Bắc Giang: Tập trung gỡ khó, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Những tháng đầu năm, dù Bắc Giang được đánh giá nằm trong nhóm các tỉnh, TP có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao trong toàn quốc song kết quả chưa đạt mục tiêu tỉnh đặt ra. Tỷ lệ giải ngân vốn hiện chưa được 30% so với tổng kế hoạch vốn năm nay. Quá trình giải ngân vốn vẫn còn nhiều vướng mắc cần sớm được tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ.

Nhiều vướng mắc

Hiện, tổng kế hoạch vốn đầu tư công do tỉnh quản lý hơn 13,2 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển hơn 12,7 nghìn tỷ đồng, còn lại là vốn sự nghiệp chương trình mục tiêu quốc gia. Nguồn kinh phí này được bố trí để khởi công mới và xây dựng chuyển tiếp hàng trăm công trình thuộc các lĩnh vực: Giao thông, thủy lợi, y tế, trường học, môi trường...

Đại diện chủ đầu tư đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng hạ tầng khu dân cư trung tâm xã Tân Hưng (Lạng Giang) giai đoạn 2.

Bà Bùi Thị Thu Thủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến ngày 15/6, tổng giá trị giải ngân toàn tỉnh đạt gần 3 nghìn tỷ đồng, bằng 23,4% kế hoạch vốn năm nay, chưa đạt mục tiêu tỉnh đề ra là hết tháng 6 giải ngân vốn đầu tư công đạt ít nhất 40% kế hoạch vốn được giao. Hầu hết các huyện, TP có kết quả giải ngân đạt thấp.

Huyện Yên Dũng có kết quả giải ngân vốn đạt thấp nhất tỉnh. Ông Hoàng Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện cho biết, năm nay tổng vốn đầu tư công của địa phương là 653 tỷ đồng, hết tháng 6, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này mới đạt hơn 9,6% so với kế hoạch. Tương tự, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ở huyện Việt Yên, Lục Nam, TP Bắc Giang… cũng đạt rất thấp. Có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân vốn đạt thấp.

Tại huyện Yên Dũng, HĐND huyện tổ chức kỳ họp chuyên đề giao vốn chương trình mục tiêu quốc gia chậm. Đến tháng 4/2023, địa phương mới họp chuyên đề giao vốn trong khi các nơi khác giao vốn chương trình này từ cuối năm 2022. Như vậy, việc giao vốn chậm dẫn tới nhiều chủ đầu tư chậm khởi công công trình. Tiếp nữa là do thời gian vừa qua, các phiên đấu giá đất tại hầu hết các huyện, TP đều trầm lắng, thậm chí nhiều phiên không thành công trong khi đó vốn đầu tư công được các địa phương trích lại 60% từ tiền thu nên khó cân đối nguồn vốn để giải ngân. Điển hình như huyện Yên Dũng, kế hoạch thu tiền sử dụng đất năm nay là 950 tỷ đồng nhưng hết 6 tháng mới thu gần 137 tỷ đồng; huyện Lục Nam thu được 77/556 tỷ đồng…

Bên cạnh khó khăn trên, hiện nay trong tỉnh có nhiều công trình xây dựng còn thiếu đất san lấp mặt bằng nên có thời điểm tạm dừng thi công hoặc thi công cầm chừng “chờ” nguyên liệu khiến kết quả giải ngân vốn đạt thấp. Tỉnh hiện chưa có quy hoạch điểm đổ chất thải xây dựng nên một số công trình sau khi khởi công, chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc tìm điểm đổ thải nên ảnh hưởng tiến độ thi công.

Theo quy định của Luật Khoáng sản, các công trình có hoạt động đào đất vận chuyển ra khỏi vị trí xây dựng thì xin cấp phép khai thác khoáng sản nhưng có chủ đầu tư không chủ động thực hiện thủ tục này. Hiện nay công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đối với nhiều công trình xây dựng vẫn chậm. Ví như công trình xây dựng tuyến tránh cầu Sen đi cầu Già Khê, thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) GPMB từ cuối năm 2022 nhưng đến nay vẫn chưa xong nên huyện mới giải ngân được 21/84 tỷ đồng vốn tỉnh phân bổ.

