Ba năm sau khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu, Man United đã 'biến dạng' ra sao?

Man United chỉ vừa bước sang kỷ nguyên mới sau thời Sir Alex Ferguson được 3 năm, nhưng có rất nhiều điều đã thay đổi ở sân Old Trafford.

(Ảnh: Four Four Two)

Vài năm trước, người hâm mộ Manchester United đã tưởng tượng ra nhiều viễn cảnh sau khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu và hiểu rằng đội bóng có thể không còn mạnh như trước. Tuy nhiên thật khó để đoán được rằng Quỷ đỏ lại sa sút nhiều trong một khoảng thời gian ngắn như vậy.

Man United đã đi đến đời HLV thứ ba trong vòng 4 năm “hậu Ferguson”. David Moyes, Louis Van Gaal và Jose Mourinho đều được trao cơ hội kế thừa di sản của nhà cầm quân vĩ đại người Scotland.

1. Không có cửa vô địch Ngoại Hạng Anh

Manchester United từng trải qua quãng thời gian 26 năm xa cách ngai vàng của nước Anh cho tới trước mùa giải 1992/93, khi Sir Alex Ferguson đưa họ đến chức vô địch. Trong 13 mùa giải sau đó, Quỷ đỏ có 13 danh hiệu tại đấu trường hạng cao nhất xứ sương mù, trong khi các đội bóng khác cộng lại cũng chỉ có tám.

Thay đổi rõ ràng nhất kể từ khi vị huấn luyện viên người Scotland nghỉ hưu là việc Man United không được chạm tay vào chiếc cúp Ngoại Hạng Anh nữa, và thậm chí còn chẳng có cơ hội đến gần. Ba năm kể từ lần gần nhất đứng trên đỉnh cao nhất nước Anh, đội chủ sân Old Trafford bây giờ đã bị đẩy ra xa khỏi danh hiệu hơn bao giờ hết.

2. Thay đổi về tư tưởng

Trong 21 mùa giải kể trên, Man United của Sir Alex không bao giờ kết thúc với vị trí ngoài top 3 và thậm chí cũng chỉ có ba lần đứng sau đội á quân. Ba lần họ thua đội vô địch một điểm duy nhất, và một lần mất ngôi vương vì thua kém chỉ số phụ.

Cạnh tranh vô địch từng là mục tiêu bắt buộc của Man United, nhưng dưới thời David Moyes và Louis Van Gaal, đứng thứ tư đã được xem là một thành công. Khi nhậm chức, Jose Mourinho đã mạnh dạn tuyên bố chỉ giành suất dự Champions League là không đủ.

“Thật dễ dàng với tôi nếu nhìn vào 3 năm trước đó, với sự thật là đội bóng không được dự Champions League, và nói rằng ‘hãy làm việc nào, hãy cố để trở lại top 4, hãy cố để đá tốt tại Europa League’. Nhưng tôi không giỏi làm điều đó và tôi không chỉ muốn làm tốt. Tôi thích quyết liệt hơn và quyết liệt tức là nói rằng ‘chúng tôi muốn chiến thắng’.”

Nhưng, dù ông đã nói gì đi chăng nữa, cán đích ở vị trí thứ tư để được có mặt tại Champions League mùa sau, vốn bị coi là một thất bại trong kỷ nguyên Ferguson, giờ đây lại là mục tiêu thiết thực nhất của Quỷ đỏ.

Lần cuối cùng Man United vô địch Ngoại Hạng Anh là cách đây 3 năm (Ảnh: Four Four Two)

3. Thiếu kinh nghiệm và thủ lĩnh

Ferguson luôn có một đội hình hòa trộn giữa những cầu thủ kinh nghiệm, những sản phẩm cây nhà lá vườn, những gương mặt ngoại quốc và những tài năng trẻ. Những cầu thủ lớn tuổi sẽ giúp các đàn em hòa nhập cả trong lẫn ngoài sân cỏ.

