Bác sĩ Việt thực hiện ca can thiệp tim đặc biệt, chia sẻ trực tiếp đến Singapore

Nhiều 'mẹo mực', kỹ thuật khó và khéo trong ca can thiệp tim mạch đặc biệt phức tạp do bác sĩ Việt thực hiện được truyền trực tiếp đến Singapore khiến chuyên gia tim mạch thế giới trầm trồ.

Nữ bệnh nhân lớn tuổi có nhiều bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, suy thận và chỉ còn một bên thận. Gần đây, bà nhập viện vì bệnh lý động mạch vành cấp.

GS.TS Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, cùng nhóm chuyên gia nhận định đây là một ca khó, nguy cơ cao, tổn thương động mạch vành rất phức tạp với nhiều chỗ hẹp, vôi hóa toàn bộ cả ba nhánh động mạch vành kèm tổn thương thân chung động mạch vành trái. Đây là vị trí trọng yếu, là gốc của các nhánh động mạch vành bên trái.

Nhóm bác sĩ Viện Tim mạch Việt Nam quyết định chọn can thiệp nong và đặt stent do không thể mổ mở bởi bệnh nhân có nguy cơ rất cao.

Giáo sư Hùng cho biết trước đây tổn thương thân chung được coi là chống chỉ định để can thiệp. Ngày nay nhờ tiến bộ của kỹ thuật, phương tiện hiện đại, kinh nghiệm và tay nghề của thầy thuốc, tổn thương này có thể can thiệp.

Ca can thiệp được chia thành 2 thì. Lần thứ nhất diễn ra trước đó 1 tuần, bệnh nhân được can thiệp nhánh động mạch vành phải. Lần thứ hai can thiệp trực tiếp vào tổn thương hẹp rất nặng của thân chung động mạch vành trái, kèm theo 2 nhánh chính bên trái.

Hình ảnh ê-kíp can thiệp thực hiện tại Việt Nam chiều 26/1. Ảnh: BSCC

Ca can thiệp lần thứ 2 do Giáo sư Hùng làm trưởng nhóm, được truyền hình trực tiếp sang đầu cầu Hội nghị Tim mạch can thiệp Singapore (Singlive) chiều 26/1. Điểm đặc biệt của ca can thiệp là trong quá trình tiến hành, nhiều kỹ thuật, “mẹo mực” đã được các bác sĩ Việt trực tiếp chia sẻ với chuyên gia nước ngoài.

Đơn cử, bác sĩ sử dụng siêu âm trong lòng mạch để hướng dẫn can thiệp chính xác, sử dụng “mẹo” với hai dây dẫn để trượt stent qua các góc uốn lượn, hoặc cách uốn dây dẫn để lái vào những vị trí khó khăn…

Ê-kíp cũng sử dụng kỹ thuật “hybrid” để đặt stent vào nhánh chính lớn, còn nhánh phụ và hẹp dài lan tỏa thì sử dụng công nghệ bóng phủ thuốc chống tái hẹp nong mạch vành. Điều này giúp bệnh nhân không phải đặt quá nhiều stent, hạn chế nguy cơ làm tăng tỷ lệ tái hẹp hoặc tắc lại stent sau này.

Chuyên gia tại điểm cầu Singlive theo dõi và bình luận ca can thiệp truyền hình trực tiếp từ Việt Nam. Ảnh: BSCC

Trong quá trình thực hiện, nhóm thầy thuốc nhận được nhiều câu hỏi, bình luận của ban chủ tọa và các đồng nghiệp dự hội nghị ở Singapore. Chuyên gia quốc tế đánh giá rất cao sự tự tin, kỹ thuật và tính sẵn sàng chia sẻ của bác sĩ Việt Nam.

Tim mạch can thiệp là việc thầy thuốc sử dụng trang thiết bị qua đường ống thông để can thiệp chữa khỏi các bệnh tim mạch mà không cần phải mổ hoặc đôi khi phẫu thuật không thực hiện được.

Việt Nam hiện có hơn 120 trung tâm can thiệp tim mạch, thực hiện được hầu hết bệnh tim mạch thông thường, đặc biệt là nhồi máu cơ tim cấp. Người bệnh tim mạch ở Việt Nam, kể cả những ca phức tạp nhất, không cần phải ra nước ngoài.

Singlive là một trong 3 hội nghị chuyên về tim mạch can thiệp lớn và ra đời sớm nhất thế giới, là nơi tập hợp các thầy thuốc tim mạch can thiệp khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới. Hội nghị được tổ chức hàng năm với khoảng 5.000 - 10.000 đại biểu tham dự. Viện Tim mạch Việt Nam là trung tâm duy nhất ở nước ta được Singlive nhiều lần mời tham gia trình diễn các ca can thiệp.

Võ Thu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bac-si-viet-thuc-hien-ca-can-thiep-tim-dac-biet-truyen-truc-tiep-den-singapore-2244374.html