Bà tiên của tụi trẻ vùng cao

Tôi tò mò với tấm ảnh cộng đồng mạng từng chia sẻ về cô gái ngồi trên xe lăn nhưng tham gia trong đội mai táng giữa lúc đại dịch Covid-19 hoành hành ở TPHCM vào năm 2021. Tôi lại bắt gặp hình ảnh cô tới miền Trung cứu trợ khi siêu bão Noru năm 2022 vừa lướt qua. Năm 2023, tôi gặp cô trong chương trình 'Tháng 3 biên giới' ở tỉnh Quảng Nam.

Thúy… có ánh mắt cười

Một cô gái ngồi trên xe lăn với bộ đồ bảo hộ màu trắng, kính chống bắn giọt. Có lúc tấm ảnh cô ngồi trên xe lăn cạnh một đống rác và vào giờ phút đó, vị trí này được xem như khá yên bình, xa vi rút. Khi cô cởi kính bảo hộ thì hiện ra đôi mắt biết cười. Biết cười giữa đại dịch COVID-19 ở Sài Gòn vào giờ phút đó thì khả năng sống sót tăng lên thêm vài chục %. Vì vẫn nở được nụ cười, nên Trần Thị Ngọc Thúy (SN 1981) quên đi bản thân, xông pha khắp nơi, điều hành 4 chiếc xe cấp cứu do cô mua luôn vào thời điểm đó để hỗ trợ mai táng các nạn nhân xấu số.

Còn vào một ngày của tháng 3/2023, cô gái tật nguyền này hiện ra trước mắt tôi và vẫn nụ cười quen thuộc. Nhưng lần này là khuôn mặt không có khẩu trang và cô cười hết cỡ khi tụi nhỏ bắt nhịp theo cô: “nào, cười lên!”, ha…ha…ha!!!

Gần 1.000 em nhỏ ngồi trong khu lán trại dựng tại xã La Dê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam để tham gia chương trình “Tháng 3 biên giới”. Đây là chương trình của Bộ đội Biên phòng tổ chức kỷ niệm 64 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3/1959 - 3/3/2023) và 34 năm ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989 - 3/3/2023). Chương trình này kêu gọi nhiều tổ chức, cá nhân chung tay hướng về biên giới. Và Thúy đã đến chia vui với các em, trong lúc ký ức về những ngày sống chết trong bão tố Covid vẫn còn lảng vảng.

Có lẽ vì chưa từng làm mẹ và theo bản năng của người phụ nữ, cô rung động rồi gắn bó với những đứa bé có khuôn mặt lấm lem, đôi mắt ngây thơ. Vậy nên nhiều năm qua, Thúy luôn đến với trẻ em vùng biên giới với chương trình “Ngày hội trăng rằm”.

Trung thu năm 2022, Thúy cùng nhóm từ thiện từ TP Hồ Chí Minh ra tận Thanh Hóa rồi lên tới biên giới để tổ chức chương trình trung thu cho các cháu thiếu nhi. Cô mang cho tụi trẻ món ăn thiệt “độc đáo” và hot trên internet, đó là bánh tráng trộn với rong biển. Món ăn mềm sụp, béo, giòn, có hương vị rất lạ, ăn lâu chán.

Chị Thúy đến với trẻ em vùng cao. Ảnh: Văn Chương.

Trong lòng tôi lưu lại nụ cười của cô, nhưng vẫn nhủ thầm rằng “nụ cười đó liệu có nở ra mọi lúc, mọi nơi, bởi cô đang mất đi một phần đời vì ngồi trên chiếc xe đẩy”. Giữa tháng 5/2023, tôi lại hẹn gặp cô ở vùng đất cực kỳ trong lành và xinh tươi ở xóm chùa huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Cô ngồi cạnh kinh luân (bánh xe cầu nguyện), mắt nhìn xa xăm về phía dòng sông chảy chậm chạp ở dưới chân đồi và cho biết, nơi đây tràn đầy năng lượng sẽ giúp cô thực hiện thêm những ý nguyện tới hết cuộc đời. Ý nguyện đó là chăm sóc 40 đứa con nuôi khôn lớn, học hành lên người.

Xe lăn xuyên bão

Cuối năm 2020, trong lúc mạng xã hội liên tục dõi theo chuyến đi của vợ chồng Thủy Tiên và Công Vinh quyên góp được 70 tỷ đồng và mang về hỗ trợ, phát cho người dân vùng rốn lũ ở tỉnh Quảng Bình; thì vào thời điểm đó, Thúy đã lặn lội nhiều ngày cùng chị em trong nhóm từ thiện đi giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Có ít người từng gặp Thúy đã ngồi tư lự và tự hỏi về một cô gái ngồi xe lăn nhưng lại vào tận rốn lũ, cô luôn sống giống như “hôm nay là ngày cuối cùng của bạn”.

