Bắc Giang: Góp ý xây dựng Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

BẮC GIANG – Ngày 25/9, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bắc Giang tổ chức lấy ý kiến đóng góp xây dựng Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Các đồng chí: Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh; Lương Xuân Lộc, Chánh án TAND tỉnh đồng chủ trì.

Các đại biểu dự hội nghị.

Cùng dự có ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà, Giám đốc Sở Tư pháp và đại diện các tòa trực thuộc, phòng chức năng của TAND tỉnh.

Dự án Luật TAND (sửa đổi) gồm 151 điều được bố cục thành 9 chương; trong đó, bổ sung 51 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên 7 điều. So với Luật Tổ chức TAND năm 2014, dự thảo giảm 2 chương, tăng thêm 54 điều.

Sau nhiều năm thi hành Luật Tổ chức TAND năm 2014 cho thấy bên cạnh những thành tựu đạt được còn tồn tại những vướng mắc, bất cập.

Đơn cử như tổ chức các đơn vị và nhân lực giúp việc Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao; việc phân chia các ngạch thẩm phán; chức năng, nhiệm vụ, thành phần của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia... còn chưa hợp lý.

Đồng chí Lương Xuân Lộc phát biểu ý kiến.

Chế độ trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật cần tăng cường hơn; cơ chế pháp lý đầy đủ để xây dựng và triển khai tòa án điện tử; cơ chế bảo vệ cho các thẩm phán, tòa án…

Hệ thống tòa án đang đứng trước những thách thức lớn, yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, trách nhiệm lớn; số lượng vụ việc phải giải quyết tăng với tính chất đa dạng, phức tạp.

Các đại biểu cho rằng việc sửa đổi Luật Tổ chức TAND là khách quan và cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của TAND; xây dựng hệ thống tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính; hoàn thành trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.

Đại biểu góp ý kiến vào dự án luật.

Nhiều đại biểu tán thành với bố cục của dự thảo luật gồm: Những quy định chung; nhiệm vụ, quyền hạn của TAND; hội đồng tư pháp quốc gia; tổ chức bộ máy; cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác trong TAND; hội thẩm; tổ chức xét xử; bảo đảm hoạt động của TAND; điều khoản thi hành.

Các đại biểu thống nhất với chủ trương thành lập các tòa án chuyên biệt để tăng tính chuyên nghiệp trong việc giải quyết một số loại án có tính chất đặc thù, đòi hỏi tính chuyên môn sâu; tán thành phương án của dự thảo luật về việc hình thành thiết chế hội đồng tư pháp quốc gia; giữ nguyên nhiệm kỳ của thẩm phán theo quy định hiện hành (nhiệm kỳ đầu là 5 năm; trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc được bổ nhiệm vào ngạch Thẩm phán khác thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm); có chế độ bảo vệ thẩm phán; đổi mới về chế định hội thẩm nhân dân.

Một số đại biểu đề nghị làm rõ hơn việc điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn thu thập tài liệu, chứng cứ của tòa án; trách nhiệm của tòa án trong việc hướng dẫn và hỗ trợ thu thập chứng cứ để bảo vệ đối tượng yếu thế.

Đổi mới tổ chức tòa án theo hướng dự thảo quy định tổ chức TAND phúc thẩm thay cho TAND cấp tỉnh và TAND sơ thẩm thay cho TAND cấp huyện. Thống nhất không quy định tòa án có nhiệm vụ, quyền hạn ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa…

Những ý kiến đóng góp được TAND tỉnh tổng hợp, chuyển TAND Tối cao để xem xét, bổ sung trước khi trình Quốc hội thông qua.

Tin, ảnh: Quốc Phương

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/phap-luat/412315/bac-giang-gop-y-xay-dung-luat-to-chuc-toa-an-nhan-dan-sua-doi-.html