Áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng trong hoạt động xây dựng

Nguyên tắc áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong hoạt động xây dựng được quy định tại điều 3, Thông tư 18/2010/TT-BXD do Bộ Xây dựng ban hành.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Cụ thể như sau: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia bắt buộc áp dụng trong các hoạt động xây dựng, bao gồm: Khảo sát và thí nghiệm chuyên ngành Xây dựng; quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị; lập và thẩm định dự án đầu tư xây dựng; thiết kế, thi công và nghiệm thu công trình xây dựng; sản xuất, xuất nhập khẩu và lưu thông sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng.

Tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn xây dựng nước ngoài được áp dụng trong hoạt động xây dựng theo nguyên tắc tự nguyện, ngoại trừ các tiêu chuẩn được trích dẫn trong quy chuẩn hoặc văn bản quy phạm pháp luật. Việc áp dụng tiêu chuẩn phải đảm bảo các yêu cầu sau:

Đảm bảo tính đồng bộ và tính khả thi của hệ thống các tiêu chuẩn được áp dụng cho dự án trong toàn bộ quá trình khảo sát, thí nghiệm, thiết kế, sản xuất và chế tạo, thi công và nghiệm thu công trình xây dựng; Phải phù hợp với các yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng và các lĩnh vực khác có liên quan theo quy định của pháp luật; Trong trường hợp chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn xây dựng nước ngoài phải phù hợp với yêu cầu được nêu trong các tiêu chuẩn quốc gia bắt buộc áp dụng do các bộ, ngành quy định.

Đối với dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, ưu tiên sử dụng các tiêu chuẩn quốc gia. Trong trường hợp chưa có tiêu chuẩn quốc gia, người quyết định đầu tư có thể xem xét, chấp thuận tiêu chuẩn nước ngoài.

Trước năm 1990 các tiêu chuẩn Việt Nam nói chung và tiêu chuẩn xây dựng ban hành đều ở dạng hình thức bắt buộc áp dụng; Trong đó, các tiêu chuẩn chuyên ngành về xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ký ban hành và đăng ký mã số vào hệ TCVN. Các tiêu chuẩn về vật liệu xây dựng do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ký ban hành thành TCVN. Ngoài ra, Bộ Xây dựng còn ban hành các tiêu chuẩn ngành với ký hiệu 20 TCN.

Từ năm 1990 trở lại đây, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chuyển đa số các tiêu chuẩn Việt Nam sang loại tự nguyện áp dụng. Do đó, để đáp ứng yêu cầu quản lý các hoạt động xây dựng trong thời kỳ đổi mới và phù hợp với thông lệ quốc tế, Bộ Xây dựng đã xây dựng và ban hành quy chuẩn xây dựng Việt Nam là loại văn bản pháp quy kỹ thuật bắt buộc áp dụng; Còn các tiêu chuẩn chuyên ngành xây dựng chuyển ký hiệu thành TCXD, trong đó đa số các tiêu chuẩn xây dựng thuộc loại tự nguyện áp dụng, riêng các số tiêu chuẩn liên quan đến an toàn sinh mạng, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, số liệu điều kiện tự nhiên như: Khí hậu, thời tiết, địa chất, thủy văn, động đất… là bắt buộc áp dụng.

Tuy nhiên, hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật xây dựng của Việt Nam cũng bộc lộ một số bất cập như: Thiếu tính hệ thống, thiếu tính đồng bộ, chưa theo kịp với sự phát triển của khoa học công nghệ và thực tiễn… Vì vậy, việc đổi mới hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng Việt Nam là hết sức cần thiết và cấp bách.

Ngày 09/02/2018, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 198/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng (Đề án 198).

Đến thời điểm này, Bộ Xây dựng đã hoàn thành giai đoạn 1 của Đề án 198. Trong năm 2020, Bộ Xây dựng tiếp tục triển khai Đề án 198 theo đúng các nội dung tại Quyết định 198/2018/QĐ-TTg. Các bộ, ngành sẽ soạn thảo và xây dựng mới các quy chuẩn, tiêu chuẩn theo định hướng.

Riêng Bộ Xây dựng, trong năm 2020 dự kiến sẽ soát xét và xây dựng mới khoảng 71 TCVN; soát xét, bổ sung, chỉnh sửa các quy chuẩn như: QCVN 02 về số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng (thay thế QCVN 02:2009/BXD); QCVN 18 về an toàn trong xây dựng (thay thế QCVN 18:2014/BXD); QCVN 12 về hệ thống điện của nhà ở và nhà công cộng (thay thế QCVN 12:2014/BXD) và một số quy chuẩn khác.

Đức Cương

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/ap-dung-he-thong-tieu-chuan-quy-chuan-ky-thuat-xay-dung-trong-hoat-dong-xay-dung-294033.html