Ảnh hưởng của cuộc chiến Nga – Ukraine đến kinh tế thế giới và Việt Nam

Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã tác động mạnh đến cục diện chính trị thế giới và thay đổi một cách cơ bản trật tự an ninh châu Âu trong 3 thập kỷ qua, sau khi Liên Xô sụp đổ. Quan trọng không kém là một loạt biện pháp cấm vận cùng lúc trong nhiều lĩnh vực và chặt chẽ nhất từ trước tới nay mà Mỹ, châu Âu và một số nước khác đã ban hành để trừng phạt Nga. Các sự kiện này đã gây xáo trộn lớn trên thị trường tài chính, dầu khí và ngũ cốc thế giới; làm tăng lạm phát và giảm tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới. Việt Nam cũng chịu tác động của các ảnh hưởng này, nhưng cũng có thể tìm thấy cơ hội để phát triển.Điều quan trọng là Chính phủ, các hiệp hội doanh nghiệp và bản thân doanh nghiệp cần tìm hiểu về luật cấm vận của Mỹ và tiến hành thảo luận với đối tác Mỹ để tránh bị chế tài vì bị cáo buộc vi phạm các biện pháp cấm vận đối với NgaTheo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội quốc gia Anh (NIESR), cuộc chiến này sẽ làm GDP toàn cầu giảm ít nhất 1%, và tăng lạm phát thêm 3% trong năm nay. Nếu phương Tây cấm vận toàn bộ việc xuất khẩu dầu khí của Nga, tác động tiêu cực sẽ còn lớn hơn nhiều. Nói chung, kinh tế thế giới sẽ rơi vào tình trạng giảm phát, tạo khó khăn cho sự kinh doanh của các doanh nghiệp.nếu chiến sự không lan qua các nước thành viên NATO ở chung quanh Nga thì đến cuối năm nay mức cầu sẽ giảm vì kinh tế suy thoái, mức cung sẽ tăng vì giá dầu cao; như thế sẽ vãn hồi sự cân bằng cung – cầu trên thị trường thế giới và giá dầu sẽ giảm trở lại.Thời điểm này cũng là cơ hội rất tốt để Việt Nam có thể tăng cường xuất khẩu gạo và các loại nông phẩm sang thị trường EU – mỗi năm nhập khoảng 160 tỉ đô la lương thực và nhu cầu đang tăng. Vì cấm vận và vì người dân tự động tẩy chay hàng hóa Nga, EU đang cần có nguồn cung cấp ngũ cốc và nông phẩm thay thế.

Giá lúa mì Nga, Ukraine tăng 30%, giá gạo và nông phẩm Việt Nam cũng được hưởng lợi, nhưng cũng làm tăng giá lương thực cho người tiêu dùng.

Mức độ nghiêm trọng của tác động kinh tế do cuộc chiến Nga – Ukraine gây ra tùy thuộc vào khoảng thời gian và cường độ chiến tranh cũng như việc áp dụng chặt chẽ và lâu dài các biện pháp cấm vận. Cho tới nay, các biện pháp cấm vận của phương Tây nhằm cấm giao dịch với một số ngân hàng Nga, kể cả ngân hàng trung ương, cấm tiếp cận với hệ thống tài chính Mỹ, Anh, EU và loại Nga khỏi hệ thống thông tin giữa các ngân hàng (SWIFT); cấm bán cho Nga các mặt hàng công nghệ cao như linh kiện bán dẫn hay máy móc thiết bị thăm dò và sản xuất dầu khí; cấm giao dịch với các doanh nghiệp sản xuất vũ khí của Nga; cấm máy bay Nga bay qua không phận Mỹ, Canada và châu Âu (và ngược lại) ; và cấm vận Tổng thống Putin và một số đại gia thân cận với ông.

Mới đây, Mỹ đã cấm nhập dầu từ Nga (khoảng 8% lượng nhập dầu của Mỹ hàng năm). Anh cũng sẽ bỏ dần việc nhập dầu của Nga từ nay đến cuối năm (khoảng 4% lượng nhập dầu của Anh). Canada đã cấm nhập dầu của Nga nhưng lượng nhập rất ít nên không có ảnh hưởng gì. EU tuy không cấm nhập dầu khí Nga nhưng sẽ có kế hoạch giảm sự lệ thuộc vào nguồn cung này trong thời gian tới. Nói chung, việc cấm vận dầu của Nga hiện chỉ có một phần chứ không toàn diện; và vẫn còn khả năng phương Tây có thể tăng cường và nâng cấp cấm vận dầu và khí của Nga nếu chiến tranh kéo dài.

