Anh Phan Thế Vinh: Khởi nghiệp từ nghề mộc truyền thống

(ABO) Từ sự khéo tay, sáng tạo và dám nghĩ, dám làm cùng nhiệt huyết của tuổi trẻ, nỗ lực của bản thân, anh Phan Thế Vinh (sinh năm 1985, ấp Lương Phú B, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) đã phát huy thế mạnh của mình với nghề mộc truyền thống để khởi nghiệp. Từ nghề mộc truyền thống này, anh Vinh không chỉ thoát được cảnh khó khăn, mà kinh tế gia đình ngày một khấm khá.

Anh Phan Thế Vinh bên sản phẩm của mình làm ra.

Ngay từ khi còn nhỏ, anh Vinh được tiếp xúc với nghề mộc qua người thân, bạn bè và đam mê, yêu thích nghề mộc từ lúc đó. Anh Vinh cho biết, sau khi học xong trung học cơ sở, do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nên không thể theo học tiếp. Ba mẹ khuyên anh đi học nghề làm mộc để về sau có cái nghề tự nuôi bản thân.

Sau khi học xong nghề, anh xin ở lại làm công, vừa có thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình, vừa nâng cao tay nghề. Với tính cần cù, chịu khó và cùng với đôi bàn tay khéo léo của mình, anh Vinh thường được chủ các xưởng mộc giao làm những phần việc cơ bản khi đóng tủ, bàn, ghế, salon, giường… Vì thế, tay nghề của anh ngày càng nâng lên.

Năm 2010, anh Vinh lập gia đình, quyết định về quê lập nghiệp và mở một cơ sở sản xuất các mặt hàng mộc gia dụng để cải thiện cuộc sống gia đình. Khi mới hoạt động, quy mô cơ sở mộc còn nhỏ, lại thiếu vốn đầu tư mua dụng cụ, máy móc, thiết bị…, nên sản phẩm làm ra chủ yếu dựa trên những món đồ khách hàng ở địa phương đặt đóng.

Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, sự nỗ lực của bản thân, chịu khó tìm tòi, sáng tạo, anh Vinh đã vượt qua khó khăn, sản phẩm mộc của anh làm ra ngày càng có tiếng và được nhiều khách hàng gần xa ưa chuộng, lựa chọn.

Hơn 10 năm làm nghề mộc truyền thống, anh Vinh đã dành dụm được một số tiền và mạnh dạn đầu tư xây cất mới, mở rộng cơ sở sản xuất mộc của gia đình. Đồng thời, mua thêm các dụng cụ, máy móc… để phục vụ cho nghề làm mộc. Với bàn tay khéo léo của mình, mỗi tháng cơ sở sản xuất mộc của anh Vinh làm ra hàng chục sản phẩm như bàn, ghế, giường...

Sản phẩm gỗ của anh Vinh làm ra luôn đạt chất lượng cao, mẫu mã đa dạng, phù hợp với thị hiếu của nhiều người. Do vậy, sản phẩm đồ gỗ gia dụng của anh Vinh không chỉ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trên địa bàn, mà còn được nhiều cơ sở kinh doanh đồ gỗ trong và ngoài tỉnh tìm đến đặt hàng.

Anh Vinh cho biết: Ban đầu, do không có vốn nên việc mở cơ sở sản xuất mộc của tôi gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Phải làm gần 10 năm, tôi mới dành dụm được một số vốn đầu tư mua máy móc, tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo nhiều mặt hàng có mẫu mã đẹp, nhìn bắt mắt nên đã thu hút được khách hàng.

Hiện nay, việc sản xuất mộc của gia đình tôi đã ổn định. Ngoài người em trai, cơ sở còn tạo việc làm cho 1 - 2 thợ làm việc thường xuyên. Tôi mong muốn trong thời gian tới có điều kiện để mở rộng quy mô sản xuất và mở một cửa hàng trưng bày, bán các sản phẩm của cơ sở đã sản xuất.

Anh Vinh tỉ mỉ trong từng công đoạn.

Nhờ sự đầu tư đúng hướng và chăm chỉ làm ăn, đến nay cơ sở mộc của anh Vinh đã hoạt động ổn định. Với tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm, anh đã vượt khó, vươn lên, phát huy được nghề truyền thống; đồng thời, tạo việc làm cho lao động ở nông thôn. Có thể nói, anh Phan Thế Vinh là điển hình để khuyến khích thanh niên nông thôn khởi nghiệp từ nghề truyền thống, tạo việc làm tại chỗ, góp phần tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình cho lao động nông thôn.

SỚM MAI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202312/anh-phan-the-vinh-khoi-nghiep-tu-nghe-moc-truyen-thong-997921/