Bác sĩ trả lời: Làm sao để em bé quay đầu?

* Chào bác sĩ, em hiện đang được 35 tuần con so, em muốn theo dõi để sinh thường, tuy nhiên khi siêu âm bác sĩ nói em bé chưa quay đầu. Vậy khả năng em có sinh thường được không và có cách nào để bé quay đầu không ạ, mong bác sĩ tư vấn cho em. Xin cảm ơn bác sĩ.

(Chị Hoàng Ngọc Trang, 28 tuổi, ngụ phường Hòa Bình, thành phố Biên Hòa)

Bác sĩ trả lời:

Chào chị!

Sau 35 tuần, khoảng 25% bé bị ngôi ngược sẽ tự xoay trở về ngôi đầu. Nếu bác sĩ tự tin là việc sinh thường có ít nguy cơ nhất, đồng thời bà bầu cũng nhất quyết sinh thường kể cả đó là ngôi mông thì không cần can thiệp gì. Bác sĩ sẽ phải rất cân nhắc khi quyết định xoay ngôi thai từ bên ngoài. Đầu tiên phải chắc chắn được vị trí của dây rốn và nhau. Nếu không, thủ thuật này có thể làm đứt dây rốn hoặc bong nhau thai. Bà bầu có thể được chỉ định dùng thuốc giãn cơ tử cung trước khi làm thủ thuật. Tỷ lệ thành công khoảng 40-70% tùy thuộc kinh nghiệm của bác sĩ.

Ảnh minh họa

Ngay cả khi thủ thuật xoay ngôi thai về ngôi đầu đã trót lọt, các bé hoàn toàn có khả năng tự xoay ngược lại như thường. Nguy cơ này xảy ra càng cao nếu thực hiện xoay ngôi thai quá sớm so với ngày dự sinh. Thời gian lý tưởng để thực hiện thủ thuật này là lúc thai 37 tuần.

Nhưng thực tế thủ thuật ngoại xoay thai rất ít được làm hiện nay, nếu cuối thai kỳ bác sĩ sẽ đánh giá em đủ chỉ định sanh ngôi mông không.

Chỉ định sinh thường nếu đảm bảo những điều kiện sau:

- Thai nhi ở tư thế thai mông hoàn toàn hoặc không hoàn toàn (kiểu mông) và đủ tháng.

- Cân nặng thai nhi không quá lớn, từ 2.500-3.200 gram.

- Không có dị tật thai nhi.

- Ước lượng kích thước khung chậu của người mẹ không quá hẹp và em bé không quá lớn.

- Nhịp tim thai nhi ổn định và được theo dõi sát.

- Lựa chọn bệnh viện uy tín và bác sĩ có đủ kinh nghiệm, chuyên môn để phòng tránh những trường hợp nguy hiểm cho cả bé và mẹ.

Thai ngôi mông có thể sinh thường được, tuy nhiên các bác sĩ vẫn khuyên sản phụ rằng nên mổ khi con đã đủ tháng thay vì chờ chuyển dạ tự nhiên. Ngoài ra, thai ngôi mông còn dẫn tới một số biến chứng như:

- Việc đưa em bé ra khỏi bụng mẹ sẽ trở nên rất khó khăn hơn so với các loại ngôi khác. Trong trường hợp xấu nhất là thai nhi bị thiếu oxy, nguyên nhân có thể do thời gian chuyển dạ quá lâu, ối vỡ hoàn toàn...

- Đầu thai nhi là phần to và cứng nhất nên nguy cơ kẹt đầu hoàn toàn có thể xảy ra, hậu quả có thể dẫn tới tình trạng thai chết hoặc sang chấn.

- Trong trường hợp ngôi mông không hoàn toàn (kiểu chân), thai phụ dễ có nguy cơ bị sa tử cung. Thai nhi có thể gây áp lực lên rốn dẫn đến việc hạn chế lưu lượng máu đến bé. Nếu sinh thường thai nhi có nguy cơ cao bị dị tật ở chân.

Với những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra như trên, mẹ bầu cần phải có sự lựa chọn an toàn cho bản thân và cho bé. Nếu có những thắc mắc liên quan đến việc mổ lấy thai thì bạn hãy hỏi ngay để nhận được sự tư vấn từ các bác sĩ nhé.

Bác sĩ Nguyễn Văn Chung,

Khoa Sản, Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/alo--bac-si-oi/202403/bac-si-tra-loi-lam-sao-de-em-be-quay-dau-d42188f/