Bác Hồ ra mặt trận (Kỳ 1)

QĐND - Nhìn lại các cuộc chiến tranh hiện đại trên thế giới, hiếm thấy những vị nguyên thủ quốc gia tối cao trực tiếp đi chiến trường. Riêng Bác Hồ của chúng ta đã ra tận mặt trận, đi suốt Chiến dịch Biên giới Thu Đông năm 1950, cùng Bộ Chỉ huy làm nên một chiến thắng to lớn chưa từng có trước đó, đưa cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta bước sang một giai đoạn lịch sử mới...

Do mối quan hệ công tác tuyên truyền báo chí, tôi được quen biết Thiếu tướng tình báo quân sự Cao Pha, nguyên Phó cục trưởng Cục II, Bộ Tổng tham mưu, khi anh đã vào tuổi xế chiều, về công tác ở Ban Tổng kết chiến tranh của Bộ Quốc phòng. Anh cho tôi xem bản thảo cuốn hồi ký và nhờ tôi giúp một tay. Được gặp và trực tiếp làm việc với Bác Hồ nhiều lần, lại được Bác chỉ bảo hết sức ân cần như một người cha nhân từ, nhiều trang hồi ký của anh thấm đẫm tình yêu quý Bác vô bờ. Anh phụ trách Trưởng ban Quân báo của Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950. Về chuyện Bác Hồ ra mặt trận, anh kể lại: Tháng 8-1950, các hoạt động chuẩn bị chiến trường bước vào hồi kết, rất gấp rút và tấp nập. Hàng vạn nhân dân Liên khu Việt Bắc vô cùng nô nức, phấn khởi đi phục vụ Chiến dịch với khí thế tưng bừng “Tất cả cho chiến dịch toàn thắng!”. Vậy mà, quân Pháp đóng dọc đường số 4 không hề hay biết, không hay biết cả đài quan sát của ta đã đặt trên sườn núi chỉ cách thị xã Cao Bằng non một cây số theo đường chim bay và cơ sở của ta vào ra thị xã báo cáo rất rõ tình hình địch. Khi anh Văn (tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp) có mặt ở sở chỉ huy, nghe báo cáo phương án ban đầu đánh thẳng vào thị xã Cao Bằng do bộ phận đi trước chuẩn bị, anh chưa có ý kiến gì, nhưng có nhiều suy nghĩ. Theo chỉ thị của anh Văn, Tham mưu trưởng chiến dịch Hoàng Văn Thái cử Cao Pha tháp tùng anh đi trinh sát thực địa. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng có ý định viết cuốn ký sự, được anh Văn đồng ý đi cùng. Trên thực địa và trên đài quan sát, anh Văn được báo cáo khá đầy đủ, chi tiết về tình hình các bến hai con sông ta phải vượt qua, các bãi trống địch có thể nhảy dù và đổ quân, đặc biệt là các “pháo đài” kiên cố, nơi có sở chỉ huy, sân bay, các ổ đề kháng hình thành các cụm cứ điểm vững chắc của lực lượng địch tương đương một trung đoàn. Anh Văn khen ngợi đồng chí Quốc Trung, Tổ trưởng Quân báo Cao Bằng đã nắm địa hình và địch tình khá tốt. Đêm đó, về nghỉ trong một ngôi làng bỏ hoang, anh Văn đi đi lại lại, đăm chiêu và thức rất khuya. Anh chỉ thị cho Bộ tham mưu tập trung trao đổi kỹ về chỗ mạnh, yếu của địch, khó khăn, thuận lợi, nhất là khả năng bộ đội ta có đánh thắng được cụm cứ điểm phòng ngự vững chắc của lực lượng tương đương một trung đoàn địch không? Từ đầu cuộc kháng chiến đến giờ, ta chưa có trận đánh nào vào cứ điểm phòng ngự của 2 tiểu đoàn địch, chưa có kinh nghiệm. Vận chuyển hàng vạn người, vũ khí, lương thực qua sông rất khó khăn. Nếu trận đánh kéo dài, địch đổ quân sau lưng, sẽ diễn biến rất phức tạp. Binh hỏa lực của ta chưa hơn hẳn và áp đảo địch, không bảo đảm chắc thắng. Anh Văn quyết định thay đổi phương án tác chiến. Chính vào lúc mọi người bàn luận sôi nổi kế hoạch chiến đấu, sở chỉ huy