Áp lực sản xuất dư thừa đè nặng doanh nghiệp Trung Quốc

Dù biết tình trạng sản xuất dư thừa trong nước và sự dè chừng của phương Tây nhưng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc vẫn quyết tâm mở rộng kinh doanh. Sự dè chừng của Mỹ và châu Âu

Wang Rongshuo là nhà sáng lập công ty Công nghệ xanh Yangshuo (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc). Từ vài chục nhân viên, quy mô nhân sự công ty Wang đã tăng lên hàng trăm người ở trụ sở chính. Đó là chưa tính đến hàng nghìn công nhân mà Wang đã ký hợp đồng tại các công trường xây dựng khắp đất nước.

Sự tự tin đối với định hướng mở rộng kinh doanh đến từ việc Trung Quốc ưu tiên tăng trưởng trong lĩnh vực năng lượng mới, gồm xe điện, pin lithium-ion và tấm pin mặt trời – được gọi là "ba lĩnh vực mới". Trong bối cảnh hậu COVID-19 và các tranh chấp kinh tế song phương tác động lớn đến tăng trưởng, giới chức Trung Quốc cho rằng việc nuôi dưỡng "lực lượng sản xuất mới" là rất quan trọng.

"Đột phá công nghệ trong lĩnh vực năng lượng mới quan trọng với an ninh quốc gia của Trung Quốc", Wang nhận định.

Tình trạng dư thừa công suất

Năm 2020, công ty Wang lắp đặt tổng công suất 1,1 gigawatt, tương đương với 5,2 tỷ kWh điện tái tạo. Từ đó đến nay, con số này đã tăng lên 3,6 gigawatt, tương đương 102 tỷ kWh. Trên cả nước, Trung Quốc bổ sung gần 217 gigawatt công suất quang điện vào 2023, gấp gần 2,5 lần so với năm 2022 và chiếm hơn một nửa công suất quang điện mới thế giới. Những con số ấy vượt xa nhu cầu trong nước.

Một số người lo ngại "ba lĩnh vực mới" tăng trưởng không bền vững. Theo công ty nghiên cứu thị trường Rhodium Group (Mỹ), tỷ lệ sử dụng công suất tổng hợp của nền kinh tế Trung Quốc năm ngoái đã giảm xuống dưới 75%, lần đầu tiên kể từ năm 2016.

Giới chức gần đây thừa nhận "dư thừa công suất ở một số ngành" là thách thức kinh tế lớn cần giải quyết năm nay. Arnold Dou, một kỹ sư kỳ cựu ngành năng lượng mới dự báo nhiều doanh nghiệp sẽ sụp đổ trong 1-2 năm tới. "Vốn, công nghệ và nhân tài đang đổ vào các ngành này. Trong khi nhận được sự thúc đẩy lớn và đạt được sự tiến bộ nhanh chóng, sự cạnh tranh đặc biệt khốc liệt cũng đang diễn ra", ông nói.

Trước áp lực khó tiêu thụ hết trong nước, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tìm ra thị trường quốc tế. "Nhiều công ty sẽ tiếp tục đầu tư và khám phá thêm thị trường. Nếu không, họ sẽ khó tồn tại nếu chỉ dựa vào thị trường nội địa", Wang giải thích. Ông có kế hoạch đến Mexico năm nay.

Sự dè chừng của Mỹ và châu Âu

Khi giải tỏa áp lực tiêu thụ ra nước ngoài, Bắc Kinh phải đối mặt với chỉ trích từ Mỹ và Liên minh châu Âu, lo ngại rằng các doanh nghiệp Trung Quốc đang xả hàng giá rẻ. "Thực tế ấy đặt Trung Quốc, EU và Mỹ vào tình thế đối đầu thương mại nguy hiểm năm 2024, với khả năng cao xảy ra các trường hợp hành động phòng thủ thương mại", các nhà phân tích của Rhodium lập luận.

