Áp lực khử carbon khiến 1/4 nhà máy lọc dầu trên toàn cầu có nguy cơ đóng cửa

121 trong số 465 nhà máy lọc dầu trên thế giới nằm trong danh sách đánh giá của hãng tư vấn năng lượng Wood Mackenzie đứng trước nguy cơ đóng cửa vào cuối thập niên này. Biên lợi nhuận suy yếu và chi phí khử carbon tăng cao là những nguyên nhân chính khiến các nhà máy này không còn tính khả thi thương mại.

Nhà nhà máy lọc dầu Dangote ở Ibeju-Lekki, Nigeria vận hành thương mại vào đầu năm 2024. Nguồn cung mới từ nhà này có thể đe dọa hoạt động bán buôn xăng dầu từ châu Âu sang châu Phi trị giá 17 tỉ đô la mỗi năm, gây áp lực lên biên lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu ở châu Âu. Ảnh: Reuters

Áp lực đóng cửa vì biên lợi nhuận suy yếu

Theo báo cáo của Wood Mackenzie, công bố hôm 28-3, số nhà máy lọc dầu có nguy cơ đóng cửa nói trên chiếm 21,6% công suất lọc dầu toàn cầu vào năm 2023, tương đương 20,2 triệu thùng/ngày. Rủi ro đóng cửa được phân loại ở 3 mức thấp, trung bình và cao.

Châu Âu và Trung Quốc là nơi có nhiều nhà máy lọc dầu được đánh giá có “rủi ro đóng cửa cao” với công suất lọc dầu khoảng 3,9 triệu thùng/ngày. Báo cáo của Wood Mackenzie chỉ ra rằng, có 11 nhà máy lọc dầu có rủi ro đóng cửa cao ở châu Âu.

Khoảng 30 nhà máy lọc dầu châu Âu đóng cửa kể từ năm 2009. Hiện có khoảng 90 nhà máy lọc dầu vẫn đang hoạt động ở khu vực này.

Làn sóng đóng cửa diễn ra do sự cạnh tranh từ các nhà máy mới, hiện đại và hiệu quả hơn ở Trung Đông và châu Á cũng như tác động của đại dịch Covid-19.

Trong khi đó, tại Nigeria, nhà máy lọc dầu khổng lồ của tập đoàn công nghiệp Dangote vừa vận hành thương vào đầu năm nay. Sự xuất hiện của nhà máy này có thể chấm dứt hoạt động bán buôn xăng dầu từ châu Âu sang châu Phi trị giá 17 tỉ đô la mỗi năm. Điều đó sẽ gây áp lực lên các nhà máy lọc dầu ở châu Âu, vốn đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt. Nhà máy lọc dầu Dangote, có công suất lọc dầu 650.000 thùng/ngày nhưng không được đưa vào báo cáo của Wood Mackenzie.

Phân tích của Wood Mackenzie cho thấy, biên lợi nhuận từ hoạt động chế biến xăng dầu ở châu Âu dự kiến suy yếu vào cuối thập niên này. Nguyên nhân là do nhu cầu giảm và các biện pháp trừng phạt đối với ngành năng lượng của Nga dự kiến nới lỏng trong khi thuế carbon áp vào các ngành gây ô nhiễm bắt đầu có hiệu lực.

Theo Wood Mackenzie, ở các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), nhu cầu nhiên liệu vận tải sẽ bắt đầu giảm từ năm 2025. Việc Ủy ban châu Âu (EC) dừng cung cấp miễn phí các tín chỉ phát thải carbon cho các ngành gây ô nhiễm trong thời gian tới cũng sẽ ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu trong khu vực.

Emma Fox, nhà phân tích hóa chất và dầu cấp cao của Wood Mackenzie, cho biết, với biên lợi nhuận suy giảm và áp lực khử canbon, chi phí vận hành của nhiều nhà máy lọc dầu ở châu Âu có thể tăng cao đến mức “đóng cửa có thể là lựa chọn duy nhất”.

Các nhà máy lọc dầu châu Á đứng trước áp lực khử carbon

Tại Trung Quốc, 7 nhà máy lọc dầu có nguy cơ đóng cửa cao đều là những nhà máy độc lập có quy mô nhỏ. Những nhà máy này đối mặt với các quy định quản lý khí thải nghiêm ngặt hơn của chính phủ và sự cạnh tranh từ các nhà máy lọc dầu tích hợp (kết hợp lọc dầu và sản xuất hóa chất) thường thuộc sở hữu của tập đoàn dầu khí nhà nước

Trung Quốc có 12 nhà máy lọc dầu được Wood Mackenzie đánh giá là có rủi ro đóng cửa thấp hoặc trung bình. Phần lớn các nhà máy này có lượng khí thải carbon cao và hiện không có kế hoạch đầu tư để giảm khí thải. Các nước ở khu vực châu Á dự kiến bắt đầu đánh thuế carbon đối với ngành công nghiệp gây ô nhiễm vào năm 2030.

Wood Mackenzie dự báo, nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh vào năm 2027 giữa lúc nước này đẩy mạnh nỗ lực điện hóa phương tiện giao thông đường bộ. Các nước không thuộc OECD sẽ tiếp tục ghi nhận nhu cầu dầu tăng trưởng sau năm 2030. Tuy nhiên, các nhà máy lọc dầu của họ sẽ không tránh khỏi tác động khi nhu cầu toàn cầu về nhiên liệu vận tải suy giảm.

Ở châu Á, bên ngoài Trung Quốc, có 23 nhà máy lọc dầu được đánh giá có rủi ro đóng cửa từ mức thấp đến trung bình. Nhật Bản chiếm đến 15 nhà máy trong số này. 4 nhà máy khác, nằm trải dài từ Hàn Quốc và Singapore, đối mặt rủi ro do chưa triển khai bất kỳ dự án khử cacbon nào. 4 nhà máy còn lại, nằm ở Đài Loan và Pakistan, dự kiến chứng kiến biên lợi nhuận gộp suy giảm vào năm 2030.

“Chi phí khử carbon đối với các nhà máy lọc dầu độc lập (chủ yếu tập trung vào hoạy động lọc dầu) có thể cao đến mức khiến nhiều cơ sở lọc dầu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương khó thể duy trì hoạt động. Khi thập niên nay trôi qua và áp lực giảm khí thải ngày càng gia tăng, các nhà khai thác nhà máy lọc dầu sẽ phải đưa ra một số quyết định khó khăn”, nhà phân tích Emma Fox nói.

Emma Fox cho biết thêm, các nhà máy lọc dầu độc lập sẽ là những địa điểm đầu tiên phải đối mặt với việc thoái vốn đầu tư hoặc đóng cửa.

Báo cáo của Wood Mackenzie kết luận, thuế carbon trong tương lai có thể chiếm một phần đáng kể trong chi phí vận hành của nhà máy lọc dầu. Do đó, những cơ sở lọc đầu đầu tư mạnh mẽ cho chiến lược khử carbon có thể cải thiện đáng kể khả năng cạnh tranh.

Theo woodmac.com, Reuters

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ap-luc-khu-carbon-khien-1-4-nha-may-loc-dau-tren-toan-cau-co-nguy-co-dong-cua/