chiến dịch vô cùng phấn khởi được báo tin Bác Hồ lên Mặt trận. Anh Văn tươi cười nói với mọi người: “Có Bác ở bên cạnh, mình càng thêm an tâm, tin tưởng”… Khi Bác đến sở chỉ huy và bắt tay vào việc, anh Văn báo cáo với Bác tình hình chuẩn bị mọi mặt của chiến trường và phương án tác chiến mới: Không đánh vào tập đoàn cứ điểm kiên cố ở thị xã Cao Bằng để mở màn chiến dịch, mà đánh cứ điểm Đông Khê - chỗ yếu và hiểm yếu của địch, bảo đảm đánh thắng trận đầu, buộc địch kéo viện binh lớn đến để ta tiêu diệt, rồi tiến công Thất Khê, Cao Bằng trong các bước tiếp theo… Bác hỏi: “Ý kiến của Đảng ủy Mặt trận và các cố vấn Trung Quốc thế nào?”. Anh Văn trả lời: “Tập thể Đảng ủy, các đồng chí Trần Canh, Vi Quốc Thanh cố vấn Trung Quốc đều nhất trí cao…”. Bác hạ bút phê chuẩn phương án tác chiến mới. Chiều ngày 11-9, hội nghị cấp trung đoàn trở lên quán triệt phương án tác chiến mới, hết sức phấn khởi chào đón Bác đến huấn thị. Với giọng nói ấm áp, vui tươi, thân mật, nhưng cũng rất kiên quyết, Bác bảo: “Trận này nhất định phải đánh thắng. Phải quyết tâm giành chiến thắng ngay trong trận đầu và các trận tiếp theo. Phải giữ bí mật, đoàn kết, hợp đồng chặt chẽ giữa các đơn vị, đặc biệt là đoàn kết quân, dân. Các chú phải làm cho đúng kế hoạch. Đoàn thể, Quốc hội, Chính phủ đang chuẩn bị khen thưởng và chờ tin chiến thắng…”. Hội nghị vỗ tay vang dậy. Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt hội nghị xúc động phát biểu: “Đây là lần đầu tiên Bác ra tận mặt trận gặp cán bộ và bộ đội… Sự có mặt của Bác ở mặt trận là nguồn cổ vũ to lớn không những đối với các lực lượng tham gia giải phóng biên giới mà cả đối với toàn quân ta đang anh dũng chiến đấu trên các mặt trận từ Cao Lạng cho đến Cà Mau… Toàn thể lực lượng vũ trang tham gia chiến dịch này xin hứa với Bác kiên quyết, dũng cảm chiến đấu để giành toàn thắng…”. Ngày 13-9, Bác rời Sở chỉ huy Tà Phầy Tử về Sở chỉ huy mới ở Nà Lạng. Anh Văn đề nghị Bác đi bằng xe Jeep, nhưng Bác bảo để Bác đi bộ vừa tự do, vừa gặp bộ đội, dân công cho vui và để động viên. Với bộ quần áo nâu bạc màu, mũ đội sụp xuống dưới trán, chiếc khăn trên vai che chòm râu, Bác chống gậy lên đường, dáng dấp trông rất khỏe mạnh. Ở Nà Lạng, sau khi đi thăm nơi ăn ở của hai đồng chí cố vấn Trung Quốc Trần Canh, Vi Quốc Thanh, anh Văn bảo Cao Pha ghé vào thăm Bác. Lán của bác ở trên sườn núi đá cách Sở chỉ huy không xa. Bỗng chợt nhận ra đây là cơ hội “ngàn năm có một”, Cao Pha mạnh dạn đề nghị anh Văn xin được gặp Bác. Anh Văn đồng ý. Sau khi thăm Bác, anh Văn báo cáo với Bác “có cậu Cao Pha Đơ Bê” (Tiếng Pháp là Deux B, viết tắt hai chữ Deuxìeme Bureau, tức Phòng Nhì, tên gọi Phòng tình báo) muốn được thăm và hầu chuyện Bác. Bác gật đầu. Cao Pha vô cùng xúc động khi thấy bữa cơm trưa của Bác chỉ có một đĩa nhỏ thịt rim, một đĩa rau cải luộc và bát nước rau. Chỗ ngủ của Bác là mấy tấm ván kê trên những tảng đá. Tất cả chỉ có vậy thôi. Cuộc sống của một vị Chủ tịch nước sao mà bình dân, giản dị, bữa ăn đạm bạc quá! Nhận ra Cao Pha đang rất lúng túng, Bác chủ động nói trước: “Chú đấy à”. Sau khi nghe Cao Pha xưng tên và chức vụ, Bác lắng nghe Cao Pha nói chuyện, dáng vẻ Bác rất thân ái, đôn hậu, không có gì cách biệt cả. - Thưa Bác, chiến