Bắc Bộ sắp có hai đợt không khí lạnh tăng cường

* Chỉ số tia UV cao tại khu vực Trung Bộ và Nam Bộ

* Chỉ số tia UV cao tại khu vực Trung Bộ và Nam Bộ

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, không khí lạnh cường độ mạnh chi phối thời tiết Bắc Bộ đang suy yếu dần, nhưng chậm. Nền nhiệt nhiều nơi vẫn ở ngưỡng rét đậm, rét hại, nhất là về đêm. Từ đêm mai 5-1, Bắc Bộ sẽ có đợt không khí lạnh tăng cường, trời chuyển mưa và rét đậm, rét hại. Đợt lạnh này có cường độ không mạnh như đợt rét hiện tại. Sau đó, khoảng ngày 8-1, sẽ có thêm một đợt lạnh tăng cường nữa tràn xuống, rét đậm, rét hại duy trì kéo dài ở Bắc Bộ đến khoảng giữa tháng 1. Tháng 1-2021 được nhận định có nền nhiệt độ trung bình thấp hơn nhiều năm cùng thời kỳ từ 0,5o C đến 1o C.

* Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp cho nên khu vực giữa và nam Biển Đông có mưa rào và dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh. Vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau và vùng biển phía tây khu vực nam Biển Đông, khu vực bắc và giữa Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 6; riêng vùng biển phía đông bắc của bắc Biển Đông và vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có lúc cấp 7, giật cấp 8, biển động mạnh; sóng biển cao từ 3 đến 4 m.

* Cũng theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, ngưỡng chỉ số tia cực tím (UV) từ ngày 4 đến 6-1 ở các thành phố thuộc khu vực Trung Bộ và Nam Bộ trong ngày đạt ngưỡng nguy cơ gây hại trung bình đến cao. Theo đó, chỉ số tia UV tại TP Hội An lần lượt là 2, 6, 7; TP Nha Trang 4, 5, 6; TP Hồ Chí Minh 8, 5, 8; TP Cần Thơ là 8, 4, 8; TP Cà Mau là 7, 3, 9. Để phòng tránh tác hại của tia UV, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần mặc quần áo bảo hộ, bao gồm các loại áo có khả năng chống nắng, như áo dài tay, áo khoác có cổ, quần dài, tối mầu, đeo kính râm bảo vệ mắt. Người dân cần bổ sung hoa quả tươi giàu vi-ta-min C, giúp hạn chế tác động có hại từ tia cực tím; sử dụng kem chống nắng đều đặn mỗi khi ra ngoài, ngay cả khi trời nhiều mây.

* Sáng 3-1, Đồn Biên phòng Ngọc Vừng (BĐBP Quảng Ninh) nhận được tin báo về việc tàu cá mang biển kiểm soát QN-0836-TS do anh Vũ Văn Trường, thường trú tại phường Cẩm Thủy, TP Cẩm Phả làm thuyền trưởng, khi đang neo đậu tại khu vực đảo Thượng Mai (huyện Vân Đồn), do sóng to, gió lớn, bị dạt va vào cồn đá. Hậu quả làm thủng tàu, nước tràn vào khoang tàu khiến một trong ba thuyền viên trên tàu bị sóng đánh trôi. Ngay sau khi nhận được tin báo, đơn vị đã cử đội cứu nạn tiếp cận và cứu hộ, đưa được ba thuyền viên bị nạn vào bờ an toàn và lai dắt tàu vào gần bờ để sửa chữa.

* Hiện cả nước đang có 194 ổ dịch lở mồm long móng tại 62 huyện, 24 tỉnh, thành phố. Số gia súc mắc bệnh là 7.966 con (chiếm 0,02% tổng đàn gia súc khoảng 34 triệu con), gồm 6.808 con bò, 1.095 con trâu và 63 con lợn. Số gia súc bị chết và tiêu hủy là 279 con (202 con bò, 15 con trâu và 62 con lợn). So với cùng kỳ năm 2019, số ổ dịch đã giảm 2,4 lần.

* Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh Bình Thuận, do ảnh hưởng gió mùa đông bắc và triều cường, bờ biển tại khu phố 14 thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong bị sạt lở với chiều dài khoảng 550 m, ảnh hưởng 30 hộ dân trong khu vực. Ngay sau khi xảy ra sạt lở, chính quyền địa phương đã chủ động huy động lực lượng phối hợp nhân dân gia cố tạm bằng bao tải cát để hạn chế sạt lở.

* Gần một tháng nay, người dân thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) căng mình chống chọi với tình trạng triều cường, sạt lở. Hàng nghìn mét đất ven bờ biển bị sóng cuốn trôi, 22 căn nhà bị sập, cùng hàng chục nóc nhà khác nằm chênh vênh trên sóng. Nhiều gia đình phải di chuyển người già, trẻ em và tài sản đến nơi tạm trú. Tình trạng sạt lở hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng, ảnh hưởng đời sống, sinh hoạt của người dân tại đây.

* Ngày 3-1, gần một km đường 38, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) ngập sâu trong nước, khiến sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn. Hiện tượng ngập xảy ra khi khu vực không có mưa, thủy triều đã rút. Theo một số hộ dân, chiều 2-1, triều cường khiến nước ở con rạch tại khu vực dâng cao, tràn lên mặt đường. Khi thủy triều rút, do tiêu nước chậm cho nên đoạn đường vẫn bị ngập sâu trong nước.

* Triển khai vụ lúa mùa trên đất nuôi tôm năm 2020-2021, tỉnh Kiên Giang đã gieo cấy 58.724 trong số 63.000 ha kế hoạch, tập trung ở các huyện: An Minh, An Biên, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, Gò Quao và TP Hà Tiên. Đến nay, toàn tỉnh có 6.672 ha bị thiệt hại về năng suất do nhiễm mặn trong đất, trong đó có 3.607 ha thiệt hại từ 30 đến 70%, 3.065 ha thiệt hại hơn 70%, không thể thu hoạch.

Dập tắt đám cháy rừng ở Sóc Sơn

Sáng 3-1, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã huy động khoảng 1.100 người, gồm hơn 600 bộ đội cùng các lực lượng khác của huyện, của xã, ban quản lý rừng, người dân… đã dập tắt được đám cháy rừng. Trước đó, chiều tối 2-1, xuất hiện đám cháy rừng tại thôn Lương Đình và Phúc Xuân. Đám cháy được xác định trên đỉnh núi, cách khá xa khu dân cư. Khu vực bị cháy là rừng trồng các loại cây: cây bụi, thực bì, thông, bạch đàn, keo… Thống kê bước đầu cho thấy, không có thiệt hại về người, thiệt hại cháy một số diện tích cây bụi, thực bì, thông, keo... Các cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân vụ cháy rừng.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/bac-bo-sap-co-hai-dot-khong-khi-lanh-tang-cuong--630549/