Bắc Quang mùa Thu về

BHG - Bắc Quang vào những ngày đầu Thu, không khí Cách mạng Tháng Tám hừng hực đang làm đổi thay diện mạo vùng cửa ngõ Hà Giang. Giữa phố là cuộc cách mạng về chỉnh trang đô thị, trong làng, trong xã người dân hối hả họp bàn giao đất làm đường cao tốc. Còn ngoài đồng, lúa mùa cấy sớm cũng đã phảng phất hương thơm...

Thu hái chè Shan tuyết đặc sản ở xã Liên Hiệp.

Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang, Phùng Viết Vinh cho biết: Bắc Quang đang bước vào Thu với bộn bề công việc. Trước mắt, tập trung vào công tác quy hoạch chỉnh trang đô thị, phấn đấu hoàn thành xong việc khơi thông lòng đường, vỉa hè các khu phố trung tâm thị trấn Việt Quang; tiến hành lắp cống thoát nước và lát đá vỉa hè theo đúng tiêu chuẩn đô thị hóa. Tính hết tháng 8, Bắc Quang đã tiến hành sửa chữa, nâng cấp 6 tuyến phố trung tâm dài trên 40 km; tổng kinh phí đầu tư trên 140 tỷ đồng, chưa kể xã hội hóa. Mục tiêu quan trọng trong nửa nhiệm kỳ Đại hội về xây dựng cơ sở hạ tầng đã đạt kế hoạch đề ra. Nhìn lại để thấy, sau hơn 2 năm Bắc Quang đã tập trung sửa chữa, nâng cấp nhà làm việc Huyện ủy, xây dựng Quảng trường trung tâm 15.5. Hiện, đang tiếp tục sửa chữa, nâng cấp nhà làm việc HĐND – UBND huyện tạo bộ mặt công sở quy củ, hiện đại, có tầm. Các tuyến đường Quốc lộ 279, tỉnh lộ 177 cũng dần được nâng cấp đạt đường đô thị loại 3. Tuyến vành đai kết nối tổ dân phố 12 nối liền thị trấn Việt Quang - Việt Vinh cũng đã hoàn thành và mở rộng thêm không gian phát triển. Thị trấn Việt Quang hôm nay đã là hình ảnh tươi mới của đô thị hiện đại ngay cửa ngõ phía Nam tỉnh Hà Giang. Không dừng ở trung tâm, ngay sau Đại hội, Bắc Quang đã dồn nguồn lực, tập trung sức dân xây dựng hạ tầng các xã, thôn. Tính đến hết tháng 9.2023, Bắc Quang đã làm mới gần 229 km đường bê tông nông thôn tại 23 xã, thị trấn. Hoàn thành xây dựng và công nhận thêm 3 xã đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM), nâng số xã đạt NTM toàn huyện lên 12/23 xã, thị trấn. Công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng NTM đã huy động trên 220 tỷ đồng; người dân tham gia đóng góp trên 18,9 tỷ đồng và 21.500 m2 đất. Bắc Quang đang phấn đấu đưa 2 xã Đồng Yên, Kim Ngọc trở thành đô thị loại V vào cuối năm 2023 và đưa xã Đồng Tâm, Bằng Hành về đích NTM trước Tết nguyên đán. Có thể nói, Ý Đảng, lòng dân cùng chung nhịp đập đã, đang làm đổi mới diện mạo về cơ sở hạ tầng ở Bắc Quang ngày một khang trang và đưa đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng cao. Bắc Quang đang nỗ lực phấn đấu trở thành huyện NTM của tỉnh vào năm 2025.

Rời đô thị Việt Quang, về các xã: Hùng An, Việt Vinh, Quang Minh... để cảm nhận mùi hương của lúa mới, cảm nhận tình người ấm áp trong mùa Thu về. Chủ tịch UBND xã Hùng An, Nông Hoàng Giang vui vẻ: Bà con trong xã đang tập trung đông đủ để nhận tiền hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư làm đường cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang giai đoạn 1. Hùng An là một trong những xã có nhiều hộ dân nhất của huyện phải nhường đất, thực hiện tái định cư làm đường cao tốc. Đoạn cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang đi qua Hùng An dài trên 8 km, diện tích phải thu hồi 531.000 m2. Toàn xã hiện có 6/8 thôn, người dân đã nhận tiền hỗ trợ đền bù bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công. Ông Hứa Đức Thắng, thôn Tân Tiến, bà Nguyễn Thị Tân, thôn Thạch Bàn vừa nhận tiền bồi thường cho biết: Đường nhà nước nhưng đẹp nhà mình, có đường là có tương lai tươi sáng hơn. Tại các xã Quang Minh, Vĩnh Tuy công tác hỗ trợ người dân thực hiện giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Đường cao tốc đi qua sẽ mở ra cho Bắc Quang một không gian phát triển mới, ở đó là 2 bên đường đầy ắp tiềm năng về đất đai, con người và sức lao động. Do đó, khó khăn mấy Bắc Quang cũng sẽ hoàn thành và bàn giao mặt bằng theo đúng kế hoạch để sớm có con đường mới tạo đà cho phát triển.

Mùa Thu ở Bắc Quang buổi sớm đã se sẽ heo may. Mùi hương lúa trên cánh đồng làng làm lòng ai thổn thức. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Quang, Trần Minh Hữu cho biết: Bắc Quang đã quy hoạch thành những vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao trọng điểm trên 3.900 ha. Thực hiện dồn điền, đổi thửa và áp dụng cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp trên 95%. Thu về, lúa mùa cấy sớm cũng đã đứng cái, làm đòng. Các cây trồng chủ lực cũng hình thành rõ nét vùng sản xuất chuyên canh, vùng cây ăn quả có múi, lấy cây cam Sành làm chủ lực ở 7 xã, diện tích là 3.400 ha. Hình thành và quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất, chế biến chè xuất khẩu 3.630 ha. Đánh giá sơ bộ trong nửa nhiệm kỳ Đại hội, nền sản xuất nông nghiệp ở Bắc Quang đã đóng góp và trở thành trụ đỡ của nền kinh tế huyện nhà. Nông nghiệp Bắc Quang đã, đang thực hiện số hóa về sản phẩm sản xuất xanh, hữu cơ. Đến nay, Bắc Quang đã có 39 sản phẩm được công nhận đạt chất lượng tiêu chuẩn VietGap, OCOP. Hình ảnh cam “treo” đầy cành, cá vờn trong ao đã rõ nét hơn trong đời sống no ấm của người dân vùng cửa ngõ phía Nam Hà Giang.

Rời Bắc Quang trong một ngày Thu đẹp. Đâu đó, tiếng bi bô của trẻ sắp bước vào lớp một của năm học mới làm thổn thức bao hy vọng về ngày mai sẽ càng tươi sáng.

Bài, ảnh: Nguyễn Hùng

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202309/bac-quang-mua-thu-ve-50c57bd/