dịch này có Bác trực tiếp chỉ đạo, cán bộ ở Bộ Tham mưu và chỉ huy các đơn vị phấn khởi và quyết tâm càng cao. Riêng cháu, được gặp Bác lần này là lần thứ ba. Lần đầu tiên sau ngày giành chính quyền ở Huế, ngày ấy cháu là sinh viên học trường Thanh niên tiền tuyến, được cử đưa Bảo Đại ra gặp Bác. Khi trở về, Bảo Đại nhờ cháu trực tiếp chuyển quà và thư cho Hoàng hậu Nam Phương. Hoàng hậu Nam Phương vô cùng vui sướng và xúc động nói với cháu: “Trên đời này, ít ai như Cụ Hồ, đã tha tội còn dùng ngài Hoàng làm Cố vấn cho Chính phủ. Ơn đức này của Cụ Hồ với chúng tôi lớn lắm, không gì có thể đền đáp được. Tôi hằng mong ngài Hoàng sống tốt với nhân dân, chính nghĩa và chính mình…”. Vậy mà Bảo Đại trước sau vẫn đi theo đế quốc Pháp. Nghe Cao Pha nói lại chuyện cũ, Bác Hồ không nói gì, chỉ cười rất vui. Cao Pha nói tiếp: “Lần thứ hai, cháu được gặp Bác là ngày khai giảng trường Võ bị Trần Quốc Tuấn khóa 1, Bác đến huấn thị, ngày ấy cháu được điều về làm giáo viên. Cháu vẫn nhớ như in và nguyện suốt đời phấn đấu làm theo lời căn dặn ngày ấy của Bác: “Trung với nước, hiếu với dân; nhân nghĩa, trí dũng; cần kiệm, liêm chính; chí công vô tư”. Và lần này, cháu vô cùng hạnh phúc được trực tiếp thăm sức khỏe Bác, được phục vụ Bác trong chiến dịch, được Bác cho phép gặp và hầu chuyện… Bác rất vui trước thái độ chân thành của Cao Pha. Bác hỏi tình hình địch có gì thay đổi không? Bác chỉ chỗ Cao Pha ngồi gần lại, rồi ân cần căn dặn: - Trận này ta đánh lớn, nhất định thắng. Nhưng địch không dễ dàng chịu thua. Tình hình sẽ diễn biến phức tạp và khẩn trương. Chú làm quân báo phải hết sức cảnh giác, phải theo dõi thật chặt chẽ hành động của địch. Phải biết dựa vào dân, khéo tổ chức và hướng dẫn cụ thể, thì dân sẽ cung cấp tin tức tốt cho bộ đội. Thế nào bộ đội ta cũng bắt được nhiều tù binh địch. Các chú phải coi trọng giải thích rõ chính sách tù, hàng binh của ta cho họ rõ để họ yên tâm. Làm công tác này, các chú phải sử dụng tiếng Pháp thật tốt. À, chú chuyển lời Bác báo lại với Ban Tuyên huấn chú ý tờ báo của Mặt trận. Phải tuyên truyền các chiến thắng, gương chiến đấu dũng cảm của bộ đội, những gương phục vụ tốt, tận tụy của đồng bào các dân tộc. Phải viết thật ngắn gọn, dễ hiểu và kịp thời, để động viên bộ đội, dân công và nhân dân. Ta đánh lớn và đánh dài ngày, cần nhiều lương thực và đạn dược. Bạn có giúp cho ta, nhưng ta phải huy động nhiều trong dân. Đồng bào các dân tộc Cao-Bắc-Lạng rất hăng hái đóng góp tuy cuộc sống còn thiếu thốn lắm. Phải hết sức tiết kiệm. À, suýt nữa quên, chú nói với anh Văn ngày mai Bác muốn đi quan sát trận địa… Cao Pha không ngờ được Bác tiếp chuyện gần một tiếng đồng hồ, ấn tượng sâu sắc nhất là Bác căn dặn những điều rất thiết thực nhưng lại rất quan trọng, Bác mặc bộ đồ nâu, khăn mặt vắt trên vai, ngồi trên ván kê trên đá như ông lão nông dân, thái độ niềm nở, ân cần, ánh mắt nụ cười đôn hậu như cha con. Cao Pha báo cáo lại với anh Văn đầy đủ tất cả những điều căn dặn của Bác. Anh Văn nói với Cao Pha: “Cậu thấy không, Bác rất khỏe và minh mẫn, da mặt hồng hào, 60 tuổi vẫn đi bộ lên mặt trận… một con người thật kỳ diệu…”. (Còn nữa) HỒ NGỌC SƠN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/56/58/58/126901/Default.aspx