Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị cà phê và lúa

Ngày 27-3, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Viện Quản lý Nước Quốc tế đã công bố một sáng kiến chung nhằm hỗ trợ các hộ nông dân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Cần Thơ, Đắk Lắk và Sơn La áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị cà phê và lúa.

Ở Việt Nam, sản xuất lúa gạo đóng góp 19% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn quốc. Những khí thải này xuất phát từ các yếu tố khác nhau như phá rừng, việc sử dụng mật độ phân bón và nước tưới càng ngày càng tăng, và việc quản lý không tốt các sản phẩm phụ như rơm và vỏ trấu. Trong khi đó, việc phá rừng để trồng cà phê cũng gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường. Để giải quyết những vấn đề này, kinh tế tuần hoàn là một phương pháp tiếp cận nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến hệ sinh thái nông nghiệp và cải thiện hiệu suất kinh tế.

Sáng kiến cũng sẽ xác định và lan rộng các giải pháp tuần hoàn liên quan đến chất thải nông thôn và chất thải đô thị tại các địa điểm được lựa chọn thông qua các khóa đào tạo thực tiễn tăng cường năng lực cho 200 nhóm nông dân. Thêm vào đó, các mô hình kinh doanh tiềm năng sẽ được chọn để xác định những khó khăn và tìm ra các giải pháp tuần hoàn phù hợp.

Xã viên HTX Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột thu hoạch cà phê chất lượng cao. Ảnh: KIỀU BÌNH ĐỊNH

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho biết: Áp dụng nguyên tắc tuần hoàn trong nông nghiệp có tiềm năng giảm lượng khí thải carbon tại Việt Nam, giảm thiểu chất thải và đồng thời còn tạo ra thêm các cơ hội việc làm. Sáng kiến thử nghiệm này nằm trong khuôn khổ các công việc UNDP đang triển khai nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, carbon thấp và nông nghiệp tuần hoàn. Ngoài ra, sáng kiến cũng thúc đẩy sự tham gia của các hộ nông dân tại 3 tỉnh: Cần Thơ, Đắk Lắk và Sơn La.

QUANG DUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/ap-dung-mo-hinh-kinh-te-tuan-hoan-trong-chuoi-gia-tri-ca-phe-va-lua-770235