Bà bầu đi spa: Đẹp mẹ nhưng hại con

Nhu cầu làm đẹp, thư giãn của bà bầu ngày càng tăng. Vì sự thay đổi nội tiết tố, bà bầu sợ xấu, rạn da,... nên tìm đến spa để “tút”. Nắm bắt nhu cầu này, nhiều spa đẩy mạnh khai thác dịch vụ chăm sóc bà bầu.

Làm đẹp "kiêm" chăm sóc bà bầu

Phần lớn các cơ sở làm đẹp “tung” quảng cáo theo kiểu: vừa giảm mệt mỏi, vừa làm đẹp nhưng rất an toàn cho mẹ và bé nên thu hút nhiều bà bầu tìm đến. Trong đó, các dịch vụ trị mụn, nám, chăm sóc da, massage thư giãn… được các bà bầu quan tâm.

Ngâm chân, massage chân bằng phương pháp Jamu đang là dịch vụ được nhiều bà bầu chọn nhất tại spa J.M (đường Nguyễn Thái Bình, Q.Tân Bình, TP.HCM). Theo giới thiệu của nhân viên, spa này áp dụng phương pháp có nguồn gốc từ Indonesia, là liệu pháp dùng các thảo dược như rễ, lá, vỏ cây, trái… của các loại cây đinh hương, cây sả, thì là, gừng, cây turi…

Kỹ thuật viên dùng miếng vải quấn chặt các loại thảo dược quanh eo, xương chậu; bên dưới giường nằm là chậu than cháy chậm, hơi nóng từ chậu than giúp làm dịu và thư giãn cơ.

Nhân viên còn tư vấn cho chúng tôi hai gói dịch vụ “mẹ bầu thư giãn” để giảm đau nhức cơ thể, giảm đau chân, phù nề với các bước ngâm chân, massage body, massage chân, massage đầu; gói “mẹ bầu rạng rỡ” ngoài giúp giảm đau nhức cơ thể còn có công đoạn tắm dưỡng trắng toàn thân.

Mỗi gói có 10-20 buổi, từ tháng thứ tư của thai kỳ có thể áp dụng đến lúc sinh, giá 300.000đ/buổi, nhân viên sẽ đến tận nhà để chăm sóc. Tại spa K.V. trên đường Nguyễn Trãi (Q.1) giới thiệu sử dụng nguyên liệu massage 100% hữu cơ, nhập khẩu từ Nhật Bản.

Ngoài xông hơi thư giãn, không ít bà bầu chọn phương pháp xông hơi để thải độc cơ thể. Một số spa tư vấn do khi mang thai, nội tiết tố tăng cao, bà bầu dễ bị huyết trắng, viêm nhiễm âm đạo nên chọn phương pháp xông hơi vùng kín.

Mỗi gói dịch vụ giá 350.000đ/120 phút gồm: xông hơi + massage + đắp mặt nạ; xông hơi + tẩy tế bào chết + tắm sữa non + chăm sóc mặt; xông hơi + tẩy tế bào + massage body + dưỡng trắng mặt… Để giảm nguy hiểm cho bà bầu khi xông hơi, không ít cơ sở chia ra nhiều loại dịch vụ, có thể xông bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, trừ vùng bụng như: xông hơi mặt, xông hơi vùng kín, xông hơi chống rạn da vùng đùi, vùng cánh tay...

Ảnh mang tính minh họa. Shutterstock

Không nên lạm dụng

Thời nay, phụ nữ có thai vẫn hoạt động xã hội, vẫn phải giao tiếp nhiều nên làm đẹp là cần thiết. Họ đã tìm đến các spa để chăm sóc da, chống rạn nứt, massage thư giãn. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của BS Trần Thế Viện - Bộ môn da liễu, ĐH Y Dược TP.HCM, nếu đến spa chăm sóc da, dưỡng da, bà bầu nên thận trọng vì trong đó có thể có những hoạt chất làm sáng da, trẻ da, là những chất chống chỉ định khi mang thai.

Chỉ nên dùng mỹ phẩm dưỡng da dưới sự tư vấn cụ thể của bác sĩ chuyên khoa da liễu. Riêng với những sản phẩm dưỡng da thuần túy có tính năng dưỡng ẩm (vùng mặt và toàn thân) thì có thể an tâm sử dụng. Với sản phẩm chống rạn nứt da, nên chọn dùng loại ghi rõ là để ngăn ngừa rạn da, nghĩa là sẽ dùng từ thời kỳ đầu, khi da chưa bị rạn.

