Áp lực thời gian và chất lượng

Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7 tới đây. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ còn chưa đầy 4 tháng nữa để xây dựng, ban hành và trình Chính phủ ban hành một khối lượng văn bản hướng dẫn không hề nhỏ với nhiều nội dung mới và khó.

Ảnh minh họa/ITN

Cụ thể, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có 19 nội dung giao Chính phủ, 1 nội dung giao Thủ tướng và 82 nội dung giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định chi tiết.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang đề xuất ban hành 6 văn bản quy định chi tiết. Trong đó có 2 nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng và về chế độ tài chính của tổ chức tín dụng. Cùng với đó là 4 thông tư quy định về quỹ tín dụng nhân dân; ngân hàng hợp tác xã; cấp giấy phép và tổ chức, hoạt động của tổ chức tài chính vi mô; và về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng.

Về các thông tư hướng dẫn thi hành luật thuộc chức năng nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này cũng dự kiến sửa đổi, ban hành mới hàng loạt văn bản về các nội dung: tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; tổ chức hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng tại Việt Nam; một số hoạt động nghiệp vụ của tổ chức tín dụng như bao thanh toán, thư tín dụng (L/C); phân loại tài sản có trong hoạt động của tổ chức tín dụng; về kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng…

Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ Sáu và Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội Khóa XV mới đây, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, các đơn vị trực thuộc đang khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 để bảo đảm kịp tiến độ đề ra. Đồng thời, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước xác nhận rằng, thời hạn để ban hành các văn bản quy định chi tiết và văn bản hướng dẫn thi hành rất gấp; số lượng văn bản cần ban hành mới, sửa đổi, bổ sung nhiều; khối lượng công việc lớn. Để bảo đảm tiến độ, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất Bộ Tư pháp xem xét áp dụng thủ tục ban hành một số văn bản theo thủ tục rút gọn để kịp thời triển khai Luật.

Không chỉ là tiến độ, điều quan trọng là các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 phải bảo đảm chất lượng và các yêu cầu mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ Sáu và Kỳ họp bất thường lần thứ Năm.

Đó là, tuyệt đối không để chồng chéo, phát sinh vướng mắc, điểm nghẽn, phát sinh quy trình, thủ tục, “giấy phép con” trái quy định trong tổ chức thực hiện. Đồng thời, chú ý các chính sách, quy định mới, có hiệu lực sớm hơn so với hiệu lực chung của luật; quy định chi tiết, hướng dẫn triển khai đối với các nội dung chuyển tiếp nhằm tạo cơ sở cho việc thực hiện thông suốt, thống nhất, tránh tạo khoảng trống pháp lý. Tiếp tục tăng cường phổ biến, giới thiệu các chính sách, nội dung của luật, nghị quyết và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp hiểu đúng, đầy đủ các quy định.

Với khối lượng công việc lớn, yêu cầu công việc cao như vậy, cơ quan soạn thảo các văn bản hướng dẫn có thể “tham khảo” kinh nghiệm hay của các Ủy ban Quốc hội, đó là mở rộng cửa mời gọi sự tham gia, thảo luận, ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, các bên liên quan. Đây vừa là tiến trình truyền thông cho các nội dung quy định mới; cũng đồng thời là cách huy động chất xám thiết thực nhất.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/ap-luc-thoi-gian-va-chat-luong-i362727/