APEC: Mô hình lý tưởng cho hệ thống một cửa

Ngày 17/8/2017, tại thành phố Hồ Chí Minh diễn ra “Hội thảo về cơ chế một cửa” do Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ chủ trì tổ chức cùng với Ban thư ký APEC và Hải quan Việt Nam.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo. Ảnh: Thanh Thủy

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh cho biết Hải quan Việt Nam rất vinh dự khi được đồng chủ trì tổ chức hội thảo này cùng với Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ và Ban Thư ký APEC.

Trong bối cảnh khối lượng giao lưu thương mại khu vực và quốc tế gia tăng đáng kể trong thời gian qua và nhu cầu tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại quốc tế, các nước đều nhận thấy rằng các thủ tục hành chính và yêu cầu quản lý khác nhau giữa các cơ quan chính phủ dẫn đến việc doanh nghiệp phải xuất trình các dữ liệu và thông tin thương mại nhiều lần, mất nhiều thời gian và chi phí, làm giảm hiệu quả kinh doanh. Trong bối cảnh đó, cùng với nhiều nền kinh tế khác trên thế giới, các nền kinh tế APEC đã thể hiện quyết tâm áp dụng xử lý điện tử các chứng từ thương mại, nhằm giảm bớt gánh nặng này không chỉ đối với cộng đồng doanh nghiệp mà với cả các cơ quan quản lý. Cách tiếp cận một cửa là một trong những công cụ hiệu quả mà chúng ta cần có để đạt được mục tiêu trên.

Tuy nhiên, việc xây dựng cơ chế một cửa không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, mà đòi hỏi rất nhiều yếu tố: sự quan tâm chỉ đạo của các nhà lãnh đạo cấp cao, sự quyết tâm của các bên liên quan, đặc biệt là các cơ quan chính phủ và sự phối hợp của tất cả các chủ thể liên quan để đảm bảo quá trình này thành công.

Phó Tổng Cục trưởng Vũ Ngọc Anh đưa ra nhận định hội thảo này là một diễn đàn tốt để cho các thành viên chủ chốt trong quá trình này bao gồm: các cơ quan chính phủ với tư cách chủ thể chính; khu vực tư nhân: một đối tác quan trọng; cũng như các nhà phát triển công nghệ thông tin để chia sẻ kinh nghiệm thực hiện cơ chế một cửa đồng thời để tìm ra những cách mà chúng ta có thể thực hiện hiệu quả hơn để đẩy nhanh việc xây dựng và thực hiện cơ chế một cửa.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hải quan Việt Nam Vũ Ngọc Anh phát biểu khai mạc hội thảo sáng 17/8/2017. Ảnh: Thanh Thủy

Bên cạnh đó, với sự tham gia của các đại biểu và đồng nghiệp từ Hải quan các nền kinh tế APEC, các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, hội thảo sẽ là diễn đàn để chia sẻ những kinh nghiệm về các chủ đề xây dựng cơ chế một cửa, đảm bảo an ninh và chất lượng dữ liệu, cơ chế một cửa nhằm thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại và tăng tính cạnh tranh của các nền kinh tế, thách thức đối với doanh nghiệp trong việc thực hiện cơ chế một cửa và đề xuất giải pháp triển khai cơ chế một cửa bền vững.

Cũng tại hội thảo, đại diện của Hải quan Việt Nam, ông Vũ Văn Thành – Phó trưởng phòng, Phòng quản lý và vận hành Cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN, Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan, trình bày những kinh nghiệm có được trong việc xây dựng và triển khai cơ chế một cửa, kết quả đạt được cũng như mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, để xây dựng một cơ chế hiệu quả cần có những yếu tố như: Sự thống nhất về tư tưởng và ý chí chính trị từ cấp cao nhất của Chính phủ đến cấp độ điều hành; Sự chỉ đạo hiệu quả từ ban chỉ đạo với sự tham gia trực tiếp của lãnh đạo chính phủ và các bộ trưởng; Sự cam kết mạnh mẽ từ các cơ quan chủ trì cùng với sự tích cực tham gia của các bộ ngành. Thêm vào đó là hệ thống tự động hóa Việt Nam là thành phần cốt lõi cần phải chú trọng và phát triển; Cơ chế đầu tư linh hoạt với nguồn tài chính đầy đủ; Hoạt động đào tạo nâng cao năng lực và truyền thông. Bên cạnh đó, cần chú trọng triển khai và thí điểm hệ thống một cửa quốc gia tại những nơi có lượng xuất nhập khẩu ở mức trung bình để cải thiện hoạt động xuất nhập khẩu cũng như cải thiện hệ thống một cách toàn diện.

Chính vì thế Hải quan Việt Nam đã đạt được những kết quả khả quan khi giao dịch xuyên biên giới của Việt Nam đã được cải thiện 15 hạng (từ hạng 108 ở năm 2015 leo lên hạng 93 trong năm 2016); Đảm bảo được tính hiệu quả và hiệu lực trong quản lý nhà nước; Thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa và không thông qua nhiều giấy tờ cho giao dịch xuyên biên giới.

Cùng quan điểm với sự xây dựng hệ thống một cửa của Việt Nam, ông Sangwon Lim, viên chức ban kinh tế, Liên Hợp quốc, Uỷ ban Kinh tế và Xã hội châu Á và Thái Bình Dương đưa ra mô hình lý tưởng để triển khai thành công hệ thống một cửa. Theo đó, cần có 5 yếu tố quyết định bao gồm: Ý chí chính trị, sự phối hợp của các bên liên quan, khuôn khổ pháp luật, mô hình kinh doanh và vấn đề về kỹ thuật (dữ liệu, đường truyền,…). Như vậy mới đảm bảo được việc vận hành cơ chế một cửa một cách suôn sẻ và hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, những thử thách cũng được đưa ra trong quá trình triển khai hệ thống một cửa. Ông Sangwon Lim cho rằng có 6 nguyên nhân cần được khắc phục, gồm: Cam kết chính trị, lên kế hoạch, sự phối hợp liên ngành, khuôn khổ pháp luật, thay đổi trong quản lý và vấn đề kỹ thuật. Để có thể giải quyết và hạn chế các nguyên nhân trên, ông Lim gợi ý những công cụ để tạo thuận lợi trong việc triển khai hệ thống một cửa do UNNExt xuất bản như hướng dẫn về phân tích quá trình kinh doanh, hướng dẫn về hài hòa dữ liệu và mô hình, hướng dẫn pháp lý cho hệ thống một cửa điện tử và thương mại,…

Hội thảo ngày hôm nay được kỳ vọng sẽ mang lại kết quả đáng kể và những đóng góp thiết thực cho những nỗ lực của các nền kinh tế APEC để xây dựng và thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa quốc gia, hướng tới cơ chế một cửa khu vực.

Thanh Thủy

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/apec-mo-hinh-ly-tuong-cho-he-thong-mot-cua.aspx