'Ba bám, bốn cùng' đưa pháp luật đến người dân

Là địa bàn vùng cao biên giới có vị trí chiến lược quan trọng, nơi sinh sống của 12 dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số; Sơn La hiện là địa phương thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại cơ sở. Với phương châm 'mưa dầm thấm lâu', lực lượng quân đội 'đứng chân' trên địa bàn tỉnh Sơn La đã tăng cường phối hợp tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hiệp định, quy chế khu vực biên giới và Luật Biên giới quốc gia.

Sáng tạo trong hình thức, đổi mới về nội dung

Thực hiện hiệu quả Đề án "Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân vùng biên giới, hải đảo" và Đề án "Phát huy vai trò của lực lượng quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021 - 2027" (Đề án 1371); lực lượng quân đội tại Sơn La đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân, nhất là người dân ở vùng sâu vùng xa, khu vực biên giới.

Theo Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Sơn La - Đại tá Đào Ngọc Phương, các đơn vị luôn chú trọng vào việc đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền; đề cao tính sáng tạo của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ các đơn vị; định kỳ, tổ chức các hội thi như báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; kết hợp giữa thuyết trình với sân khấu hóa để nâng cao kỹ năng tuyên truyền và hiệu quả trong phổ biến, giáo dục pháp luật.

Trong năm 2023, các đồn biên phòng đã phối hợp tổ chức gần 1.600 buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho gần 18.000 lượt người dân. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cũng chỉ đạo cơ quan chuyên môn biên tập 100 bộ câu hỏi nhận thức về pháp luật; xây dựng các video tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc thiểu số để đăng tải trên các phương tiện đại chúng.

Là đơn vị trực tiếp triển khai thực hiện Đề án 1371 tại cơ sở, Ban Chỉ huy quân sự huyện Mộc Châu - cơ quan thường trực đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tham mưu cho UBND huyện ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 1371 trên địa bàn huyện Mộc Châu, bảo đảm sát với thực tiễn. Đặc biệt là đối với các xã biên giới như Chiềng Sơn, Lóng Sập và Chiềng Khừa.

Theo Thượng tá Tiêu Văn Hùng, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự huyện Mộc Châu, để đưa Đề án 1371 và Kế hoạch của UBND huyện đi vào cuộc sống của đồng bào các dân tộc, đơn vị đã hiện thực hóa bằng các mô hình và cách làm thiết thực, hiệu quả. Trong đó phải kể tới mô hình "Tổ dân vận xung kích"; thực hiện "Mỗi ngày một điều luật"; phối hợp công an, quân sự, biên phòng tuyên truyền, phổ biến, thực hiện chuyển hóa địa bàn trên tuyến biên giới. Trước mắt, tập trung vào các bản làng kinh tế còn khó khăn, an ninh chính trị còn phức tạp.

"Để duy trì hiệu quả được những mô hình này, chúng tôi đã phối hợp, lựa chọn cán bộ đồng bào dân tộc bản địa có trình độ, năng lực, kiến thức, am hiểu phong tục tập quán của Nhân dân, thông thạo tiếng dân tộc thực hiện "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để tuyên truyền, vận động" - Thượng tá Tiêu Văn Hùng chia sẻ.

Chiềng On là xã biên giới thuộc huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La - nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, mạng xã hội đã không toàn xa lạ với đồng bào; người dân vẫn chưa phân biệt được thông tin nào là đúng và đâu là thông tin xấu độc, gây nguy hại cho chính mình và cộng đồng. Vì thế, mô hình "Tiếng loa biên phòng" đã được bộ đội Đồn biên phòng Chiềng On áp dụng nhằm đưa những thông tin chính thống và chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến từng ngõ, xóm.