Hiện nay quan trọng là biện pháp cấm giao dịch với các ngân hàng lớn của Nga, kể cả ngân hàng trung ương. Nó sẽ gây trở ngại rất lớn trong việc chi trả thanh toán các dịch vụ buôn bán và đầu tư giữa Nga và các nước trên thế giới. Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp đã tránh giao dịch với đối tác Nga vì sợ liên lụy và dân chúng nhiều nước phương Tây tự động tẩy chay hàng Nga. Các sự kiện này góp phần làm giảm mức cung hàng hóa Nga cho thị trường thế giới.

Chiến tranh và cấm vận đã lập tức có tác động mạnh lên thị trường tài chính và kinh tế Nga và thế giới. Giá chứng khoán Nga lập tức giảm khoảng 50-90% làm thị trường chứng khoán đóng cửa liên tục nhiều ngày, đồng rúp mất giá rất mạnh so với đô la Mỹ; Ngân hàng Trung ương Nga tăng lãi suất cơ bản lên 20% và GDP Nga được tiên đoán sẽ giảm 7% (hay hơn nữa) và lạm phát tăng trên 20% trong năm nay.

Nếu cấm vận kéo dài, kinh tế Nga sẽ bị kiệt quệ, không thể phát triển và hiện đại hóa các ngành công nghiệp. Tuy GDP Nga chỉ bằng 1,5% nền kinh tế toàn cầu, Nga chiếm thị phần khá lớn trong thị trường một số mặt hàng quan trọng như dầu khí, ngũ cốc và vài khoáng sản chiến lược nên chiến tranh và cấm vận đã tạo ra sự khan hiếm và đẩy cao giá các mặt hàng này – qua đó tác động tiêu cực lên nền kinh tế thế giới.

Theo Viện Nghiên cứu kinh tế và xã hội quốc gia Anh (NIESR), cuộc chiến này sẽ làm GDP toàn cầu giảm ít nhất 1%, và tăng lạm phát thêm 3% trong năm nay. Nếu phương Tây cấm vận toàn bộ việc xuất khẩu dầu khí của Nga, tác động tiêu cực sẽ còn lớn hơn nhiều. Nói chung, kinh tế thế giới sẽ rơi vào tình trạng giảm phát, gây khó khăn cho việc kinh doanh của các doanh nghiệp.

Thị trường dầu khí

Việt Nam sẽ gặp vấn đề khó khăn nếu Mỹ, châu Âu cấm vận các doanh nghiệp dầu khí của Nga.

Nga sản xuất 11,3 triệu thùng dầu mỗi ngày, trong đó có 10 triệu thùng dầu thô; đứng thứ ba trên thế giới sau Mỹ (17,6 triệu thùng/ngày) và Ảrập Saudi (12 triệu thùng/ngày). Tuy nhiên, Nga xuất khẩu khoảng 7,8 triệu thùng/ngày, trong đó có khoảng 5 triệu thùng là dầu thô, đứng đầu thế giới. Nga cũng sản xuất 638 tỉ mét khối khí đốt mỗi năm, đứng thứ hai trên thế giới sau Mỹ; và xuất khẩu khoảng 200 tỉ mét khối. Trước khi Nga tấn công Ukraine, thị trường dầu và khí thế giới đã mất cân bằng vì mức cầu tăng khi kinh tế bắt đầu hồi phục, trong khi OPEC chậm trễ trong việc tăng sản xuất để đảo ngược quyết định cắt định mức sản lượng 10 triệu thùng/ngày trong năm 2020 khi dịch Covid-19 đang hoành hành. Dự báo OPEC sẽ sản xuất dưới 30 triệu thùng/ngày trong năm nay, thấp hơn sản lượng trong những năm trước Covid-19. Khi lượng xuất khẩu dầu từ Nga bị cắt giảm giá dầu đã nhảy vọt. Nếu phương Tây trực tiếp cấm vận toàn bộ dầu khí Nga thì thị trường thế giới sẽ giảm cung khoảng 5 triệu thùng/ngày từ Nga, tương đương với 5% tổng cầu toàn thế giới như hiện nay.

Trong tình hình hiện nay, rất khó có thể bù đắp sự thiếu hụt này. OPEC hiện có năng suất dư thừa khoảng 4 triệu thùng/ngày, tập trung ở Ảrập Saudi và một phần ở UAE. Tuy nhiên hai nước Trung Đông này (là đầu tàu của OPEC) chỉ sử dụng năng suất dư thừa của mình khi tình hình rất căng thẳng trên thị trường dầu và chưa bao giờ dùng hết năng suất dư thừa đó. Hơn nữa hai nước này cũng không muốn tăng sản lượng dầu thô nhanh và nhiều như Mỹ và châu Âu yêu cầu vì không muốn tỏ thái độ bất thân thiện với Nga. Iran cũng có khả năng tăng xuất khẩu khoảng 500.000 thùng/ngày nếu hiệp ước dừng phát triển vũ khí hạt nhân được thỏa thuận – nhưng điều này không có gì chắc chắn.

