'Bà điên' Hồng Sáp: 88 tuổi 'chạy ăn' từng bữa, bị mỉa mai vô phúc con không lo

Nghệ sĩ Hồng Sáp ở tuổi 88 nhưng vẫn 'chạy ăn' từng bữa, ở nhà thuê vì thu nhập thấp, mấy chục năm qua, bà làm được bao nhiêu ăn bấy nhiêu nên không có dư.

Nghệ sĩ Hồng Sáp là gương mặt quen thuộc với khán giả phim truyền hình Việt Nam. Bà thành công khi hóa thân vào các vai diễn nghèo khổ, bi kịch, đặc biệt là những vai ác, tâm lý không bình thường.

Với thế hệ 9X, nhiều người vẫn không thể quên “bà điên”, “bà phù thủy” độc ác trong seri phim Chuyện cổ tích, Tấm Cám… phát sóng trên truyền hình mỗi chiều.

Trên sân khấu, truyền hình nghệ sĩ Hồng Sáp nghèo khổ cơ cực ra sao thì cuộc sống thực tế của bà cũng không khác là bao, điểm khác biệt duy nhất có lẽ là bản chất hiền lành, vui vẻ và lạc quan của bà.

Trò chuyện với VTC News, nghệ sĩ Hồng Sáp không giấu được sự ngại ngùng khi ở tuổi 88 bà vẫn “chạy ăn” từng bữa, ở nhà thuê, không có thành tựu gì đáng tự hào.

Nhưng trên khuôn mặt khắc khổ ấy, chúng tôi vẫn thấy được nụ cười, ánh mắt vui vẻ mỗi khi bà nhắc đến những vai diễn “nhỏ bé” trên truyền hình, sân khấu, ra đường vẫn có khán giả nhận ra mình, đi làm phục trang vẫn được các thế hệ hậu bối yêu thương…

Nghệ sĩ Hồng Sáp sinh năm 1936, năm nay bà 88 tuổi - cái tuổi mà đồng nghiệp cùng thời an yên bên con cháu, làm nghề vì đam mê thì bà vẫn kiếm cơm từng bữa, gom góp tiền trọ cho hai bà cháu.

Bà tâm sự, gia đình vốn ở Hà Nội nhưng vì bố mẹ đều làm trong gánh hát nên chuyển vào miền Nam sinh sống từ năm 1940. Năm 10 tuổi, bà mồ côi cha mẹ, không họ hàng thân thích, sống lay lắt qua ngày nhờ sự đùm bọc của bà bầu đoàn hát Huỳnh Long.

Sau 5 năm đứng sau sân khấu chạy việc, mặc phục trang cho diễn viên, bà được đưa lên múa minh họa trong các vở tuồng rồi đến các vai lớn hơn. Vì tứ cố vô thân, không người nương tựa nên từ bé bà phải chịu cảnh bị chèn ép, bắt nạt. Thế nhưng tuyệt nhiên bà không bỏ nghề, vẫn cố bám trụ.

“Tính ra tôi đi theo nghệ thuật cũng được 73 năm, khi không được hát thì tôi làm phục trang cho đoàn. Tôi không được nổi tiếng như những nghệ sĩ khác, chỉ được cái “quen mặt” với khán giả.

Phim vào vai nào tôi cũng nhận, miễn là được diễn, tôi không bao giờ từ chối. Bây giờ già rồi cũng không có mấy đoàn gọi đi đóng phim nữa. Nói thật là dù làm quần quật cũng chỉ đủ ăn, mang danh nghệ sĩ nhưng ở nhà mướn cũng hơn 20 năm (cười)”.

Hằng ngày, “bà già điên” vẫn đều đặn đến Đình Nhơn Hòa (Quận 1, TP.HCM) giặt phục trang, dọn dẹp. Thỉnh thoảng bà đi theo đoàn hát đình mặc phục trang cho nghệ sĩ với tiền công 300 nghìn đồng/show. Số tiền đủ cho bà và cháu trai trang trải qua ngày.