Nâng chất lượng đội ngũ báo cáo viên

Với bộ đội biên phòng tỉnh Sơn La, song song với việc khảo sát, nắm chắc nhu cầu, hình thức, phương pháp tuyên truyền phù hợp với thực tế tại địa phương; các đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao kỹ năng, năng lực cho người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Lực lượng quân đội tỉnh Sơn La đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Ảnh: Ninh Văn

Đại tá Cà Văn Lập, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội biên phòng tỉnh Sơn La nhấn mạnh, việc xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên truyền viên ở các đơn vị cơ sở của bộ đội biên phòng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Đảng ủy, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã giao nhiệm vụ cho tất cả các đơn vị nhằm tuyển chọn trong đội ngũ cán bộ những người có đủ phẩm chất, năng lực, đạo đức, có kiến thức để thực hiện tuyên truyền pháp luật.

"Trên địa bàn biên giới, đa số là đồng bào các dân tộc thiểu số. Do đó, để nội dung văn bản pháp luật được chuyển tải tới đồng bào, cần phải lựa chọn những cán bộ am hiểu về phong tục, tập quán, biết về ngôn ngữ và chữ viết của đồng bào dân tộc. Song song với đó, tập huấn thêm về kỹ năng để lực lượng tuyên truyền viên gần gũi hơn với Nhân dân; từ đó, trao đổi, truyền tải hiệu quả nội dung của các văn bản pháp luật đến với Nhân dân" - Đại tá Cà Văn Lập chia sẻ.

Là người đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng, trực tiếp xuống địa bàn tiếp xúc với đồng bào dân tộc thiểu số; Thiếu tá Nguyễn Công Lưu, Chính trị viên Đồn biên phòng Chiềng Tương, Bộ đội biên phòng tỉnh Sơn La cho biết, "đối với chúng tôi, khó khăn nhất trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là trình độ nhận thức của nhân dân ở khu vực biên giới còn nhiều hạn chế. Cùng với đó là tác động của tình hình tội phạm ở khu vực biên giới; những bất đồng về ngôn ngữ hay một số phong tục tập quán của đồng bào còn lạc hậu. Vì thế, để làm tốt công tác tuyên truyền, song song với việc thực hiện phương châm "ba bám, bốn cùng"; Đồn biên phòng Chiềng Tương đã mở các lớp tự học tiếng đồng bào dân tộc bản địa để phục vụ cho quá trình công tác".

Lực lượng bộ đội biên phòng cũng phối hợp với Phòng Giáo dục của huyện Chiềng Tương; các trường học trên địa bàn tuyên truyền, vận động mở các cái lớp xóa mù chữ, giảng dạy về văn hóa cho những người chưa biết chữ. Từ những việc làm thiết thực đó, người dân nơi đây đã chấp hành nghiêm chủ trương của địa phương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, đóng góp sức lực cùng với bộ đội biên phòng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc.

Linh hoạt, bền bỉ, sáng tạo trong khắc phục khó khăn để tuyên truyền, phổ biến và vận động người dân chấp hành luật pháp tại địa bàn; Thượng úy Vàng A Nu, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn biên phòng Chiềng On đã chọn giải pháp gõ cửa từng nhà, tìm đến tận nương rẫy để tuyên truyền cho người dân. Đồng thời, vận động người có uy tín, trưởng bản cùng đi tuyên truyền với bộ đội, khắc phục khó khăn về sự khác biệt ngôn ngữ, dần dần đưa thông tin chính thống đến với đồng bào.

Ghi nhận và đánh giá cao kết quả tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của các cơ quan, đoàn thể, đơn vị quân đội trên địa bàn tỉnh Sơn La, thời gian qua, Đại tá Lê Nam Thành, đại diện cơ quan thường trực Đề án 1371 (Bộ Quốc phòng) cho biết, sự nỗ lực, cố gắng đã góp phần đưa Đề án 1371 đi vào cuộc sống và bước đầu đạt được mục tiêu nhất định. Đó là nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và Nhân dân; trong đó, tập trung vào các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thảo Mộc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song/ba-bam-bon-cung-dua-phap-luat-den-nguoi-dan-i355941/