Bạc hà - vị thuốc thông dụng chữa nhiều bệnh

Bạc hà là một loại rau gia vị, đồng thời là một vị thuốc rất phổ biến dùng chữa cảm sốt, cảm mạo, nhức đầu, kích thích tiêu hóa, giảm đau…

1. Đặc điểm cây bạc hà

Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, bạc hà tên khoa học Mentha arvensis L., thuộc họ Hoa môi Lamiaceae (Labiatae).

Bạc hà là một vị thuốc rất phổ biến ở nước ta, được dùng trong cả đông và tây y. Cây bạc hà cho những vị thuốc chủ yếu sau:

Bạc hà (Mentha hay Herba Menthae) là toàn bộ phận trên mặt đất, tươi hay phơi hoặc sấy khô của cây bạc hà.
Bạc hà diệp (Folium Menthae) là lá bạc hà tươi hay phơi hoặc sấy khô.
Tinh dầu bạc hà (Oleum Methae) là dầu cất từ cây bạc hà.
Mentol hay bạc hà não (Mentol-Menthol) là chất đặc, trắng chiết từ tinh dầu bạc hà ra.

Với tinh dầu bạc hà và menthol, người ta còn chế nhiều dạng thuốc rất phổ biến khác như dầu cù là nước hoặc cao (dầu con hổ), kẹo ngậm ho bạc hà, rượu bạc hà, thuốc đánh răng bạc hà…

Bạc hà là một vị thuốc rất thông dụng.

Cây bạc hà mọc hoang và được trồng tại nhiều vùng ở nước ta, mọc hoang cả ở miền đồng bằng và miền núi. Hoạt chất chủ yếu trong bạc hà là tinh dầu bạc hà. Tỉ lệ tinh dầu trong bạc hà thường từ 0,5 đến 1%, có khi có thể lên tới 1,3-1,5%. Ngoài tinh dầu, trong cây bạc hà còn có các flavonoid.

Thành phần chủ yếu trong tinh dầu bạc hà gồm menthol với tỉ lệ 40-50% và mentol 10-20%.

2. Tác dụng dược lý

Tại chỗ, tinh dầu bạc hà và menthol bốc hơi rất nhanh, gây cảm giác mát và tê tại chỗ, dùng trong một số trường hợp đau dây thần kinh. Chúng còn có tác dụng sát trùng mạnh, thường dùng trong một số trường hợp ngứa của một số bệnh ngoài da, bệnh về tai mũi họng.

Tuy nhiên cần biết rằng tinh dầu bạc hà và menthol bôi mũi hay bôi trong cổ họng có thể gây hiện tượng ức chế có thể dẫn tới ngừng thở và tim. Hiện tượng này hay xảy ra đối với trẻ nhỏ, do đó tuyệt đối không dùng tinh dầu bạc hà hay dầu cù là cho trẻ nhỏ ít tuổi, nhất là trẻ sơ sinh.

Tinh dầu bạc hà tốt nhưng tuyệt đối không dùng cho trẻ nhỏ.

Bạc hà, tinh dầu bạc hà hay menthol uống với liều rất nhỏ có thể gây hưng phấn, kích thích bài tiết mồ hôi, làm cho nhiệt độ cơ thể hạ thấp. Liều lớn có tác dụng kích thích tủy sống, gây tê liệt phản xạ và ngăn sự lên men bình thường trong ruột.

3. Công dụng và liều dùng

Bạc hà là một vị thuốc thơm, dùng làm cho thuốc thơm dễ uống, làm ra mồ hôi, hạ sốt dùng chữa cảm sốt, cảm mạo, ngạt mũi, nhức đầu, còn giúp kích thích tiêu hóa, chữa kém ăn, ăn uống không tiêu, đau bụng đi ngoài.

Tinh dầu bạc hà và menthol dùng làm thuốc sát trùng, xoa bóp nơi sưng đau như khớp xương, thái dương khi nhức đầu. Ngoài ra, bạc hà là một vị thuốc chữa loét dạ dày, làm giảm bài tiết dịch vị và giảm đau.

Tính chất của bạc hà theo các tài liệu cổ ghi như sau: Vị cay, mát không độc, vào hai kinh phế và can, có tác dụng tán phong nhiệt, ra mồ hôi, giảm uất, dùng chữa cảm nắng (trúng thử), đau bụng, bụng đầy, chứng ăn không tiêu.

