản phẩm. Chuyển đổi cây trồng theo hướng hàng hóa đã góp phần tích cực giải quyết việc làm cho người dân nông thôn, mang lại hiệu quả kinh tế. Qua đó, nhiều hộ đã tự nguyện tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác, góp phần phát triển kinh tế tập thể ở địa phương./.

X.N

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202110/bach-thong-ho-tro-lien-ket-san-xuat-de-phat-trien-ben-vung-862697e/