Trong vòng một năm kể từ khi Sir Alex nghỉ hưu, đội trưởng Nemanja Vidic, hai đội phó Rio Ferdinand và Patrice Evra, cùng hai tượng đài Paul Scholes, Ryan Giggs, lần lượt rời đội bóng. Lúc này, hai cầu thủ kỳ cựu nhất trong đội hình Quỷ đỏ là Wayne Rooney và Michael Carrick – bộ đôi trên 30 tuổi và đã khoác áo đội chủ sân Old Trafford ít nhất một thập kỷ. Nhưng cả hai đều không phải là lựa chọn ưu tiên của huấn luyện viên Mourinho cho đội hình xuất phát.

Xét trên thời gian gắn bó với đội bóng thì Antonio Valencia là cái tên xếp ngay sau, với tám mùa giải. Chris Smalling đang ở mùa thứ bảy và Phil Jones cùng Ashley Young là thứ sáu. Chẳng có ai trong số 4 người trên được xem là những thủ lĩnh bẩm sinh cả, dù Smalling vẫn được đeo băng thủ quân khi Rooney vắng mặt.

Nếu so sánh với các đội hình của Ferguson trong quá khứ, khi thủ lĩnh được tìm thấy ở mọi vị trí trên sân, thì rõ ràng Man United bây giờ đang thiếu hụt trầm trọng. Họ từng có Phil Neville, John O’Shea và Darren Fletcher, những người chưa từng làm đội trưởng tại Old Trafford nhưng lại được giao phó vai trò này ở những đội bóng mới. Còn bây giờ, kinh nghiệm và thủ lĩnh là những điều mà Man United thực sự thiếu.

4. Mua tiền vệ

HLV Ferguson không mua tiền vệ nào trong khoảng thời gian giữa hai bản hợp đồng của Owen Hargreaves (2007) và Nick Powell (2012). Điều này không khó hiểu bởi Man United thừa tài năng ở khu trung tuyến, nhưng cũng không hẳn là vậy. Khi tìm kiếm sự thay thế cho Roy Keane, họ từng có thời điểm trông cậy vào Carrick, cùng một Scholes già nua và một Fletcher ốm yếu.

Marouane Fellaini, Ander Herrera, Daley Blind, Morgan Schneiderlin, Bastian Schweinsteiger và cả Paul Pogba đã gia nhập đội bóng sau khi kỷ nguyên Ferguson kết thúc. Không ai trong số này đạt được thành công vang dội, nhưng ít nhất thì đó cũng là những nỗ lực của Man United trong việc khỏa lấp chỗ trống mà Keane để lại từ năm 2005.

5. Cơn ác mộng tại Old Trafford

Ferguson là biểu tượng của chiến thắng, và đội bóng của ông cũng vậy. Đến làm khách tại Old Trafford luôn là thử thách khó nhằn nhất với bất cứ đội bóng nào.

“Khi còn khoác áo Man United, tôi cảm nhận được rằng các đội bóng bị đánh bại ngay trong đường hầm”, cựu tiền đạo Quỷ đỏ là Mark Hughes chia sẻ khi Moyes vẫn đang tại vị. “Đó là những gì mà sân Old Trafford làm được cho đội bóng và các cầu thủ. Bây giờ thì không còn như vậy”.

Thi đấu dưới sự chứng kiến của 75.000 người là một trài nghiệm tuyệt vời với nhiều cầu thủ tại giải Ngoại Hạng Anh, đặc biệt là khi họ đã không còn bị choáng ngợp bởi nỗi sợ hãi.

Khán đài sân Old Trafford trống vắng trong trận đấu giữa Man United và Bournemouth mùa trước (Ảnh: Daily Mail)

6. Biến động nơi hậu trường

Moyes đã mắc sai lầm lớn khi sa thải đội ngũ đã cùng Sir Alex Ferguson đi đến ngôi vô địch và thay bằng những trợ thủ đã theo ông từ Preston đến Everton. Rene Meulensteen được biết đến là một huấn luyện viên xuất chúng và là nhân tố quan trọng đến thành công của Man United những năm cuối triều đại Ferguson. Nhưng nhân vật này lại không được Moyes đánh giá đủ cao để được giao một nhiệm vụ phù hợp.