Liều dùng lá và toàn cây: Ngày uống từ 4 đến 8g dưới dạng thuốc pha.

Tinh dầu và menthol: Một liều 0,02 đến 0,2ml, một ngày 0,06 đến 0,6ml.

Còn dùng dưới dạng cồn bạc hà (lá bạc hà 50g, tinh dầu bạc hà 50g, cồn vừa đủ 1 lít), ngày dùng nhiều lần, mỗi lần từ 5 đến 10 hay 15 giọt, cho vào nước nóng mà uống.

4. Bài thuốc và thực đơn trị bệnh có bạc hà

TS. Nguyễn Đức Quang – nguyên Chủ nhiệm khoa Nghiên cứu thực nghiệm Viện Y học cổ truyền quân đội giới thiệu bài thuốc trị bệnh có bạc hà và thực đơn hỗ trợ trị bệnh có bạc hà như sau:

Kính giới kết hợp với bạc hà và một số vị thuốc khác chữa cảm mạo, nhức đầu.

4.1 Bài thuốc chữa bệnh có bạc hà

- Tán nhiệt, giải biểu:

+ Thang thanh giải: Bạc hà 8g, thuyền thoái (xác ve sầu bỏ chân) 12g, thạch cao 24g, cam thảo 6g. Sắc uống. Ngày 1 thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm. Chữa các chứng cảm mạo mới phát với các chứng phong nhiệt ở biểu.

+ Bột thạch cao bạc hà: Thạch cao sống 40g, bạc hà diệp 20g. Nghiền thật mịn. Mỗi lần uống 2g đến 3g. Ngày uống 3 lần, uống với nước nóng và uống nhiều nước. Trị sốt, sợ nóng, mồ hôi không thoát, miệng khát, tim hồi hộp, đêm ngủ không ngon.

- Trừ phong, giảm đau:

+ Thang tổng phương lục vị: Bạc hà 4g, cát cánh 8g, kinh giới 12g, phòng phong 8g, cương tằm 12g, cam thảo 8g. Sắc uống. Ngày 1 thang. Chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm. Dùng trong trường hợp phong nhiệt sinh ra đau đầu, đỏ mắt, yết hầu sưng đau.

- Thúc sởi, tống độc

+ Bạc hà 4g, ngưu bàng tử 12g, thuyền thoái 4g, cam thảo 4g. Sắc uống. Ngày 1 thang. Chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm. Trị sởi chưa mọc (khi sởi mới phát) và mề đay ngứa ngáy.

4.2 Một số thực đơn hỗ trợ trị bệnh dễ làm từ bạc hà

- Si-rô bạc hà: Bạc hà 16g, cho vào ấm, đổ nước sôi hãm, cho thêm đường uống. Dùng cho các trường hợp cảm mạo phong nhiệt sốt nóng.

- Bạc hà thuyền thoái tán: Bạc hà, xác ve sầu, liều lượng đều nhau, sao khô tán mịn, mỗi lần uống 3g với nước ấm pha chút rượu. Dùng cho các trường hợp nổi ban, mề đay, sẩn ngứa.

- Đường phèn chế bạc hà đậu xị: Bạc hà 8g, đạm đậu xị 9g, đường phèn 10g. Nấu hãm nước cho uống ngày 1 lần. Dùng đợt 3 - 5 ngày. Dùng cho các trường hợp ù tai, điếc tai, tắc ngạt mũi, chảy nước mũi, đau đầu có kèm theo sốt nóng, sợ lạnh, đau mỏi toàn thân.

- Nước hãm gừng bạc hà: Bạc hà 8g, gừng tươi 6g, đường phèn vừa đủ. Gừng tươi thái lát cho vào ấm pha trà cùng với bạc hà, đường, cho nước sôi hãm uống. Đợt dùng 5 - 10 ngày. Dùng cho các trường hợp nhức đầu, mờ mắt, giảm thị lực.

- Bạc hà cúc hoa trà: Bạc hà 6g, cúc hoa 10g, cát cánh 10g, sơn tra 10g, mật ong lượng thích hợp. Cho nước sôi pha hãm, uống thay chè. Mỗi ngày 1 -2 lần. Dùng cho các trường hợp nổi ban dị ứng.

Hải Long

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bac-ha-vi-thuoc-thong-dung-chua-nhieu-benh-169230115010105482.htm