Nên sử dụng từ tháng thứ hai của thai kỳ lên những vùng da nhạy cảm, dễ bị rạn như đùi, bụng, ngực. Không nên chọn loại điều trị rạn da vì trong đó có thể chứa những chất không phù hợp đối với phụ nữ mang thai.

Thai phụ vẫn có thể đi massage thư giãn. Tuy nhiên, chỉ nên massage không quá 20% diện tích da trên cơ thể. Vì không thể kiểm soát các sản phẩm tinh dầu, kem mà các spa dùng, do đó để an toàn nên mang theo sản phẩm dạng dầu dưỡng da trẻ em và yêu cầu kỹ thuật viên sử dụng.

Riêng phương pháp xông hơi, lương y Phan Cao Bình - Giám đốc trung tâm Đông Phương Cổ Truyền, TP.HCM cho biết, số lượng bà bầu đi massage để giảm đau nhức, xông hơi để giảm mệt mỏi không hề nhỏ; tuy nhiên, bà bầu nên cân nhắc kỹ. Vì, khi bà bầu trùm mền kín với nồi nước xông rất nóng, nhiệt độ cơ thể sẽ tăng cao. Điều này dẫn đến nóng nước ối, gây ảnh hưởng tới bào thai. Các tế bào có thể bị phá hủy và ngăn cản quá trình đưa ôxy đến với em bé. Nếu nhiệt độ cơ thể mẹ lên đến trên 380 C, thai nhi sẽ có nguy cơ khuyết tật ống thần kinh và mất nước về sau trong thai kỳ, đặc biệt là trong ba tháng đầu. Ngoài ra, nhiệt độ quá cao có thể làm thai phụ ngột ngạt, khó thở, tăng tiết nhiều mồ hôi có thể bị chóng mặt, hạ huyết áp, ngất do mất nhiều nước; có thể gây bỏng cho thai nhi nếu bất cẩn chạm vào.

Hiện các spa đã cải tiến bằng cách xây dựng phòng xông có cửa sổ thông gió, nồi xông được đặt trong phòng, bà bầu ngồi trong phòng để xông. Tuy nhiên, phương pháp này cũng không tốt cho bà bầu.

Một số cơ sở uy tín có nhân viên y tế theo dõi, nhưng một số nơi chỉ áp dụng theo kiểu “biết gì làm đó” hoặc không quan tâm bà bầu đang khỏe hay yếu, thời gian xông bao lâu là hợp lý, có bị suy nhược cơ thể sau khi bệnh nặng, bị huyết áp, tim mạch gì không… mà thường áp dụng một kiểu: tiếp nhận người xông, đưa vào phòng xông, xông chung nhiều người, sau đó đưa đi tắm.

Thường thì phòng xông điều chỉnh nhiệt độ cao để người xông ra nhiều mồ hôi cho khỏe. Nhưng bà bầu vốn đã tăng thân nhiệt, khó thở, nếu ở trong môi trường có nhiệt độ cao sẽ gây tăng tiết nhiều mồ hôi, có thể bị chóng mặt, ngất do mất nhiều nước.

Để làm sạch và mát da, sau khi xông, một số nơi hướng dẫn người xông dùng vòi tắm, hồ bơi, ngồi trước quạt hoặc chuyển sang phòng có nhiệt độ thấp hơn để giảm bớt sức nóng. Điều này rất nguy hiểm cho bà bầu bởi lỗ chân lông đang dãn nở, chuyển sang nơi có nhiệt độ thấp đột ngột sẽ làm co các mạch máu gây tình trạng thiếu máu nuôi một số cơ quan trọng yếu như tim, não… còn việc tắm ngay sau xông sẽ khiến bà bầu bị cảm mạo.

Tuy nhiên, trường hợp thai phụ bị nghẹt mũi, đau họng, đau đầu, căng thẳng thần kinh… thì có thể xông hơi cục bộ bằng cách đưa nguyên liệu vào bình xông, sau khi đun sôi thì xông tại mũi, miệng. Hít hương thảo dược sẽ giúp đầu óc thai phụ dễ chịu, giảm đau đầu, giảm nghẹt mũi… Nguyên liệu có thể dùng lá cây bưởi, kinh giới, bạc hà, hương nhu trắng (hoặc tía), lá ngũ trão, cành và lá cây hoắc hương, sả, gừng…

Cẩm Anh

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/me-va-be/me-bau/ba-bau-di-spa-dep-me-nhung-hai-con-84896/