Âu tàu hiện đại nhất Việt Nam vận hành hiệu quả trong mùa hạn mặn

Từ đầu mùa hạn mặn đến nay, mỗi ngày âu tàu Rạch Chanh ở xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An, tỉnh Long An phục vụ khoảng 80 phương tiện, tăng khoảng 10% so với thời điểm nước mặn chưa về.

Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi Long An chi biết, hiện độ mặn trên sông Vàm Cỏ Tây là 1,0 g/l, xâm nhập sâu đến cống Bà Hai Màng, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa, cách cửa sông Soài Rạp gần 80km.

Dù độ mặn xâm nhập sâu nhưng không gây ảnh hưởng đến khoảng 10.000 ha lúa Đông Xuân đang chuẩn bị thu hoạch của các xã Mỹ Phú, Mỹ An (huyện Thủ Thừa), Tân Đông, Tân Tây (huyện Thạnh Hóa),... và hàng chục ngàn hecta nông sản của huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang.

Có được điều này là cũng nhờ sự vận hành đạt hiệu quả cao của âu tàu Rạch Chanh tại xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An trong những mùa hạn, mặn.

Âu tàu Rạch Chanh tại xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An ngăn mặn hiệu quả

Vào mùa khô, do nước mặn từ sông Vàm Cỏ Tây (hạ nguồn) lên cao, hệ thống cửa âu sẽ được vận hành theo sự điều tiết. Khi cửa âu phía hạ nguồn mở, phương tiện được lưu thông vào buồng âu, cửa hạ nguồn sẽ đóng lại. Sau đó, cửa âu phía thượng nguồn mở ra để phương tiện đi qua kênh Nguyễn Văn Tiếp (thượng nguồn). Cứ như vậy, lần lượt các phương tiện sẽ được lưu thông qua âu một cách nhịp nhàng và tránh tình trạng xâm nhập mặn làm ảnh hưởng đến mùa màng.

Các phương tiện đang neo đậu chờ qua âu tàu.

Theo Phó giám đốc Trung tâm Điều hành âu tàu Rạch Chanh Lại Đức Dũng, quy trình đóng - mở cửa âu tàu mất khoảng 45 phút đến 1 giờ. Từ đầu mùa hạn, mặn đến nay, mỗi ngày, âu tàu Rạch Chanh phục vụ khoảng 80 phương tiện, tăng khoảng 10% so với thời điểm nước mặn chưa về trên sông Vàm Cỏ Tây.

“Do độ mặn xâm nhập sâu trên các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, sông Tiền nên các kênh, rạch ở Tiền Giang, Long An được ngành chức năng đóng lại để ngăn nước mặn vào nội đồng. Từ đó, phương tiện vận chuyển hàng hóa đi vùng Đồng Tháp Mười và ngược lại qua âu tàu Rạch Chanh tăng đột biến”, ông Dũng cho biết.

Theo ông Dũng, vào mùa lũ, nước từ kênh Nguyễn Văn Tiếp chảy về hạ nguồn, hệ thống cửa âu sẽ được hoạt động 24/24h. Các phương tiện khi lưu thông đến âu sẽ neo đậu chờ tại các vị trí cụ thể. Lực lượng chức năng sẽ điều tiết cho từng phương tiện qua âu theo một chiều. Sau khi phương tiện từ bên này qua hết, sẽ điều tiết cho phía bên kia qua.

Âu tàu Rạch Chanh (TP.Tân An, tỉnh Long An) được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2016, có tổng mức đầu tư 650 tỉ đồng, tạo thuận lợi cho giao thông đường thủy từ TP.HCM đi các tỉnh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Âu tàu Rạch Chanh có thiết kế hiện đại, với tổng chiều dài 140m, chiều rộng 19,5m, cửa đầu âu 14,6m, các phương tiện thiết kế dưới 1.000 tấn cũng sẽ được lưu thông qua âu; một cầu vượt âu được xây dựng bằng bê tông cốt thép bề rộng 11,5m, khoan thông thuyền 6,5 x 30m, bảo đảm cho cả phương tiện thủy và bộ lưu thông.

Bên phải là cống Rạch Chanh, bên trái là âu tàu Rạch Chanh.

Âu tàu Rạch Chanh đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông vận tải đường thủy nội địa, rút ngắn quãng đường 50km (khoảng 6 - 8 giờ) di chuyển từ TP.HCM đi các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, âu tàu còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xả lũ vào mùa mưa, ngăn mặn trong mùa khô, điều tiết nước ngọt vùng Đồng Tháp Mười.

Phạm Nguyễn

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/au-tau-hien-dai-nhat-viet-nam-van-hanh-hieu-qua-trong-mua-han-man-post1621620.tpo