Bắc Giang: Xử lý nghiêm học sinh vi phạm an toàn giao thông

Mặc dù thường xuyên được tuyên truyền, giáo dục về các quy định pháp luật an toàn giao thông (ATGT) nhưng một bộ phận học sinh vẫn vi phạm. Những lỗi phổ biến như không đội mũ bảo hiểm, đi hàng hai, hàng ba, lạng lách, đánh võng, điều khiển xe máy từ 50cc trở lên khi chưa có giấy phép lái xe... Thực tế này đang gây nhiều lo ngại, nguy cơ xảy ra tai nạn.

Tại các nhà trường, cơ sở giáo dục, hoạt động tuyên truyền về ATGT đều được thực hiện liên tục. Tất cả các trường học tổ chức ký cam kết chấp hành quy định pháp luật về ATGT đối với phụ huynh và học sinh. Lồng ghép kiến thức pháp luật ATGT vào các tiết học, buổi ngoại khóa. Nhiều trường học phối hợp với lực lượng công an tuyên truyền, phổ biến về kỹ năng xử lý tình huống giao thông, hình thức xử lý nếu vi phạm ATGT... nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của học sinh.

Thế nhưng, ra khỏi cổng trường, tình trạng học sinh vi phạm vẫn diễn ra phổ biến. Không khó để bắt gặp hình ảnh học sinh điều khiển xe máy, xe máy điện phóng nhanh, luồn lách trên đường, nhiều em không đội mũ bảo hiểm (MBH), đèo 3-4 người, xe không lắp gương chiếu hậu, vừa đi xe vừa sử dụng điện thoại...

Cán bộ Công an huyện Yên Dũng lập biên bản xử lý trường hợp học sinh vi phạm trật tự ATGT.

Cán bộ Công an huyện Yên Dũng lập biên bản xử lý trường hợp học sinh vi phạm trật tự ATGT.

Khảo sát tại nhiều địa phương cho thấy, học sinh nắm được quy định nhưng không chấp hành. Tại thị trấn Nham Biền (Yên Dũng), tổ công tác của Công an huyện Yên Dũng phát hiện em N.T.Đ (SN 2006) ở tổ dân phố Kem, học sinh Trường THPT Yên Dũng số 1 điều khiển xe máy mà không đội MBH. Khi được hỏi, Đ “hồn nhiên” cho biết đang trên đường đi đón bạn nên chủ quan không đội MBH. Trường hợp T.V.C (SN 2007) ở xã Chu Điện (Lục Nam) đang là học sinh Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lục Nam điều khiển xe máy với tốc độ cao mà không đội MBH, lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra thì C không xuất trình được giấy phép lái xe, đăng ký xe. Theo số liệu của Ban ATGT tỉnh, từ đầu năm đến nay, lực lượng công an toàn tỉnh đã xử lý hơn 600 trường hợp học sinh vi phạm. Các hành vi vi phạm chủ yếu là: Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe, không đội MBH, dàn hàng ngang, chở quá số người quy định…

Học sinh vi phạm về an toàn giao thông trên quốc lộ 37, đoạn qua thị trấn Thắng (Hiệp Hòa).

Học sinh vi phạm về an toàn giao thông trên quốc lộ 37, đoạn qua thị trấn Thắng (Hiệp Hòa).

Câu hỏi đặt ra là tại sao học sinh thường xuyên được tuyên truyền, nhắc nhở nhưng vẫn vi phạm quy định ATGT? Lý giải một phần nguyên nhân, Thạc sĩ Tâm lý học Hán Thị Hương Giang, Trưởng phòng Học sinh - sinh viên, Trường Cao đẳng Công nghệ Việt – Hàn cho rằng, lứa tuổi học sinh THCS, THPT có nhiều biến động về tâm sinh lý.

Một trong những đặc điểm nổi bật của lứa tuổi này là nhu cầu khẳng định bản thân, nhu cầu được người khác thừa nhận và đánh giá cao. Để thỏa mãn nhu cầu này, những học sinh có suy nghĩ tích cực, đúng đắn sẽ nỗ lực học tập, rèn luyện đạo đức, giúp đỡ người khác để khẳng định bản thân. Tuy vậy, một số học sinh lại muốn khẳng định bản thân bằng cách thể hiện mình dám làm bất cứ điều gì, thậm chí các em “tự hào” vì điều đó, ví dụ như đi xe máy tốc độ cao, đánh võng, không đội MBH, vượt đèn tín hiệu giao thông…

Gia đình, nhà trường, các tổ chức đoàn thể cần có phương pháp tuyên truyền, tác động hiệu quả hơn như có các bài giảng, tình huống trải nghiệm thực tế , cho các em xem những clip về vi phạm giao thông để thấy được sự nguy hiểm khi không chấp hành quy định.

Mặt khác, việc tuyên truyền mới chỉ dừng ở mức giúp học sinh hiểu được các quy định bảo đảm trật tự ATGT, tác hại, hậu quả nếu vi phạm ATGT nhưng như vậy chưa đủ để hình thành hành vi đúng đắn và thói quen tham gia giao thông văn minh.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do ý thức tham gia giao thông của một bộ phận học sinh còn hạn chế, hình thành thói quen xấu khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, do cha mẹ thiếu trách nhiệm trong việc quản lý con, giao xe cho con khi chưa đủ điều kiện điều khiển xe mô tô, xe gắn máy; đồng thời có phần trách nhiệm của nhà trường, ngành giáo dục, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Để những quy định ATGT “thấm” vào học sinh, các bậc phụ huynh cần quan tâm quản lý, dạy dỗ con em khi tham gia giao thông. Gia đình, nhà trường, các tổ chức đoàn thể có phương pháp tuyên truyền, tác động hiệu quả hơn như có các bài giảng, tình huống trải nghiệm thực tế, cho các em xem những clip về vi phạm giao thông để thấy được sự nguy hiểm khi không chấp hành quy định.

Thượng tá Ngô Văn Phục, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh đề xuất các nhà trường, cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với lực lượng công an trong tuyên truyền, giáo dục. Lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát, nhất là thời điểm học sinh đến trường và tan học nhằm phát hiện những trường hợp vi phạm để xử lý nghiêm. Rà soát, kiểm tra ngay từ trong khu vực để xe ở các trường học; đồng thời thông báo công khai học sinh vi phạm đến các trường học, địa phương và gia đình để có biện pháp phối hợp giáo dục, xử lý, ngăn ngừa mất ATGT từ sớm đối với học sinh.

Bài, ảnh: Quốc Phương

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/an-toan-giao-thong/401848/ba-c-giang-xu-ly-nghiem-hoc-sinh-vi-pham-an-toan-giao-thong.html