Phấn đấu giải ngân đúng lộ trình

Tỉnh Bắc Giang phấn đấu đến ngày 30/9 giải ngân đạt ít nhất 70% kế hoạch vốn được giao; hết năm nay giải ngân 100% kế hoạch vốn đối với tất cả các nguồn vốn kéo dài và đến 31/1/2024 giải ngân hoàn thành 100% kế hoạch vốn được bố trí trong năm.

Công trình nâng cấp, mở rộng đường nối từ đường tỉnh 293 đi quốc lộ 17 đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.

Để hoàn thành mục tiêu trên, tại phiên họp thường kỳ tháng 6 vừa qua, đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư tập trung cao đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công để giải ngân vốn. Đồng chí chỉ đạo các ngành liên quan khẩn trương vào cuộc tháo gỡ từng nút thắt cụ thể. Các huyện, TP theo dõi, giám sát từng công trình, dự án trên địa bàn, tập trung đấu giá đất, tăng nguồn thu để bố trí vốn theo kế hoạch đã ghi vốn.

Thực hiện chỉ đạo trên, Sở Xây dựng đang phối hợp với các huyện, TP rà soát quỹ đất, quy hoạch điểm đổ chất thải xây dựng cho các công trình. Ông Vương Tuấn Nghĩa, Giám đốc Sở Xây dựng thông tin, các địa phương đã và đang quy hoạch điểm đổ chất thải xây dựng, mỗi đơn vị có 1-2 điểm, quy mô 20-30 ha. Sau khi hoàn thành, Sở sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch các điểm đổ chất thải xây dựng trong quý IV năm nay.

Bắc Giang đề ra mục tiêu đến ngày 30/9 giải ngân đạt ít nhất 70% kế hoạch vốn đầu tư công được giao; hết năm nay giải ngân 100% kế hoạch vốn đối với tất cả các nguồn vốn kéo dài và đến 31/1/2024 giải ngân hoàn thành 100% kế hoạch vốn được bố trí trong năm.

Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường bố trí cán bộ hướng dẫn các nhà thầu lập, hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép khai thác khoáng sản tại vị trí xây dựng công trình, đồng thời rút ngắn thủ tục thẩm định xin cấp phép khoáng sản từ 45 ngày xuống còn 25 ngày để tạo thuận lợi cho đơn vị. Tới đây, Sở tham mưu UBND tỉnh cấp phép 12 mỏ đất san lấp, bảo đảm nguồn cung cho các công trình.

Theo đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh đã thành lập tổ công tác liên ngành do Sở là cơ quan thường trực để đánh giá những khó khăn, vướng mắc, cập nhật tiến độ giải ngân vốn, từ đó kịp thời hỗ trợ hoặc đề xuất giải pháp tháo gỡ. Đồng thời hướng dẫn các địa phương rà soát dự án, kịp thời điều chỉnh, ưu tiên nguồn vốn cho dự án cấp bách, phù hợp, có tiến độ giải ngân nhanh. Sở Tài chính đề nghị các chủ đầu tư quyết toán công trình, giải ngân vốn ngay khi có khối lượng thi công.

Cùng với các giải pháp trên, hiện nay các huyện, TP đang tập trung cao để tổ chức đấu giá đất, tăng thu ngân sách. Đại diện lãnh đạo hai huyện Yên Dũng, Tân Yên và TP Bắc Giang cho biết, tới đây thay vì tổ chức đấu giá với số lượng nhiều lô đất trong mỗi phiên như trước đây, các địa phương này chia nhỏ thành nhiều phiên đấu giá để thu hút khách hàng tham gia. Trước thực trạng tiến độ giải ngân vốn chậm, huyện Yên Dũng đã giao trách nhiệm cho Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện giám sát, đôn đốc nhà thầu thi công đối với từng công trình cụ thể để giải ngân vốn.

Còn tại huyện Lục Nam, ông Đặng Văn Nhàn, Chủ tịch UBND huyện cho biết, ngoài tổ chức đấu giá đất, huyện giao cho từng đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách đôn đốc chủ đầu tư các dự án khu đô thị, khu dân cư nộp tiền sử dụng đất đúng thời gian quy định. Ngoài các giải pháp trên, các địa phương đang tập trung tuyên truyền, vận động người dân để tạo đồng thuận trong công tác GPMB để bàn giao cho nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công.

Bài, ảnh: Minh Linh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/407652/bac-giang-tap-trung-go-kho-day-nhanh-giai-ngan-von-dau-tu-cong.html