Trong khi đó, Giggs dù được chờ đợi sẽ ngồi vào ghế thuyền trưởng của đội bóng, cũng được bật đèn xanh để ra đi. Mourinho muốn giữ Giggs bên mình nhưng không phải với vị trí trợ lý, vai trò đã thuộc về Rui Faria.

Những người hiểu Man United đến từng chân tơ kẽ tóc đều đã không còn ở sân Old Trafford, và Man United đã phải trả giá đắt cho điều đó.

7. Mạng xã hội

Trong suốt triều đại Ferguson, Man United rất hạn chế xuất hiện trên mạng xã hội. Khi các bảng đấu của Champions League được xác định và lần lượt được công bố trên trang Twitter của UEFA, Man United là câu lạc bộ duy n hất không có tài khoản Twitter để được tag vào.

Man United chỉ chính thức gia nhập mạng xã hội này sau khi Moyes nhậm chứ 10 ngày. Đây là nền tảng được sử dụng để cập nhật tin tức mới nhất về đội bóng cũng như tương tác giữa cầu thủ và cổ động viên thông qua những chương trình hỏi đáp.

Dù vẫn đi sau các câu lạc bộ khác nhưng Quỷ đỏ đã có những bước tiến đáng kể. Khi công bố bản hợp đồng đắt giá nhất thế giới Paul Pogba, hashtag #Pogback và những đoạn video xoay quanh câu nói “bla bla blah” do Man United phối hợp với nhà tài trợ Adidas thực hiện đã tạo nên một cơn sốt. Ở thời điểm chiếc xe của Man United bị cổ động viên West Ham trong mùa giải trước, Jesse Lingard đã quay video ghi lại phản ứng của các cầu thủ và đăng tải lên tài khoản Twitter cá nhân. Những điều này chẳng bao giờ xảy ra khi HLV Ferguson còn tại vị.

8. Vung tiền trên thị trường chuyển nhượng

United đã chi ra 200 triệu Bảng trong 5 mùa giải cuối cùng được dẫn dắt bởi Sir Alex Ferguson và trong 4 năm sau đó, con số này là 456 triệu Bảng. Chưa rõ việc Quỷ đỏ ít hoạt động trên thị trường chuyển nhượng trong giai đoạn trước là do nhà Glazer keo kiệt hay nguyên tắc tiết kiệm của của HLV trưởng người Scotland nhưng có vẻ như là từ cả hai nguyên nhân kể trên.

Có thể nhận ra rằng các ông chủ sẵn sàng ủng hộ Moyes, Van Gaal và Mourinho với nguồn lực tài chính không giới hạn. Đội bóng đã phung phí không ít tiền và điều này khiến cho cổ động viên của họ tiếc nuối vì Sir Alex chưa bao giờ có cơ hội được chi tiêu nhiều đến thế.

Trong 27 năm ngồi ghế thuyền trưởng của United, Ferguson chỉ mua về 2 cầu thủ tầm cỡ là Juan Sebastian Veron và Robin Van Persie. United trong vài năm trở lại đây đã ký hợp đồng với Juan Mata, Angel Di Maria, Bastian Schweinsteiger, Zlatan Ibrahimovic và Paul Pogba. Chính sách theo kiểu “dài thiên hà” này vẫn chưa đem đến những thành công tương xứng, nhưng có lẽ khi bắt đầu ổn định dưới thời Mourinho, mọi thứ sẽ đi đúng hướng.

Ibrahimovic tìm lại cảm giác ghi bàn giúp Man United thắng Swansea cách đây ít ngày

9. Không Champions League

Manchester United từng là một gương mặt quen thuộc của giải đấu danh giá nhất châu Âu cấp câu lạc bộ. Đội bóng của Sir Alex Ferguson cũng liên tục góp mặt ở các trận bán kết và chung kết.

