Âu Lâu tốt ruộng lúa, đẹp bờ hoa

Trong ký ức chưa xa của bà Thảo, tuyến đường hoa kia là chỗ của cỏ dại chen lấn um tùm, rậm rạp. Kỳ diệu như trong chớp mắt, đến một ngày hoa đã bừng lên rực rỡ. Kỳ diệu là thật nhưng ai đã làm nên điều ấy?

Đường hoa trước cửa nhà bà Nguyễn Thị Hồng Thảo

Đường hoa trước cửa nhà bà Nguyễn Thị Hồng Thảo

>> Yên Bái - những đường hoa nông thôn mới

Đón mỗi sớm mai sang, đứng từ khoảng sân nhà mình nhìn ra cánh đồng phía trước, bà Nguyễn Thị Hồng Thảo ở thôn Cống Đá, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái phóng tầm mắt ngắm đường hoa. Màu xanh của đồng lúa hòa sắc vàng tươi của hoa sao nhái thật đẹp! Bà vui và bà nhớ, chẳng buổi lao động làm đường hoa nào mà mình không có mặt. Trong ký ức chưa xa của bà, tuyến đường hoa kia là chỗ của cỏ dại chen lấn um tùm, rậm rạp. Kỳ diệu như trong chớp mắt, đến một ngày hoa đã bừng lên rực rỡ. Kỳ diệu là thật nhưng ai đã làm nên điều ấy?

Anh Vũ Hồng Tuấn - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Cống Đá kể rằng: "Tuyến đường hoa hôm nay có được là cả quá trình chung sức, chung tay, đồng lòng của tất cả mọi người. Hoa nở đẹp, bất cứ ai đi qua đây, dù khách lạ hay dân thôn cũng đều phải ngắm nhìn. Cảnh quan thiên nhiên trở nên tươi đẹp hơn, cảm giác có lúc chẳng phải thôn mình mà như đâu đó trong phim, trên ti vi cơ chứ”.

Con đường hoa mà anh Tuấn và bà Thảo nhắc tới chính là kết quả của mô hình "Nông nghiệp sinh thái ruộng lúa, bờ hoa” do Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp thành phố Yên Bái triển khai thực hiện trong vụ mùa năm 2023 tại tuyến đường cánh đồng lúa Đầm Vông ở thôn Cống Đá. Tuyến đường dài 800 m, hành lang rộng 0,3 - 0,6 m, tổng diện tích trồng hoa 400 m2, phục vụ cho 3,2 ha trồng lúa của khu vực.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp thành phố Phạm Minh Phương vừa đi trên đường hoa vừa hào hứng chia sẻ: "Mô hình "Nông nghiệp sinh thái ruộng lúa bờ hoa” ở thôn Cống Đá, xã Âu Lâu là mô hình đầu tiên mà đơn vị triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố. Hiệu quả của mô hình sẽ là cơ sở quan trọng để chúng tôi tiếp tục nhân rộng”.

Tuyến đường chạy dọc cánh đồng Đầm Vông trồng hoa sao nhái, cúc lá nhám, cúc vạn thọ… có sắc màu rực rỡ. Khi trồng những loài hoa tươi tắn sắc màu quanh bờ, các loại sâu bọ và dịch hại sẽ bị thu hút và tránh tấn công lúa. Các bụi hoa cũng là nơi sinh sống của nhiều thiên địch nên có thể giảm thiểu các loại dịch hại trên đồng ruộng.

Điều này đúng như thông tin từ bà Thảo: "Một sào lúa thuần VN20 của nhà tôi vụ này đúng là ít sâu cuốn lá hơn hẳn các vụ trước đấy. Bờ hoa bắt đầu nở, kéo dài chừng đôi tháng đã dụ bướm sâu lên đẻ trứng nên đã giảm bớt việc gây hại cho lúa từ thời điểm bắt đầu làm đòng tới lúc thu hoạch. Bớt sâu hại thì cũng bớt phải phun thuốc trừ sâu. Rõ là vừa đẹp cảnh quan vừa đỡ sâu bệnh, đỡ phải phun thuốc, thế thì còn gì hơn nữa ạ?”.

