ASEAN không còn bối rối trước chủng Omicron

Từng là tâm dịch từ đầu năm 2020, Đông Nam Á từng bị chủng Delta đánh 'tan hoang' trong đợt dịch vừa rồi. Nhưng tỷ lệ tiêm chủng cao hơn, số người đã phơi nhiễm trước đây và chuyện người dân đã quen với sống chung với Covid lại là những yếu tố giúp khu vực tránh được cuộc khủng hoảng tồi tệ tái diễn trước chủng Omicron.

Vẫn tiếp tục mở cửa với du khách đến từ 63 nước trên thế giới, Thái Lan chỉ tái lập yêu cầu khách phải ở một đêm ở khách sạn do chính phủ chỉ định trong khi chờ kết quả xét nghiệm. Ảnh: AFP

Mọi thứ giờ đã khác…

Khi khủng hoảng Covid lên đỉnh điểm hồi tháng 7 vừa rồi ở Indonesia, RS Persahabatan – bệnh viện lớn thứ hai ở thủ đô Jakarta, chịu trách nhiệm điều trị cho bệnh nhân Covid-19, có hơn 250 người nhiễm. Bệnh viện đã quyết định đóng cửa, quay lưng lại với tất cả, trừ những trường hợp nghiêm trọng nhất.

Giờ đây, RS Persahabatan chỉ có hai bệnh nhân Covid và đã thu hẹp lại số giường bệnh điều trị Covid chỉ còn lại 20 giường.

Bác sĩ Erlina Burhan, 58 tuổi, trưởng khoa xung huyết của bệnh viện, không cho rằng cơn ác mộng hồi tháng 7 sẽ lặp lại với biến thể mới nhất Omicron. Dù rằng, Omicron có vẻ dễ lây lan hơn nhưng ít gây chết người hơn Delta.

Tiến sĩ Erlina nói với Straits Times: “Hồi tháng 7, chúng tôi đã không chuẩn bị cho việc Delta sẽ lây lan nhanh như vậy và mức độ tàn phá của chủng này. Mọi thứ giờ đã khác”.

Hơn 50 quốc gia đã báo cáo các trường hợp biến thể Omicron mà không có trường hợp tử vong nào liên quan đến chủng này. Nghiên cứu mới nhất từ Nam Phi tuần này cho thấy rằng những bệnh nhân bị nhiễm chủng mởi chỉ bị các triệu chứng nhẹ.

Các chuyên gia cho rằng không cần thiết phải áp dụng các biện pháp hạn chế du lịch mới.

Hôm đầu tuần 6-12, chính phủ của Tổng thống Joko Widodo đã đảo ngược kế hoạch tái lập các hạn chế đi lại và giãn cách xã hội trong kỳ nghỉ lễ cuối năm. Chẳng hạn như công suất phục vụ ăn uống trong không gian kín ở nhà hàng và các địa điểm công cộng khác.

“Đây là một quyết định khôn ngoan. Không có lý do gì để sợ hãi. Không có dấu hiệu cho thấy sự gia tăng các trường hợp nghiêm trọng”, Tiến sĩ Pandu Riono, nhà dịch tễ học tại Đại học Indonesia nói với Straits Times về quyết định mới của chính phủ Indonesia.

Tiến sĩ Pandu cho biết sự lây lan nhanh chóng của Delta và hơn một triệu liều vaccine được tiêm trên khắp đất nước mỗi ngày có nghĩa là một phần lớn dân số Indonesia đã có khả năng miễn dịch chống lại virus ở một chừng mực nào đó.

Ông tin tưởng rằng một loạt các nghiên cứu huyết thanh học của chính phủ với 22.000 người trên khắp Indonesia, sẽ kết thúc trong tháng này. Tiến sĩ Pandu nói có khả năng là một dân số xứ vạn đạo có kháng thể đối với virus Sars-Cov-2.

Không thể tiếp tục quyết sách chống dịch cũ

Kể từ khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố vào cuối tháng 11 rằng Omicron là “một biến thể đáng lo ngại”, các nhà hoạch định chính sách trong khu vực đã tăng cường thử nghiệm và sàng lọc. Nhưng có một điểm chung rất khác: Họ miễn cưỡng tái lập các hạn chế đi lại khắc nghiệt như đã thực hiện trong làn sóng bùng dịch thời gian qua.

Các nhà chức trách Malaysia cho biết hôm 9-12 rằng khách quốc tế đến nước này thông qua làn nhập cảnh dành cho những người tiêm chủng đầy đủ (VTL) sẽ phải thực hiện xét nghiệm hàng ngày trong 6 ngày liên tiếp.

VTL là sáng kiến nhập cảnh song phương dành cho du khách đã tiêm đầy đủ và không cần phải cách ly, với Singapore là nước tiên phong thực hiện. Đến nay, Singapore đã có 27 VTL như vậy, nhưng nước này tuyên bố sẽ đình hoãn việc mở rộng kế hoạch này với các nước Trung Đông gồm UAE (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất), Qatar và Saudi Arabia. Nhà chức trách Singaproe cũng sẽ yêu cầu xét nghiệm nhanh kháng nguyên từ các trung tâm được chỉ định vào ngày thứ ba và thứ bảy sau khi nhập cảnh.