Căn nhà trọ của nghệ sĩ Hồng Sáp nằm gần cầu Kênh Tẻ, Quận 7. Tuy chỉ là căn phòng trọ nhỏ, “oi bức ngày nắng, ngập nước mùa mưa” cũng không tiện đi lại nhưng là nơi gắn bó với bà hơn 20 năm qua.

Cũng hiếm có nghệ sĩ nào làm nghệ thuật hơn 7 thập kỷ nhưng vẫn phải chịu cảnh ở nhà thuê, nghệ sĩ Hồng Sáp cười khổ bởi quá quen với những lần bị hỏi “đi hát đã lâu sao không mua nhà”.

“Trước kia mọi cứ nghĩ tôi “giả nghèo” nhưng ai mà diễn nghèo mấy chục năm được. Tôi có nhiều nỗi lo lắm, mồ côi từ nhỏ, lấy chồng thì chồng nhậu nhẹt bê tha, 7 người con cũng một tay tôi nuôi, đi theo đoàn hát nhận vai nhỏ, được đồng nào đủ ăn đồng đó, làm sao đủ tiền mà mua nhà”, bà trải lòng.

Công việc khó khăn, mệt nhọc là thế nhưng nghệ sĩ Hồng Sáp vẫn cười xòa như thể đó là điều bình thường nhưng khi nhắc đến 7 người con, bà không cầm được lòng mà bật khóc.

“Tôi có 7 người con, 5 đứa mất khi còn nhỏ. Nhiều người họ biết vậy nói tôi vô phúc, làm mẹ kiểu gì mà con cái bỏ đi, không ai lo. Họ đâu biết con tôi cũng không khá hơn tôi là mấy và tôi cũng tự nuôi sống được mình, tại sao phải làm phiền đến con?”, bà phân trần không phải cho mình, bà sợ con mang tiếng ác.

Cũng vì nghèo mà 5 người con của bà qua đời do không có tiền chữa bệnh từ khi còn nhỏ. Hai người con còn lại cũng không mấy suôn sẻ, bôn ba khắp nơi phụ việc. Người con trai duy nhất của bà lại mất sớm để lại con thơ. Xót cháu nội sớm mất cha không mẹ, bà lại bồng về nuôi dù thân mình cũng lo chưa xong.

“Thời ấy cũng được gọi là nghệ sĩ nhưng tôi nghèo lắm, ăn cơm độn khoai độn sắn chan nước tương là ngon lắm rồi. Bây giờ tôi còn lại mỗi đứa con gái đang ở mướn bán cơm cho người ta. Cuộc sống của nó cũng chẳng có gì hết làm sao có thể chăm lo cho tôi? Thỉnh thoảng, nó còn qua xin tôi gạo để ăn, đóng phim có tiền tôi cũng phụ giúp cho con. Mình là mẹ, con cần thì mình phải giúp. Tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện con phải lo cho mình, ai muốn nói gì thì nói”.

Dù là một nghệ sĩ được khán giả cả nước nhớ, mặt nhớ tên với hàng trăm vai diễn từ sân khấu tới màn ảnh như Tấm Cám, Dốc tình, Xóm cào cào, Chuyện cổ tích... nhưng đến chứng minh nhân dân, nghệ sĩ Hồng Sáp cũng không có.

Đến năm 2015, bà được KT3 nhờ địa phương xác nhận đã từng làm ở đoàn hát Huỳnh Long hơn 30 năm. Và cho tới giờ, bà vẫn không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào khác ngoài thẻ Hội viên Hội Sân khấu TP.HCM.

“Sao đám ma nào cũng thấy bà” - Đó là câu nói khiến nghệ sĩ Hồng Sáp ám ảnh nhất, bởi cuộc đời bà đi qua quá nhiều nỗi buồn.

Lớp nghệ sĩ cải lương gạo cội miền Nam đa phần đều làm việc chung với nghệ sĩ Hồng Sáp nên hay tin họ mất bà đều cố gắng ghé thăm, tiễn biệt.

