Ánh sáng ban đêm ảnh hưởng thế nào tới thiên nhiên và con người?

Các nhà khoa học đã phát hiện ra ánh sáng nhân tạo vào ban đêm tác động đến quá trình trao đổi chất của cơ thể con người, gây rối loạn giấc ngủ, béo phì, tiểu đường, thậm chí còn gia tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư.

Tiếp xúc nhiều với ánh sáng ban đêm khiến đồng hồ sinh học cơ thể bị đảo lộn. Ảnh:DM

Ánh sáng nhân tạo ban đêm kéo theo nhiều hệ lụy

Ánh sáng nhân tạo ban đêm phá vỡ chu kỳ tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến con người và muôn loài. Cường độ của ánh sáng nhân tạo trong nhà và ngoài trời vào ban đêm (ALAN) mang tính hai mặt. Trước tiên, nó tác động tiêu cực đến nhịp sinh học của con người và động thực vật.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra ánh sáng nhân tạo vào ban đêm tác động đến quá trình trao đổi chất của cơ thể con người, gây rối loạn giấc ngủ, béo phì, tiểu đường, thậm chí còn gia tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư.

Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) mới đây cảnh báo, ALAN đáng lo ngại đối với những người làm ca đêm, như y tá hay tiếp viên hàng không. Nó làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động sinh sản của các loài động vật từ san hô đến giun dế.

Trên biển, ánh sáng ban đêm đe dọa cả tính mạng những chú rùa biển mới nở, khiến chúng mất phương hướng, dễ gặp phải những kẻ săn mồi trước khi xuống nước. Ánh sáng ban đêm còn khiến các loài chim di cư lạc lối và va chạm với các vật thể được chiếu sáng dẫn đến tử vong.

Ngay cả thực vật cũng bị ảnh hưởng, làm xáo trộn thời gian thụ phấn, ra hoa và rụng lá. Quá trình thụ phấn còn bị gián đoạn bởi côn trùng ban đêm. "Thực vật và động vật - kể cả con người - đều có đồng hồ sinh học, việc tiếp xúc với ALAN sẽ gây ra nhiều thiệt hại cho những chiếc đồng hồ bên trong này", Giáo sư Noam Levin ở Đại học Do Thái (Israel), thành viên nghiên cứu của IARC, cho hay.

Tắt đèn trong Giờ Trái đất là việc làm thiết thực. Ảnh: Oright.inc

Hơn 80% dân số thế giới sống trong ô nhiễm ánh sáng

Theo nghiên cứu của Đại học Tel Aviv (TAU), ALAN gây ra "ô nhiễm ánh sáng" che khuất bầu trời đêm. Ước tính, hơn 80% dân số thế giới sống trong ô nhiễm ánh sáng và tỷ lệ này tăng thêm 5% mỗi năm. Lần đầu tiên khoa học phát hiện ra ô nhiễm ánh sáng là đầu thập niên 70 thế kỷ trước khi nó đe dọa khả năng quan sát bầu trời vào ban đêm.

Ánh sáng nhân tạo vào ban đêm là một vấn đề trong nhiều năm nhưng kể từ năm 2014, khi 3 nhà khoa học Nhật Bản chia nhau giải Nobel về phát minh ra bóng đèn LED (điốt phát sáng) màu xanh lam, thì chủ đề này lại càng được dư luận quan tâm hơn.

Theo TAU, đèn LED tiết kiệm năng lượng tới 90% so với bóng đèn sợi đốt, đèn huỳnh quang hoặc halogen nhưng chúng lại tàn phá sức khỏe mạnh hơn. Khi các tế bào cảm quang - tế bào hạch - trong mắt chúng ta tiếp xúc với ánh sáng xanh, não của chúng ta sẽ hiểu được bây giờ là ban ngày.

Điều này ảnh hưởng đến việc tiết ra hormone melatonin chi phối nhiều quá trình của cơ thể. Trong bệnh viện, ánh sáng rực rỡ vào ban đêm giúp nhân viên y tế luôn tỉnh táo, nên bóng đèn LED đã được sử dụng tối đa. Tin tốt là so với các loại ô nhiễm khác, ô nhiễm ánh sáng tương đối dễ xử lý vì nó không tồn tại trong không khí hoặc nước nên có thể quản lý bằng nhiều cách.

10 cách giảm tác động tiêu cực của ALAN

- Ra ngoài trời nắng hàng ngày nếu có thể. Nhịp sinh học của cơ thể phụ thuộc vào việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời vào ban ngày không kém gì bóng tối vào ban đêm.

- Để giảm tiếp xúc với ánh sáng xanh ban đêm, hãy mua bóng đèn LED "màu trắng ấm" hoặc màu vàng. Tìm hiểu kỹ về CCT (tức nhiệt độ màu tương quan) trên hộp; chọn CCT thấp (ấm hơn) là 2.700 hoặc 3.000 Kelvin.

- Đừng mua bóng đèn sáng hơn mức cần. Ánh sáng dịu hơn là đủ cho hầu hết các thiết lập trong nhà.

- Thay vì đèn LED quả cầu ngoài trời hay đèn đường chiếu sáng hướng lên trên, các cá nhân và cộng đồng nên chọn đèn LED 2.700 CCT hướng xuống dưới.

- Nếu sống ở nơi có đèn đường sáng, hãy lắp rèm che sáng trên cửa sổ phòng ngủ để tránh làm phiền giấc ngủ.

- Loại bỏ đèn LED nhỏ phát ra từ các thiết bị điện tử như đồng hồ, bộ sạc và máy tính bảng trong phòng ngủ của bạn.

- Nếu đọc sách giấy trước khi đi ngủ, hãy sử dụng ánh sáng vàng ấm để chiếu sáng. Nếu bạn đọc sách điện tử, hãy đặt màn hình ở chế độ ban đêm và chọn màu vàng hoặc cam - hoặc đơn giản là không nhìn vào màn hình một hoặc hai giờ trước khi đi ngủ.

- Đừng để đèn sáng suốt đêm trong nhà. Nếu cần bật đèn, hãy sử dụng công tắc điều chỉnh độ sáng hoặc đèn ngủ màu cam/đỏ.

- Tắt mọi đèn, trong nhà hay ngoài trời, khi không cần thiết. Nó giúp tiết kiệm điện và giúp duy trì nhịp sinh học tự nhiên.

Nguồn: Israel21c

Khắc Nam

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/anh-sang-ban-dem-anh-huong-the-nao-toi-thien-nhien-va-con-nguoi-20240329160927642.htm