Tháng 9 năm 2022, tin tức dồn dập về siêu bão Noru sẽ càn quét qua Quảng Nam, từ huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh, Thúy luôn dõi theo tình hình rồi lên lịch cho chuyến đi. Với những người đã quen cô thì nói rằng, “trận đại hồng thủy năm 2020 ở Quảng Bình mà chị ấy còn dám xuống tận rốn lũ cùng gạo, mì tôm, thì chuyến đi này không hề hấn chi”.

Chị Thúy là tình nguyện viên trong đại dịch COVID-19.

Ngay sau siêu bão Noru, cô từ Sài Gòn đáp chuyến bay ra miền Trung giữa lúc bầu trời đầy mây vần vũ, đường băng sân bay hiện ra mờ mờ dưới trời mưa nặng hạt. Cô đi bằng một chiếc xe cấp cứu ra miền Trung vì không thể chờ thêm, cô nói rằng, vừa đọc xong dòng tin trên trang cá nhân của em Nguyễn Thị Thu Hiền, SN 2003, quê ở thôn Bích An, xã Tam Xuân 1: “hoàn cảnh của em rất khó khăn, cha mất sớm, mẹ có chồng khác nhưng ở xa và cũng khó khăn, em ở với ông bà nội trong ngôi nhà tình nghĩa. Siêu bão Noru làm sập ngôi nhà em đang ở. Hiện nay em gãy 2 bên sườn, 1 bên chân và tràn dịch màng phổi…”.

Quảng Nam mưa gió ướt át, nhưng cô đã nhờ anh em Bộ đội Biên phòng Quảng Nam đưa tới các địa chỉ này để thăm hỏi, trao quà cho bà con. Cô viết trên trang cá nhân dòng nhật ký về chuyến đi: “Nhật ký 5 ngày 3 đêm nằm trên băng ca xe cấp cứu vượt hơn 3.000 km - chắc có lẽ, không bệnh nhân nào nằm trong xe cấp cứu lâu và đi xa như mình, từ Nhà Bè, ra biên giới Việt - Lào ở Thanh Hóa, quay lại biên giới Quảng Bình. Trước khi trao tặng xe, mình muốn test thử và muốn thử xem người bệnh sẽ gặp những khó khăn, khó chịu nào khi phải nằm xe cứu thương trong tình trạng sức khỏe yếu”.

Chiếc xe cứu thương này đã được Thúy tặng cho Đồn Biên phòng Cà Roòng, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình. Cô chia sẻ ý nguyện sẽ kêu gọi và hỗ trợ thêm 1 chiếc xe như vậy cho xã La Ê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.

An bình sau giông bão

Đã 15 phút tôi đứng lặng trước Phương Liên Tịnh Xứ, một ngôi chùa lớn nhất nhì ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng và vẫn chưa nghe Thúy hồi âm, sau một đêm nằm xe khách ngược từ Sài Gòn lên cao nguyên. Ngày tham gia chương trình Tháng 3 biên giới ở Quảng Nam, Thúy chia sẻ rằng “sau đại dịch Covid-19 kinh khủng, em muốn lặn đi, tĩnh tâm lại, dừng các hoạt động để hồi tâm, nguyện cho linh hồn những nạn nhân xấu số mà em đã gặp trong đại dịch COVID-19, nhưng rồi…”. Cô không nói hết câu, vẫn cười và nụ cười tươi ấy như tỏa ánh thiên thần.

Một người bạn của Thúy cho biết, chị ấy bán cái nhà ở Nhà Bè để mua xe cấp cứu làm từ thiện trong đại dịch COVID-19, giờ lên đây tạm cư ở xóm phía sau chùa, thực hiện ước nguyện nuôi những đứa trẻ mồ côi, công việc này chỉ mới bắt đầu.

Rồi Thúy xuất hiện trên chiếc xe lăn, vẫn bộ quần áo màu trắng, giống như tâm hồn trinh bạch và những dòng comment được cô viết trong đại dịch COVID-19 nóng bỏng nhưng vẫn thấp thoảng sự bình thản, có cả nụ cười:

“Ngày 7/10/2021, bữa giờ cõng bệnh nhân F0, khiêng bình ô xy nặng 60 kg lên tầng 4 bằng thang bộ, khiêng hòm, vác hàng ngàn tấn gạo, lương thực, xương sống ai cũng bị lệch ít nhiều. Hôm nay nhờ người nắn bóp lại cho khỏe khoắn rồi tiếp tục nhiệm vụ mới là đưa bà con về quê hương…”.

Đại tá Hoàng Văn Mẫn, Chính ủy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam chia sẻ, anh em bộ đội đều xúc động khi thấy chị Thúy, một người phụ nữ tật nguyền nhưng lại đồng hành cùng Bộ đội Biên phòng đi giúp người nghèo, người tàn tật, nhờ người khiêng, cõng để vượt đèo, vượt núi đến những vùng xa xôi nhất.

Lê Văn Chương

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ba-tien-cua-tui-tre-vung-cao-post1536086.tpo