David Moyes hưởng suất dự Champions League mùa giải 2013/14 sau khi người tiền nhiệm nghỉ hưu và đã lọt vào đến vòng tứ kết một cách đáng ngạc nhiên. Nhưng cuối cùng thì Man United chỉ cán đích thứ bảy ở giải quốc nội năm đó và còn không có vé dự Europa League.

Van Gaal đưa Quỷ đỏ vào top 4 trong mùa giải đầu tiên của mình, nhưng sau đó họ lại bị loại ngay từ vòng bảng của đấu trường châu lục. Mùa giải 2015/16, Man United xếp thứ 5 tại giải Ngoại Hạng Anh và chỉ được góp mặt ở Europa League. Mourinho đã không giấu diếm sự thất vọng về điều này khi trả lời phỏng vấn ra mắt đội chủ sân Old Trafford. Tuy nhiên sau một tháng nữa, giải đấu hạng hai của châu Âu có thể không còn là mối bận tâm của “Người đặc biệt” vì Man United đang đứng thứ ba ở bảng đấu của mình có sau bốn lượt trận.

10. Vô địch FA Cup

Trước tháng 5 năm nay, Man United đã không giành chiếc cúp FA nào kể từ năm 2004. Louis Van Gaal đã mang danh hiệu lâu đời nhất nước Anh này trở lại sân Old Trafford bằng chiến thắng 201 trước Crystal Palace, trong trận đấu cuối cùng trước khi bị sa thải. Thật khó tin khi biết rằng Wayne Rooney, người gia nhập Quỷ đỏ năm 18 tuổi, đã phải đợi tới 12 năm để được nâng chiếc cúp này.

11. Rò rỉ thông tin phòng thay đồ

Những thông tin về sự bất ổn hậu trường của Manchester United tăng chóng mặt sau khi Sir Alex Ferguson rời ghế HLV trưởng. Tất cả các đội bóng đều gặp rắc rối khi cầu thủ công khai sự không hài lòng trước giới truyền thông, nhưng điều đó hiếm khi xảy ra trong giai đoạn trước đây. David Beckham có lẽ là cầu thủ cuối cùng dám chống đối lại ông thầy và hậu quả là anh phải khăn gói ra đi vào năm 2003.

Dưới thời David Moyes thì khác. Thậm chí việc đội hình thi đấu của Man United bị tiết lộ sớm cũng diễn ra khá thường xuyên. Những thông tin này đương nhiên không chỉ dành cho các cổ động viên Quỷ đỏ.

12. Cải tổ học viện

Khi HLV Ferguson nhậm chức tại Manchester United, ông coi học viện của đội bóng là một trong những ưu tiên hàng đầu, nhằm đảm bảo duy trì truyền thống của câu lạc bộ vốn tồn tại từ thời Sir Matt Busby.

Điều đó đã mang đến những dấu ấn đáng kể. Đội hình ăn ba của Quỷ đỏ bao gồm bộ khung “cây nhà lá vườn”. Họ đã luôn đưa ra sân ít nhất một sản phẩm tự đào tạo trong hơn 3.800 trận đấu liên tiếp – một kỷ lục kể từ năm 1937.

Nhưng mọi thứ dần thay đổi. Học viện của Manchester City ngày càng tiến bộ, trong khi Man United lại xuống dốc. Brian McClair, nhân tố quan trọng trong cuộc cải tổ trước đây, đã chuyển sang làm việc tại liên đoàn bóng đá Scotland vào đầu năm ngoái và phải tới một năm sau vị trí của ông mới được thay thế, với sự xuất hiện của Nicky Butt.

Jesse Lingard, cầu thủ gia nhập Quỷ đỏ từ năm 7 tuổi, là tác giả bàn thắng mang về chức vô địch FA Cup. Marcus Rashford từng ghi bàn vào lưới cả Man City lẫn Arsenal. Sự hiện diện của hai cầu thủ này làm hài lòng các cổ động viên Man United và cũng mang đến sự lạc quan dành cho Butt. Đội U18 của họ đang đứng thứ hai tại giải đấu dành cho các đội trẻ, một sự tiến bộ rõ rệt so với mùa trước, khi họ xếp hạng hai từ dưới lên.

