ASEAN nâng cao năng lực quản lý thiên tai trong bối cảnh mới

Năm 2019 có 188 thảm họa tự nhiên xảy ra ở ASEAN. Các thảm họa này có xu hướng tăng lên do biến đổi khí hậu toàn cầu và sự suy thoái môi trường.

Để tăng cường năng lực quản lý thiên tai cho các quốc gia trong khu vực ASEAN, từ ngày 26-27/2/2019, tại thủ đô Jakarta, Ban thư ký ASEAN đã tổ chức Hội nghị chuyên đề cấp cao về quản lý thiên tai ASEAN.

Trong hai ngày họp, các đại biểu dự Hội nghị chuyên đề cấp cao về quản lý thiên tai ASEAN đã tham gia 6 phiên đối thoại về vấn đề này.

Trong hai ngày họp, các đại biểu dự Hội nghị chuyên đề cấp cao về quản lý thiên tai ASEAN đã tham gia 6 phiên đối thoại về vấn đề này.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thư ký ASEAN, ông Dato Lim Jock Hoi cho biết, hội nghị chuyên đề cấp cao này là một trong những nỗ lực để xây dựng cộng đồng ASEAN, tạo diễn đàn cho các quốc gia thành viên và đối tác trao đổi quan điểm và giải pháp về các vấn đề liên quan đến quản lý thiên tai. Đứng trước những thảm họa tự nhiên ngày một gia tăng và diễn biến phức tạp, Tổng thư ký ASEAN cho rằng, đã đến lúc ASEAN phải tăng cường hợp tác và thúc đẩy các cơ chế khu vực một cách hiệu lực và hiệu quả.

Tổng thư ký ASEAN, Dato Lim Jock Hoi nhấn mạnh: “ASEAN đang đối mặt với những rủi ro và thách thức chưa từng có và ngày càng gia tăng. Các tuyên bố của ASEAN về Khủng hoảng tại Australia và Tuyên bố của hội nghị đặc biệt các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc về hợp tác ứng phó đã thể hiện sự đoàn kết và cam kết của chúng tôi để đảm bảo sự chuẩn bị và an toàn cho người dân. Bên cạnh đó, ASEAN đang nỗ lực cải tiến các chính sách và chiến lược về phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro để đẩy nhanh các nỗ lực của ASEAN trong việc bảo vệ lợi ích phát triển mà đã đạt được và cải thiện khả năng phục hồi của ASEAN.”

Năm 2019, mưa gió lớn gây ra lũ lụt, sạt lở đất ở Indonesia, Myanmar, Philipines và Việt Nam. Cùng năm đó, các quốc gia khu vực sông Mekong đã trải qua một đợt khô hạn kéo dài và khan hiếm nước dẫn đến mất mùa nông nghiệp.

Một trận động đất mạnh cũng tấn công vùng Tây Bắc Lào gần biên giới Thái Lan, ảnh hưởng đến tận Bangkok (Thái Lan) và Hà Nội (Việt Nam). Đây là một tín hiệu báo động vì các quốc gia này rất hiếm khi bị động đất. Do đó, ASEAN luôn dành ưu tiên cao cho các nỗ lực hợp tác về dự phòng, ứng phó, giảm thiểu rủi ro và phục hồi sau thảm họa thiên tai.

ASEAN đã xây dựng nhiều cơ chế để quản lý và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Trong đó có việc thành lập Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong quản lý thiên tai (AHA). Năm 2019, với sự hỗ trợ của người dân Brunei, chính phủ Philippines và Australia, Trung tâm AHA đã xây dựng “Làng ASEAN” tại đảo Palu, miền Trung Sulawesi, Indonesia với 75 ngôi nhà kiên cố. Đây là một phần hỗ trợ của ASEAN cho các nỗ lực phục hồi sau thảm họa của Chính phủ Indonesia do trận động đất và sóng thần gây ra năm 2018. Điều này phản ánh rõ ràng sự cam kết và hỗ trợ mạnh mẽ của các quốc gia thành viên và các đối tác đối thoại với ASEAN.

Làng ASEAN tại Palu, Indonesia đang trong quá trình hoàn thiện.

Làng ASEAN tại Palu, Indonesia đang trong quá trình hoàn thiện.

Bên cạnh đó, ASEAN cũng thành lập Nhóm đánh giá và ứng phó khẩn cấp (ERAT), xây dựng Hệ thống hậu cần khẩn cấp thiên tai cho ASEAN (DELSA) và Quy chế vận hành chuẩn mực cho các Hiệp định khu vực về Giảm nhẹ và Ứng phó khẩn cấp (SASOP). Những cơ chế này đã giúp huy động và phân phối nhanh chóng các mặt hàng cứu trợ cho các quốc gia bị ảnh hưởng thiên tai.

Để hỗ trợ cho việc thực hiện “Tuyên bố chung của ASEAN về một ASEAN, một phản ứng”, ASEAN đã thành lập Lực lượng đặc nhiệm chung (JTF) về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai ( HADR) để hỗ trợ các nỗ lực quản lý thảm họa bao gồm các yếu tố chính trị, quốc phòng, phúc lợi xã hội và y tế.

ASEAN đã chủ động hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan để xây dựng cơ chế bảo hiểm rủi ro thiên tai trong khu vực, trong đó có Chương trình Bảo hiểm Tài chính rủi ro thảm họa ASEAN (ADRFI). Chương trình này hiện đang xây dựng bảo hiểm chống lũ cho Myanmar và Lào, dự kiến sẽ được vận hành vào nửa cuối năm nay. Ngoài ra ASEAN thành lập Quỹ Bảo hiểm Rủi ro Thiên tai Đông Nam Á (SEADRIF) với sự cố vấn của Nhật Bản và Singapore. Đây là những cơ chế chính để ASEAN ứng phó với những thiệt hại kinh tế do thảm họa gây ra.

Hội nghị chuyên đề cấp cao về quản lý thiên tai ASEAN.

Hội nghị chuyên đề cấp cao về quản lý thiên tai ASEAN.

Tổng thư ký ASEAN nhấn mạnh, theo Tầm nhìn ASEAN 2025, ASEAN phấn đấu trở thành lãnh đạo toàn cầu trong quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp, dựa trên khả năng độc lập về mặt tài chính. Để làm được điều này, ASEAN cần áp dụng các cách tiếp cận sáng tạo hơn trong việc củng cố và đa dạng hóa các nguồn tài trợ, huy động sự hỗ trợ và hợp lực của người dân, xã hội và cả khu vực tư nhân. Ban thư ký ASEAN cam kết tiếp tục giúp đỡ và hỗ trợ các quốc gia thành viên tăng cường năng lực trong việc giảm thiểu rủi ro và ứng phó với thiên tai.

Trong hai ngày họp, đại diện từ các nước ASEAN và các nước đối thoại cũng như các diễn giả cấp cao từ nhiều tổ chức khác đã tham gia 6 phiên đối thoại của hội nghị chuyên đề cấp cao về quản lý thiên tai ASEAN, trong đó bàn về các vấn đề như các thảm họa phổ biến, chính sách thảm họa ở Đông Nam Á, hệ thống cảnh báo sớm và các hoạt động ứng phó thảm họa thông qua công nghệ tiên tiến, tăng cường khả năng phục hồi cộng đồng và quan hệ đối tác đa phương./.

Hương Trà/VOV-Jakarta

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/asean-nang-cao-nang-luc-quan-ly-thien-tai-trong-boi-canh-moi-1015220.vov