'Bác Hồ với chiến sĩ Biên phòng'

Những năm qua, hầu hết các đơn vị cơ sở trong BĐBP đều đặt bức tượng bán thân 'Bác Hồ với chiến sĩ Biên phòng' trong khuôn viên. Đó là bức tượng khắc họa chân dung bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh với gương mặt hiền từ đang căn dặn chiến sĩ Biên phòng phải giữ gìn trọn vẹn bờ cõi non sông, đất nước, do họa sĩ Vũ Ngọc Khôi sáng tác năm 1978 có tên ban đầu là 'Nghe lời non nước'. Bàn tay Bác cầm nắm đất, đưa cho người chiến sĩ thể hiện ý tưởng mong muốn các chiến sĩ Biên phòng hãy trân trọng, nâng niu từng tấc đất biên cương.

Lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế cùng lãnh đạo chính quyền địa phương dâng hoa tại tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ Biên phòng". Ảnh: Ngọc Bình

Đây là một công trình ý nghĩa nhằm nâng cao nhận thức, giáo dục truyền thống, lòng yêu nước, hướng về Đảng, Bác Hồ kính yêu đối với toàn thể cán bộ, chiến sĩ Biên phòng, góp phần xây dựng cảnh quan, môi trường văn hóa xanh, sạch, đẹp, nền nếp chính quy trong các đơn vị.

Chất liệu tượng bằng đá tự nhiên, kích thước tượng cao 1,9m, trọng lượng 1,8 tấn. Bệ tượng bằng bê tông cốt thép, ốp đá hoa cương. Người chiến sĩ Biên phòng mặc quân phục, đầu đội mũ bông, trang nghiêm lắng nghe từng lời Người căn dặn. Đường nét điêu khắc đồng nhất, tinh xảo, không những thể hiện được ở đường nét mỹ thuật chạm trổ bên ngoài mà còn ẩn chứa được chiều sâu tinh thần tùy theo cảm nhận của mỗi người, chuyển tải thông điệp mà tác phẩm hướng đến. Phía sau tượng khắc 4 câu thơ của Người căn dặn BĐBP: “Non xanh nước biếc trùng trùng/ Giữ gìn Tổ quốc ta không ngại ngùng gian lao/ Núi cao sự nghiệp càng cao/ Biển sâu chí khí ta so vào càng sâu”.

Lịch sử ghi lại, trong những ngày đầu thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang, Bác rất quan tâm nên đã dặn dò Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, Tư lệnh kiêm Chính ủy đầu tiên của Công an nhân dân vũ trang (sau này là Phó Thủ tướng Chính phủ) nhiều điều. Một trong những lời dặn mà Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ luôn ghi nhớ là: “Biên giới có lúc bình, lúc biến, lúc hữu nghị, lúc cam go, vì vậy, phải chuẩn bị lúc bình cho khi biến. Nhớ là, đất nước của người dù là núi vàng, núi bạc ta cũng không ham. Nhưng là của ta thì dù là cát, là sỏi vẫn kiên quyết giữ lấy. Vì đó là máu xương mà cha ông ta đổ ra mới có được”.

Đảng ủy BĐBP Long An tổ chức báo công dâng Bác tại tượng đài "Bác Hồ với chiến sĩ Biên phòng". Ảnh: Võ Việt

Bác Hồ đã đi xa 55 năm, nhưng cùng với thời gian, tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ Biên phòng” đã trở thành tài sản tinh thần của lực lượng, có giá trị nghệ thuật lớn, khắc họa sâu sắc hình ảnh Bác Hồ với người chiến sĩ Biên phòng, thể hiện sự quan tâm to lớn của Đảng, Bác Hồ đối với công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và cán bộ, chiến sĩ BĐBP, có ý nghĩa giáo dục chân thực, gần gũi và hiệu quả đối với cán bộ, chiến sĩ BĐBP và toàn thể nhân dân. Tấm gương đạo đức sáng ngời, lời dặn dò đầy trìu mến, tin yêu, những kỷ vật của Người hay những sáng tác văn học nghệ thuật về Người đã trở thành tài sản tinh thần của lực lượng, có giá trị lớn cả về chính trị, lịch sử cũng như nghệ thuật, khắc họa sâu sắc hình ảnh Bác Hồ trong lòng người chiến sĩ Biên phòng.

Để mỗi năm xuân về, "Ngày hội Biên phòng toàn dân" rộn ràng với bao hoạt động ý nghĩa, thì vẫn không thể thiếu được Lễ báo công dâng Bác tại gần 500 tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ Biên phòng” tại các Bộ Chỉ huy, các đồn Biên phòng trên khắp mọi miền, vẫn “như có Bác Hồ” trong nắng gió biên cương.

Tuệ Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bac-ho-voi-chien-si-bien-phong-post473150.html