Jesse Lingard ghi bàn trong trận chung kết FA Cup (Ảnh: Daily Mail)

13. David Gill thay thế Ed Woodward

Việc để David Gill theo chân Sir Alex rời đi là một sai lầm khiến Man United trả giá đắt. Gill đã rất thành công sau khi kế thừa vị trí của Peter Kenyon năm 2003, nhưng lại không được lòng các cổ động viên vì được xem là đứng về phía nhà Glazer.

Tầm quan trọng của ông chỉ được nhìn nhận sau khi ông rời sân Old Trafford. Ed Woodward dần tạo dựng được danh tiếng với những thương vụ chuyển nhượng đắt giá. Nhưng chính những bản hợp đồng này lại khiến cho ông bị chỉ trích. Man United từng liên hệ với Cristiano Ronaldo, Cesc Fabregas, Gareth Bale và Thiago Alcantara và cuối cùng, họ mua về Fellaini trong ngày cuối của kỳ chuyển nhượng.

Dù sao thì thành quả công việc của Woodward cũng có mặt tích cực khi lợi nhuận của Man United tăng lên chóng mặt. Họ là đội bóng đầu tiên của nước Anh kiếm được đến 500 triệu Bảng trong một năm và đây là dấu ấn của Woodward bên ngoài sân cỏ.

14. Sân tập được nâng cấp

Van Gaal có thể là một gã bảo thủ trong mắt các học trò, nhưng ông cũng xứng đáng được ghi nhận với việc nâng cấp trang thiết bị ở trung tâm huấn luyện Carrington.

HLV người Hà Lan đã cho cải tạo mặt sân tập để giống với sân Old Trafford hơn, về cả kích thước lẫn chất lượng cỏ, lắp thêm dàn đèn để đội có thể làm quen nhanh hơn với việc thi đấu buổi tối. Ông cũng áp dụng công nghệ vào việc tập luyện, ví dụ như việc ghi hình lại bằng những chiếc camera HD.

Van Gaal cũng đề xuất mở khu vực riêng dành cho việc khởi động cũng như đặt thêm 8 tấm chắn lớn để giúp đội bóng tránh được sự tò mò của truyền thông trong các buổi tập khi cần thiết.

15. Niềm tin

Khi Manchester United chạm trán Chelsea trong trận chung kết UEFA Champions League năm 2008, các cổ động viên Quỷ đỏ đã tạo hình chữ “Believe”, giống như ở trận bán kết gặp Barcelona. Man United thắng cả hai trận đấu và hành động kể trên của các cổ động viên là sự thể hiện rõ ràng nhất cho suy nghĩ của họ ở thời điểm đó.

Năm 1999, mọi thứ như được sắp đặt khi những bàn thắng muộn và những trận đấu để đời đã giúp Man United giành được chiến tích mà chưa từng có đội bóng Anh nào đạt được. Mùa giải 2007/08 cũng gần như vậy. Họ vô địch Ngoại Hạng Anh ở vòng đấu cuối và thắng trận chung kết Champions League trên chấm luân lưu.

Dưới thời Sir Alex Ferguson, Man United đã rất nhiều lần đánh bại đối thủ bằng những pha lập công ở phút cuối nhờ vào tinh thần không bao giờ bỏ cuộc. Nhưng điều đó dần biến mất sau khi ông nghỉ hưu. Các cổ động viên cũng dần nhận ra rằng các bàn thắng muộn sẽ không còn xuất hiện nhiều nữa.

Anh Ngọc (theo Four Four Two)

Nguồn Tin Nhanh: http://vntinnhanh.vn/the-thao/ba-nam-sau-khi-sir-alex-ferguson-nghi-huu-man-united-da-bien-dang-ra-sao-132972