Áp lực giá tiêu dùng đang gia tăng

Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC vừa công bố số liệu thương mại tại thị trường châu Á.

Trong đó, đáng lưu ý hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm mạnh 10% trong tháng 9. Bên cạnh đó, sự cố chuỗi cung ứng có liên quan đến Samsung bị gián đoạn và bộ máy công nghiệp có thể sẽ có tác động đến số liệu tăng trưởng Hàn Quốc trong vài tháng tới.

Áp lực giá tiêu dùng đang gia tăng ở nhiều nước. Đặc biệt, CPI ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Phillippines cao hơn mức kỳ vọng, nguyên nhân do giá thực phẩm tăng cao. Điều đáng lưu ý lần đầu tiên kể từ năm 2012, chỉ số giá sản xuất PPI của Trung Quốc đã tiến đến ngưỡng dương, thể hiện giá cả hàng hóa tăng cao. Giá dầu đã tăng 14% trong tháng qua cùng với tỷ giá hối đoái yếu có thể khiến giá tăng trong những tháng tới.

Thị trường tập trung vào số liệu tăng trưởng GDP của Trung Quốc dự báo sẽ tăng 6,7%. Ở Singapore, tăng trưởng kinh tế bất ngờ giảm 4,1% so với quý trước với nguyên nhân chính là do sản xuất. Việc sụt giảm mạnh này khiến nhiều chuyên gia phải điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của Singapore.

Từ nay đến cuối năm 2016, chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ cho tăng trưởng. Vừa qua, các ngân hàng trung ương ở Singapore và Hàn Quốc vẫn giữ nguyên chính sách. MAS cố gắng không tái tập trung lãi suất chính sách dù GDP đã giảm mạnh. Trong khi Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã viện dẫn những vấn đề nợ hộ gia đình mới quay trở lại dự kiến cắt giảm lãi suất đến cuối năm 2016.

Ở những nơi khác, Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC dự báo cắt giảm lãi suất sẽ diễn ra trong quý này ở New Zealand, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Đài Loan và Thái Lan. Trong khi đó, Trung Quốc dự kiến sẽ cắt 50 điểm phần trăm tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Trong khi đó, tại Việt Nam Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC nhận định năm nay nền kinh tế phải gánh chịu đợt hạn hán tệ nhất trong 10 năm qua gây ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp. Hiện tại, nhiều tín hiệu cho thấy mức độ ảnh hưởng do đợt hạn hán này đã giảm nhẹ và hỗ trợ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp diễn ra bình thường, cũng như tạo nhân công việc làm và việc tiêu thụ ở khu vực nông thôn. Điều này cùng với dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam tiếp tục mạnh có thể tạo điều kiện thuận lợi giúp nền kinh tế hoàn thành nhiệm vụ tăng trưởng của quý IV-2016.

Ngoài ra, một khảo sát mới của NHNN cũng biểu thị các điều kiện kinh doanh thuận lợi đã kích thích nhu cầu tín dụng và tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đã chạm mức 22%, cao hơn mức mục tiêu đề ra 18-20%.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã hồi phục trong quý III với mức tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước (mức tăng trưởng các quý đầu năm chỉ đạt 5,6%).

Lạm phát toàn phần của tháng 9 đã tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái do giá lương thực thực phẩm và xăng dầu tăng cao. Vào ngày 20-8 giá bán lẻ gas cũng tăng 5-7%, xăng RON92 tăng 4,6%, xăng E5 tăng 6,8% trong khi giá dầu diesel tăng 2%. Các mức tăng giá xăng dầu này sẽ ảnh hưởng đến chỉ số lạm phát tháng 9.

Bên cạnh đó, năm học mới vừa bắt đầu cũng đã khiến cho chi phí giáo dục tăng khi một vài tỉnh thành đã điều chỉnh tiền học phí để áp dụng với nghị định chính phủ đã ban hành trong năm ngoái.

T.Quang

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161028/chau-a-ap-luc-gia-tieu-dung-dang-gia-tang.aspx