Cuối tháng 2, Tổng thống Joe Biden tuyên bố Washington đang thực hiện "hành động chưa từng có" trước diễn biến này. "Các chính sách của Trung Quốc có thể khiến xe điện của họ tràn ngập thị trường chúng ta, gây rủi ro an ninh quốc gia", ông nói.

Nhà phân tích He Weiwen chỉ ra rằng thuế quan áp lên các sản phẩm của Trung Quốc kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bắt đầu vào năm 2018 có tác động hạn chế đến hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Nhưng các động thái ngăn chặn công nghệ dưới thời chính quyền Biden đã giáng tiếp một đòn mạnh hơn nữa.

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố trong một bài phát biểu tranh cử hồi đầu tháng rằng ông sẽ áp thuế 100% với ôtô Trung Quốc sản xuất tại Mexico và nâng nhiều mức thuế lên tới 60% đối với các sản phẩm của Trung Quốc nếu ông tái đắc cử. "Trung Quốc vẫn cần áp dụng chiến thuật phòng ngừa thách thức nếu Trump quay lại nắm quyền", ông He Weiwen nói.

Trong động thái mới nhất, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã đáp máy bay đến Trung Quốc hôm 3/4. Chuyến thăm thứ hai của bà Yellen tới Trung Quốc diễn ra đến ngày 9/4. Bà sẽ ghé nhà máy phía nam và trung tâm xuất khẩu Quảng Châu trước khi đến Bắc Kinh.

Một quan chức Bộ Tài chính Mỹ nói rằng trong chuyến đi này, bà Yellen sẽ "làm rõ những hậu quả kinh tế toàn cầu" do tình trạng dư thừa năng lực công nghiệp của Trung Quốc đang gây thiệt hại cho các nhà sản xuất ở Mỹ và các công ty trên khắp thế giới.

Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ nói sự hỗ trợ của chính phủ đối với giới doanh nghiệp Trung Quốc đã dẫn đến "đầu tư quá mức đáng kể" vào thép, nhôm và gần đây là năng lượng mặt trời, xe điện và pin lithium-ion. Theo bà, điều này đã bóp méo giá cả và mô hình sản xuất, gây tổn hại cho người lao động ở Mỹ, EU và các nền kinh tế khác.

Phía EU đang điều tra liệu ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc có được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp không công bằng hay không. Margrethe Vestager, Ủy viên cạnh tranh của EU, cho biết khối này "hoàn toàn sẵn sàng" sử dụng công cụ thương mại để đối phó với cạnh tranh không lành mạnh.

Rhodium cảnh báo mất cân bằng trong sản xuất của Trung Quốc cũng có thể dẫn đến phản ứng từ nhiều quốc gia hơn như Mexico và Brazil nếu tình trạng này tiếp diễn. Tuy nhiên, Zha Daojiong, Giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Bắc Kinh nói "sẽ là không khôn ngoan nếu Trung Quốc bắt chước chính sách của Mỹ hoặc EU với nước này", tức ăn miếng trả miếng.

Một giám đốc lĩnh vực bán dẫn tin Trung Quốc có thể chống lại áp lực bên ngoài hiệu quả hơn nếu có thể tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo trong tổng mức tiêu thụ năng lượng. "Đối với ngành năng lượng mới của Trung Quốc, điểm cất cánh sẽ là khi tất cả mắt xích trong chuỗi công nghiệp đều đủ rẻ, khi đó Trung Quốc sẽ thiết lập được lợi thế tuyệt đối", người này nói.

Công ty cung cấp dữ liệu và phân tích về chuyển đổi năng lượng toàn cầu Wood Mackenzie ước tính chi phí sản xuất năng lượng mặt trời của Trung Quốc đã giảm mạnh 42% vào năm ngoái, lớn hơn nhiều Ấn Độ, châu Âu và Mỹ. "Nếu việc triển khai năng lượng mới của Trung Quốc có thể đáp ứng nhu cầu quốc gia trong 10 đến 15 năm tới, cần gì lo lắng áp lực bên ngoài", Wang nói.

Bảo Long/SCMP

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/ap-luc-san-xuat-du-thua-de-nang-doanh-nghiep-trung-quoc-d47552.html