Thái Lan đã quyết định đảo ngược các quy định chỉ trong vài tuần đã miễn kiểm dịch cho những du khách đã tiêm phòng vaccine trong khi họ chờ kết quả xét nghiệm PCR. Thay vào đó, chính phủ buộc du khách sẽ phải một lần nữa nghỉ ít nhất một đêm tại khách sạn cách ly trong khi chờ kết quả âm tính.

Ông Peter Mumford,nhà phân tích tại Singapore của hãng tư vấn phân tích rủi ro Eurasia Group, cho rằng: “Các quốc gia đang ở trong trạng thái ‘wait and see’. Những quốc gia đã mở lại biên giới vẫn tiếp tục mở cửa, nhưng họ đang tăng cường xét nghiệm và sàng lọc khách đến”.

Rõ ràng, chế độ “chờ đợi và xem” Omicron có thế gây tác động như thế nào là biện pháp câu giờ mà các nước đang thực hiện.

Bà Trinh Nguyễn, chuyên gia kinh tế tại Hồng Kông của ngân hàng đầu tư Pháp Natixis, cho biết sự xuất hiện của Omicron trên thực tế có thể là điềm báo tốt cho việc nới lỏng hơn nữa các hạn chế đi lại trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng được cải thiện và biến thể nhẹ hơn, những dễ lây lan hơn, giúp tăng số người có kháng thể tại ASEAN.

“Chúng ta đang bước vào năm 2022 với nhiều người được chủng ngừa hơn, các dịch vụ y tế linh hoạt hơn và một phiên bản nhẹ hơn của virus. Vì thế, tôi lạc quan”, nữ chuyên gia kinh tế phát biểu.

ASEAN sẽ quyết đoán và tiếp tục mở cửa?

Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng không đồng đều trong khu vực, khiến các nhà hoạch định chính sách khó coi Covid-19 là bệnh đặc hữu, chẳng hạn như sốt phát ban hoặc sốt vàng da.

Khoảng 180 triệu người Indonesia trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ, tức khoảng 2/3 dân số nước này. Ở Thái Lan, con số đó là 60%.

Indonesia đã mở rộng yêu cầu cách ly đối với khách du lịch đến 10 ngày, so với ba ngày trước đây. Chính phủ cũng đã khuyến cáo khoảng 4 triệu công chức của đất nước không nên đi du lịch trong những ngày nghỉ lễ.

Còn ông Mumford nhận định rằng: “Một số quốc gia Đông Nam Á chưa có mức tiêm chủng để xem Covid-19 là bệnh đặc hữu. Triển vọng hiện thời vẫn chưa chắc lắm”.

Nhưng một số chính phủ đã có những bước đi quyết đoán và chắc chắn. Thủ tướng Lý Hiển Long tuyên bố Singapore sẽ tiếp tục mở cửa, không thực hiện những cú “quay đầu”. Malaysia và Indonesia đang nỗ lực mở lại hai đường bay Kuala Lumpur – Jakarta và Kuala Lumpur – Denpasar (Bali) theo thể thức VTL. Về lý thuyết thì Bali đã mở cửa từ hôm 8-11, nhưng vắng bóng các hãng bay và du khách quốc tế.

Từ một trong những nước bị tụt hậu về tiêm chủng và chịu nhiều tổn thất do Covid-19 gây ra, Campuchia là nước ASEAN đầu tiên mở cửa mà không cần cách ly đối với du khách các nước trên thế giới. Nếu so với Thái Lan và Singapore mở cửa khá chọn lọc và quản lý chặt chẽ, thì quyết định của Campuchia là dũng cảm và đột phá.

Chưa đánh giá hết tác động của chủng Omicron vào thời điểm này, nhưng có một điều chắc chắn là Campuchia đang hưởng lợi. Các đường bay quốc tế đến đất nước này từ hôm 15-11 đến nay thuộc loại nhộn nhịp hàng đầu khu vực.

Phản ứng của ASEAN trước biến chủng OmicronCác nước ASEAN cấm nhập cảnh đối với khác đến từ 10 nước khu vực phía Nam châu Phi, riêng Campuchia đã gỡ lệnh này từ 6-12.Malaysia đóng băng các kế hoạch nhập cảnh không cách ly (VTL) với các nước có nhiều ca nhiễm Omicron.Singapore siết chặt quy định xét nghiệm với khách nhập cảnh, đóng băng kế hoạch mở cửa cho du khách từ UAE, Saudi Arabia và Qatar.Indonesia hai lần tăng số ngày cách ly: Đầu tiên từ 3 ngày lên 7 ngày, rồi từ ngày 2-12 tăng lên thành 10 ngày.Thái Lan tái lập quy định bắt du khách phải ở khách sạn chỉ định trong ngày đầu tiên nhập cảnh trong khi chờ kết quả xét nghiệm.

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/asean-khong-con-boi-roi-truoc-chung-omicron/