Bắc Trung bộ sau mưa lũ: Điểm nóng của dịch sốt xuất huyết

TP - Theo nhận định của các chuyên gia dịch tễ, dịch sốt xuất huyết (SXH) chưa qua đỉnh dịch. Hiện nay khu vực Bắc Trung bộ và miền Nam đang được coi là điểm nóng của dịch SXH, nhất là sau khi nước lũ rút và mùa mưa đến.

Kinh phí chi cho phòng chống SXH mỗi năm lên tới hàng chục tỷ đồng nhưng hiệu quả lại chưa cao. Tiến sĩ Trần Như Dương, Viện phó Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, SXH chỉ lây truyền qua vật chủ trung gian là muỗi. Do đó để kiểm soát được việc lây truyền bệnh rất khó do quá trình lây truyền bệnh lại phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, môi trường, ý thức sinh hoạt của người dân, đô thị hóa… Hơn nữa, đến nay trên thế giới vẫn chưa có vaccine phòng chống SXH hay thuốc đặc trị căn bệnh này nên việc kiểm soát dịch càng trở nên nan giải. Trong quá trình đi kiểm tra tình hình dịch bệnh tại các tỉnh bị mưa lũ vừa qua, TS Dương cho biết, điều kiện môi trường, khí hậu của khu vực phía Nam và miền Trung thuận lợi cho muỗi phát triển hơn. Trong khi đó, thói quen sinh hoạt cũng như điều kiện nước máy ở khu vực này không thuận lợi như phía Bắc. Người dân chủ yếu sử dụng nguồn nước giếng, chứa trong chum vại và sống quanh kênh rạch. Đây là điều kiện thuận lợi cho muỗi và loăng quăng phát triển. Cho dù ngành y tế chủ động dự phòng phun thuốc diệt muỗi, diệt loăng quăng cũng khó khi người dân không tham gia làm sạch môi trường sống xung quanh. Tại Nghệ An và Hà Tĩnh, trong đợt dịch SXH năm nay, cán bộ y tế vận động bà con đổ hết nước mưa tích trữ trong các vại, chum, bể rất khó khăn. Điều kiện môi trường mất vệ sinh rất thuận lợi cho muỗi mang virus SXH phát triển. Bên cạnh đó, những ngày qua, mưa lũ ập tới khiến việc phun thuốc diệt muỗi trưởng thành không thực hiện được nên nguy cơ dịch SXH bùng phát là rất lớn. Bác sĩ Phạm Đình Du - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nghệ An chia sẻ: “Dịch giảm hay không phụ thuộc nhiều vào ý thức của người dân vì cán bộ y tế có tuyên truyền tốt đến mấy mà dân không ý thức thì dịch bệnh vẫn lây lan”. TS Dương cho rằng điều lo lắng nhất tại các vùng phía Nam và miền Trung là sau khi mưa lũ rút đi, bệnh dịch sẽ hoành hành. Đặc biệt là SXH, bệnh sốt rét, liên quan tiêu hóa (tả, lỵ, thương hàn), đau mắt đỏ và bệnh viêm đường hô hấp. Trước tình hình đó nếu người dân không phối hợp với ngành y tế diệt loăng quăng thì dịch sẽ khó khống chế. Bộ Y tế vừa cấp thêm 4.025kg cloramin B, 200 lít hóa chất delta UK, 30.000 gói oresol, 15 bình phun tay MR-8, 5 máy phun ULV và 8 máy phun đeo vai MD-165DX cho các tỉnh miền Trung vừa trải qua mưa lũ. Hiện theo báo cáo của các địa phương Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị chưa xảy ra ổ dịch bệnh truyền nhiễm nào lớn. Thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho thấy, đến nay, cả nước có gần 80.000 ca mắc SXH tại 48/63 tỉnh thành, trong đó có 59 trường hợp tử vong.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/thoi-su/515590/bac-trung-bo-sau-mua-lu-diem-nong-cua-dich-sot-xuat-huyet.html