Bác sĩ Việt làm chủ hoàn toàn ca can thiệp tim hiếm gặp trên thế giới

Chiều 23/9, nhóm bác sĩ Trung tâm tim mạch Đại học Y Hà Nội do PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu đứng đầu đã thực hiện ca can thiệp tim phức tạp tại Việt Nam, trước sự chứng kiến và hội chẩn trực tiếp từ các chuyên gia tim mạch trên thế giới bằng hình thức cầu truyền hình quốc tế. Báo Sức khỏe&Đời sống độc quyền phát chương trình này.

Đây là một hoạt động nằm trong khuôn khổ hoạt động của Hội nghị Can thiệp các bệnh tim bẩm sinh và tim cấu trúc châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 7 (APCASH 2016) đang diễn ra tại Hồng Kông, với sự tham gia của những bác sĩ, chuyên gia phẫu thuật, các nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về các bệnh tim bẩm sinh và tim mạch cấu trúc.

Những ca bệnh tim mạch hiếm gặp và phức tạp

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu tâm sự, trong các bệnh tim bẩm sinh, có những trường hợp hiếm gặp, bác sĩ có khi chỉ một lần duy nhất trong đời hoặc thậm chí cả cuộc đời cũng không gặp bao giờ. Đây là trường hợp như vậy, ca bệnh cực hiếm, trên thế giới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bệnh nhân nam 38 tuổi, tên là Lê Văn V, ở Vĩnh Phúc bị thiểu sản nhánh động mạch phổi trái, động mạch phổi phải hẹp rất khít, gây ra tình trạng thiếu ôxy khiến người bệnh khó thở và tím tái. Gia đình bệnh nhân cho biết, bệnh nhân đã phải nằm viện hàng tháng từ địa phương tới trung ương, nhiều lúc gia đình cảm thấy tuyệt vọng vì không tìm ra căn bệnh của cháu. Tuy nhiên chúng tôi như được “cứu sống” khi gặp được bác sĩ Hiếu, “Bác chính là người đã sinh ra cháu lần thứ hai”.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu (bên phải) trong ca can thiệp tim mạch.

Tháng 3/2016, bệnh nhân đã được nong nhánh động mạch phổi lần 1 tuy nhiên lại bị tái hẹp. Theo các bác sĩ, vì bị thiểu sản động mạch phổi trái nên chức năng phổi trái của bệnh nhân gần như không còn, việc hô hấp chỉ còn phụ thuộc vào động mạch phổi phải mà động mạch này lại bị khít hẹp một đoạn rất nhỏ, chỉ 4mm. Bác sĩ Hiếu đã quyết định can thiệp đặt một stent vào vị trí bị khít hẹp này. Ca can thiệp đòi hỏi bác sĩ phải cực kỳ tỉnh táo và khéo léo từ việc chọn dụng cụ đặt giá đỡ, chèn đến các thao tác bơm bóng, nong hay thả đều phải cực kỳ chính xác. Vì chỉ cần một sơ xảy cũng có thể khiến động mạch còn lại của bệnh nhân bị vỡ, phồng hoặc chảy máu ....

Trong quá trình mổ, bằng hình thức cầu truyền hình trực tuyến, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu đã có những trao đổi trực tiếp với các bác sĩ nước ngoài về tình hình bệnh nhân, lựa chọn phương thức can thiệp và loại dụng cụ cải tiến thế hệ mới. Các bác sĩ nước ngoài nhận định, đây là một ca bệnh rất hiếm gặp trên thế giới và có rủi ro cao, vì vậy đòi hỏi bác sĩ tiến hành can thiệp phải có trình độ, tay nghề cao. Ca can thiệp kéo dài gần 1 giờ đồng hồ. Ngay sau khi được đặt stent, tình hình sức khỏe của bệnh nhân tiến triển rõ rệt, đạt độ bão hòa oxy lên mức 98% như người bình thường, thay vì mức rất thấp là 87% trước đó. Trước sự thành công của ca can thiệp, tại đầu cầu Hồng Kông, nhiều bác sĩ hết sức khen ngợi các bác sĩ Việt Nam. “Các bạn làm rất tốt”, một bác sĩ nước ngoài cho hay.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu thông báo cho người nhà bệnh nhân ca can thiệp đã thành công.

Chứng kiến bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu cùng các đồng nghiệp trong phòng can thiệp lạnh ngắt của máy điều hòa mà mồ hôi vẫn túa ra như tắm, chúng tôi không khỏi xúc động. Bởi ở đây không một giây phút nào những bác sĩ – “chiến sĩ áo trắng” được xao nhãng, lùi bước. Chúng tôi vô cùng khâm phục sự tận tụy, hết lòng vì người bệnh của những y bác sĩ tại Trung tâm tim mạch mà đứng đầu là PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu. Ông không chỉ cho thấy tấm gương của sự cẩn trọng, tỉ mỉ mà luôn cân nhắc từng tí một trước mỗi ca bệnh, luôn đưa ra những lựa chọn tối ưu vì người bệnh.

Những kinh nghiệm bổ ích

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu – người trực tiếp thực hiện ca can thiệp tim phức tạp trên – cho hay, trong ngành y, bác sĩ nào dù giỏi đến mấy cũng không thể biết hết được các ca bệnh tim phức tạp, đặc biệt là bệnh tim bẩm sinh hiếm gặp.

Êkíp can thiệp cho bệnh nhân tại đầu cầu ở Trung tâm tim mạch Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Vì vậy, việc được trao đổi trực tiếp ngay trong ca mổ với các bác sĩ tim mạch hàng đầu thế giới là một cơ hội tốt để các bác sĩ Việt Nam học hỏi, thu nhận kinh nghiệm vô cùng bổ ích. Trong hội nghị qua cầu truyền hình trực tiếp, các bác sĩ Việt Nam không chỉ lắng nghe các ý kiến chuyên môn từ nhiều giáo sư, bác sĩ thế giới, mà bác sĩ Hiếu còn cung cấp cho các đồng nghiệp quốc tế những kinh nghiệm, kiến thức ông thu nhận được về chuyên ngành tim bẩm sinh và tim cấu trúc. Bác sĩ Hiếu nói một cách đầy tự hào rằng: “Các bác sĩ Việt Nam không những có khả năng hòa nhập với sự phát triển của y học thế giới mà chúng ta còn có thể tìm ra hướng đi mới, đóng góp cho sự phát triển của tim mạch học thế giới nói chung và tim bẩm sinh nói riêng”.

Hội nghị APCASH lần thứ 7 được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị và triển lãm Hồng Kông từ ngày 23-25/9/2016, quy tụ những bác sĩ, chuyên gia phẫu thuật, các nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về các bệnh tim bẩm sinh và tim mạch cấu trúc. Trong hội nghị kéo dài 3 ngày này, ngoài các ca can thiệp tim mạch từ Việt Nam, các đại biểu sẽ cùng thảo luận và trực tiếp theo dõi hình ảnh từ phòng phẫu thuật, các ca can thiệp tim mạch ở Bệnh viện Queen Elizabeth, Hồng Kông và Bệnh viện Đại học Benjamin Franklin, CHLB Đức.

Hải Yến – Thu Trang

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/bac-si-viet-lam-chu-hoan-toan-ca-can-thiep-tim-hiem-gap--n122844.html