Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Đối phó với 3 rắc rối sau Tết

Trẻ nhỏ bỏ ăn, người lớn uể oải, đau bụng, tiêu chảy do 'giải quyết' thức ăn thừa và tác động từ đợt nóng tràn về... là những vấn đề có thể gặp sau Tết.

Sau Tết, nhiều phụ huynh đau đầu vì con nít trong nhà tự dưng bỏ ăn hoặc không chịu ăn những thứ mà trước đó trẻ vẫn thường ăn.

Điều này có thể bắt nguồn từ những ngày nghỉ Tết, do trẻ thường xuyên được ăn không đúng bữa, ăn những thứ không phải thứ trẻ ăn thường ngày. Ví dụ thay vì ăn sữa, cháo với lượng bình thường thì ăn bánh, mứt, đồ ăn vặt nhiều.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh

Đừng tưởng chỉ vài ngày thôi thì không sao. Vài ngày nữa đủ để con nít cứ theo cái đà đó mà bỏ ăn hoặc ghiền ăn ngọt.

Nếu đã lỡ rơi vào tình trạng đó thì điều đầu tiên là phải kiên quyết để trẻ lấy lại thói quen cũ. Có người sợ con đói nên không ăn cơm thì mềm lòng cho ăn vài cái bánh. Thực ra bỏ một bữa thì cũng chẳng đến nỗi đâu. Chứ để trẻ ghiền đồ ngọt luôn thì sẽ dễ béo phì và nhiều bệnh khác, sau này càng khó sửa.

Lần này vất vả vì chuyện ăn của con sau Tết thì lần sau ráng rút kinh nghiệm; nghỉ Tết, nghỉ lễ cũng ráng giữ cho trẻ thói quen ăn uống điều độ nhất có thể, đừng cho ăn ngọt trừ cơm.

Trong khi con nít như vậy thì người lớn rất nhiều người gặp phải tình trạng... oải, không làm gì nổi dù mới trải qua kỳ nghỉ. Điều đó là do bạn không thực sự để cơ thể được nghỉ ngơi trong các ngày nghỉ.

Đầu tiên là thiếu ngủ. Ngoài việc giờ giấc thất thường, nam giới còn thiếu ngủ vì... nhậu liên miên ngày Tết. Đi nhậu về có thể lăn ra ngủ mê mệt thì nghĩ là mình ngủ nhiều, nhưng lúc đó thật ra mình ngủ không sâu.

Chưa kể nhậu nhiều hay mất nước, nhất là uống bia: Cứ tưởng uống nhiều là đủ nước, không phải vậy, vì tốc độ thải nhanh hơn tốc độ uống. Mất nước làm người mệt mỏi, khó chịu hoài.

Cách giải quyết cho điều này không gì khác hơn là phải ngủ thêm, ngủ đủ, ăn uống điều độ trở lại những ngày sau đó.

Sau Tết, một đợt nóng đang tràn về nhiều khu vực, mà mùa nóng cũng là mùa dễ phát sinh ngộ độc thực phẩm. Có thể do ăn trúng thứ không hợp vệ sinh ở bên ngoài. Có thể do thực phẩm để lâu, hâm đi hâm lại mà hâm không đúng cách.

Có 3 con vi khuẩn có thể gây ngộ độc thực phẩm nặng cần chú ý nhất là salmonella, E.coli, tụ cầu.

Mấy con này thì nấu lên là nó chết. Tuy nhiên đồ nấu rồi cũng có thể bị nhiễm bẩn từ bên ngoài, ví dụ như từ tay người chuẩn bị thực phẩm, các dụng cụ sử dụng trong nhà bếp, bàn ăn.

Cách để phòng ngừa là rửa tay trước khi ăn, khi chuẩn bị thức ăn, nếu ăn ở nhà thì bảo đảm đồ dùng nhà bếp sạch sẽ, đừng để dây vi khuẩn từ đồ sống sang đồ chín.

Mùa nóng đồ ăn mau hư, mau bị vi khuẩn tấn công hơn. Nên với đồ ăn cất trong tủ lạnh hâm lại, đầu tiên phải... ngửi kỹ, nhìn kỹ. Hâm phải hâm kỹ, đủ thời gian, đủ nóng chứ không phải chỉ hâm sơ cho đồ ăn hết lạnh là được!

Cái gì nhắm ăn một lần không hết thì lúc múc ra múc vừa đủ thôi, ví dụ như mấy nồi thịt kho hột vịt hâm đi hâm lại nhiều lần. Phần chưa ăn thì cất mau vào tủ lạnh.

Đồ ăn chế biến sẵn như giò chả thì ăn phần nào cắt phần đó ra thôi. Đã hơi lâu ngày thì tốt nhất đem chế biến lại thay vì ăn trực tiếp. Mà tốt nhất là rút kinh nghiệm lần sau, đừng trữ hay nấu quá nhiều, bởi chắc chắn ăn đồ để lâu, hâm lại không tốt như đồ tươi, mới.

BS Trương Hữu Khanh (Cố vấn khối Nhiễm, Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Nhi Đồng 1)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bac-si-truong-huu-khanh-doi-pho-voi-3-rac-roi-sau-tet-196240214105224131.htm