Hẳn thế nên bà bảo ngày nào cũng phải ngắm đường hoa ít nhất hai lần, một lần đón ngày mới, một lần vào buổi tối khi hai vợ chồng bà đi tập thể dục cùng mọi người có đèn điện sáng trưng.

"Chung sức, chung tay, đồng lòng của tất cả mọi người đã làm nên con đường hoa tươi đẹp” - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Vũ Hồng Tuấn nói vậy. Là ý tưởng xây dựng đường hoa của Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp thành phố. Là Đảng ủy, chính quyền xã Âu Lâu nhiệt tình ủng hộ ý tưởng mới. Là tinh thần đồng thuận, tích cực phối hợp lao động của người dân Cống Đá. Làm cỏ, xới đất, gieo hạt, tưới nước, chăm cây rồi háo hức mong ngóng ngày cây đơm nụ, hoa trổ bông.

Đường hoa đã dành tặng một vụ mùa ít sâu bệnh cho cánh đồng Đầm Vông: "Thăm đồng thường xuyên, chúng tôi thấy sâu hại giảm rõ rệt, còn ở những đám ruộng đối chứng thì rầy nâu, rầy lưng trắng cũng nhiều hơn” là thông tin từ Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Vũ Hồng Tuấn.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp thành phố Phạm Minh Phương bổ sung số liệu cụ thể: qua các kỳ cao điểm, mật độ sâu hại ở ruộng mô hình đều thấp hơn ruộng đối chứng, đều dưới ngưỡng phòng trừ như sâu cuốn lá nhỏ là 7 con/m2 so với 12 con/m2 và đối tượng rầy nâu, rầy lưng trắng là 370 con/m2 so với 550 con/m2. Chưa kể các loại thiên địch như nhện, chuồn chuồn kim, bọ rùa đỏ, kiến ba khoang cũng đều có mật độ cao hơn. Ruộng mô hình chỉ phun 5 lần thuốc bảo vệ thực vật so với ruộng đối chứng là 7 lần, tiết kiệm được 830.000 đồng/ha tiền thuốc bảo vệ thực vật và 1.108.000 đồng/ha tiền công phun.

Đầu tháng Chín, Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp thành phố phối hợp với UBND xã Âu Lâu tổ chức nghiệm thu và bàn giao mô hình cho địa phương tiếp tục chăm sóc, bảo vệ và tuyên truyền nhân rộng.

Phó Chủ tịch UBND xã Âu Lâu Đỗ Thị Ngân Hà khẳng định: "Ruộng lúa bờ hoa là mô hình mới, lần đầu tiên thực hiện, thu hút 30 hộ nông dân tham gia nhưng đã thật sự hấp dẫn nông dân. Mô hình không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý dịch hại mà còn giúp bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu lượng thuộc bảo vệ thực vật, lượng rác thải trên đồng ruộng, góp phần xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững. Thời gian tới, UBND xã sẽ tiếp tục khuyến khích, tuyên truyền các hộ nông dân trên địa bàn xã tích cực nhân rộng mô hình”.

Giám đốc Phạm Minh Phương chia sẻ thêm, các loài hoa của mô hình đều có thể giữ hạt giống để gieo cho mùa sau. Đây là yếu tố hết sức thuận lợi giúp bà con nông dân không hề tốn kinh phí khi thực hiện duy trì, nhân rộng, phát triển đường hoa.

Động lực quan trọng để cho ruộng lúa tốt, bờ hoa đẹp thêm rộng dài khi có những người như bà Thảo: "Thích lắm, có đường hoa đẹp, có ruộng lúa tốt nên chẳng lý do gì không ủng hộ chứ? Vui lắm, đường hoa nở đưa bao người ở bao nơi đến chụp ảnh, chỉ nghe tiếng cười nói lao xao là mình cũng vui lây!”.

Nguyễn Thơm

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/13/301338/au-lau-tot-ruong-lua-dep-bo-hoa.aspx