“Tôi nghèo, không mua được vòng hoa viếng như các nghệ sĩ khác nhưng tôi có cái tình, cái nghĩa đến thắp nhang chào tạm biệt thể hiện lòng thành với họ, dù gì cũng từng có duyên gặp gỡ”.

Tuy không còn là nghệ sĩ đứng hát trên sân khấu, thường ở phía sau chuẩn bị phục trang, mặc đồ cho các nghệ sĩ nhưng lớp nghệ sĩ cải lương trẻ rất tôn trọng bà, không có chuyện bị coi thường hay bị hắt hủi.

“Bình Tinh, Trinh Trinh rất dễ thương, trước kia tôi đồng hành cùng ba má hai đứa rong ruổi khắp miền Nam. Bây giờ đến sấp nhỏ cũng có đoàn hát của riêng mình, chúng vẫn thường xuyên gọi tôi đi theo đoàn để kiếm thêm thu nhập”.

Nghệ sĩ Hồng Sáp tiết lộ, nhiều lần các nghệ sĩ cho bà tiền nhưng bà không nhận cũng không xin. Ngoài việc chuẩn bị đồ diễn cho các nghệ sĩ, bà còn phụ trách luôn việc giặt giũ, dọn dẹp phục trang sau mỗi đêm diễn.

Công việc nào cũng khó khăn, cũng không dễ dàng nhưng đối với bà một khi nhận được 1 đồng lương thì phải làm việc sao cho xứng đáng. Gần đây công việc cũng thoải mái hơn đôi chút vì có cháu trai phụ giúp.

Theo đuổi nghệ thuật gần như cả đời thế nhưng nghệ sĩ Hồng Sáp thừa nhận bà không còn đam mê với nghề. Nếu như 10 năm trước làm nghề là cái duyên thì 80 năm sau lại là cái nợ dai dẳng, chẳng thể nào buông.

Chỉ khi thấy khán giả nhận ra bà cũng là lúc bà thấy mình còn tồn tại.

"Đến bây giờ vai diễn ấn tượng nhất của tôi với khán giả có lẽ là vai phù thủy, đi đâu ai cũng kêu sợ tôi, nhiều đứa con con rồi vẫn bảo thấy tôi là sợ. Tôi phải thanh minh là do ông đạo diễn chứ ngoài đời tôi hiền lắm, thấy các em sợ tôi lại vui, lại thấy cuộc đời mình có nghĩa”.

Đối với bà được khán giả yêu thương, nhớ đến đã là phúc phần của người nghệ sĩ mặc dù bà cũng không dám nhận mình là nghệ sĩ.

Bà thừa nhận vì nghèo không sắm được TV nên chưa bao giờ nhìn thấy bản thân trên truyền hình dù đóng hàng trăm bộ phim. Và cũng chưa bao giờ hỏi cát-xê bao nhiêu, đóng vai gì kể cả những lúc quay phim vào nửa đêm bà cũng không kêu ca, ý kiến.

Dẫu lam lũ, nghèo khổ nhưng bà luôn biết ơn ông Trời vì cho mình sức khỏe tốt. Những căn bệnh người già như: tiểu đường, huyết áp, xương khớp… bà đều không mắc phải. Ai gọi đi đóng phim, bà đều đồng ý đi ngay không quản ngày đêm.

Thế nhưng khi nhắc đến việc “an dưỡng tuổi già” bà lại tếu táo: “88 tuổi rồi mà vẫn “chạy ăn” từng bữa làm sao nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi. Có lẽ tôi còn khỏe quá nên ông Trời bắt tôi lao động, làm lụng cả đời chưa thể nghỉ ngơi”.

'Bà điên' Hồng Sáp: 88 tuổi 'chạy ăn' từng bữa, bị mỉa mai vô phúc con không lo. (Clip: Trịnh Trang)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/ba-dien-hong-sap-88-tuoi-chay-an-tung-bua-bi-mia-mai-vo-phuc-con-khong-lo-ar857555.html