Mỹ sản xuất 11,5 triệu thùng dầu thô/ngày và có thể tăng sản lượng, nhưng phải đến năm 2023 mới lên mức 12,6 triệu thùng/ngày. Trước mắt, vì mức cầu trong nước tăng nên Mỹ sẽ tiếp tục nhập ròng dầu thô, khoảng 4 triệu thùng/ngày; trong khi xuất ròng sản phẩm dầu cũng khoảng 4 triệu thùng/ngày nên không giúp được gì nhiều trong tình trạng mất cân bằng trên thị trường thế giới.

Việc Mỹ, Anh và Canada cấm nhập dầu từ Nga đã đẩy giá dầu lên trên 125 đô la Mỹ/thùng so với 90 đô la/thùng trước khi có chiến tranh. Nếu biện pháp cấm vận dầu khí Nga được nâng cấp thành toàn bộ, giá dầu có khả năng tăng lên 150-200 đô la/thùng. Tuy nhiên, nếu chiến sự không lan qua các nước thành viên NATO ở chung quanh Nga thì đến cuối năm nay mức cầu sẽ giảm vì kinh tế suy thoái, mức cung sẽ tăng vì giá dầu cao; như thế sẽ vãn hồi sự cân bằng cung – cầu trên thị trường thế giới và giá dầu sẽ giảm trở lại.

Giá dầu tăng cao có ảnh hưởng phức tạp đối với Việt Nam. Dầu tăng giá thì có lợi cho xuất khẩu dầu thô của Petrovietnam, nhưng lợi ích này kể cả việc tăng thu ngân sách ngày càng giảm đi. Lượng dầu thô xuất khẩu từ Việt Nam có khuynh hướng giảm trong 10 năm qua, từ 267.000 thùng/ngày trong năm 2009 xuống 113.000 thùng/ngày trong tháng 12-2020. Trong khi đó, Việt Nam cũng phải nhập dầu thô và sản phẩm từ lọc dầu với kim ngạch nhập khẩu trong năm 2021 là 9,4 tỉ đô la, nên nhập siêu về dầu là 6,3 tỉ đô la.

Nói chung, giá dầu tăng trên thị trường thế giới sẽ gây nhiều thiệt hại cho Việt Nam, kéo giá nhiên liệu tăng lên, tăng chi phí sản xuất và phân phối nhiều mặt hàng của các doanh nghiệp và chi phí tiêu dùng của người dân (chi phí xăng dầu chiếm 3,5% tổng chi phí sản xuất trong kinh tế Việt Nam). Với Việt Nam, nếu giá nhiên liệu tăng 10% thì GDP giảm 0,5% và lạm phát tăng 0,3%.

Ngoài ra, Việt Nam sẽ gặp vấn đề khó khăn nếu Mỹ, châu Âu cấm vận các doanh nghiệp dầu khí của Nga. Từ trước tới nay, Chính phủ Mỹ đã nhiều lần mở rộng phạm vi cấm vận lên các cá nhân hay doanh nghiệp ở nước thứ ba (không phải là Mỹ hay nước bị cấm vận) – thực chất là áp dụng luật lệ Mỹ ngoài lãnh thổ của Mỹ (extraterritoriality). Luật CAATSA 2017 (Countering America’s Adversaries Through Sanctions Act) đã cung cấp cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc áp dụng cấm vận ngoài lãnh thổ Mỹ. Việt Nam liên doanh với Nga trong Vietsovpetro (Petrovietnam 51% – Zarubezhneft 49%) nên có thể bị cáo buộc là tiếp tục giao dịch với doanh nghiệp Nga bị cấm vận; như thế là vi phạm luật cấm vận của Mỹ. Việt Nam vì thế cần tham khảo tư vấn pháp lý chuyên môn ở Mỹ để tìm hiểu và chuẩn bị đối phó với tình huống này.

Một tác động phụ của việc tăng giá dầu khí là đẩy giá các hóa chất rút từ dầu thô, như naptha là nguyên liệu thông dụng để chế tạo resin dùng làm các vật dụng nhựa. Việt Nam chỉ tự túc khoảng 20% nguyên liệu đầu vào, phần còn lại phải nhập khẩu, nên sẽ bị thiệt hại khi nguyên liệu tăng giá. Tuy nhiên, Việt Nam xuất khẩu khoảng trên 3 tỉ đô la một năm sản phẩm nhựa nên đây là cơ hội tốt để tăng doanh thu và thị phần của mình trong lĩnh vực này.

Thị trường ngũ cốc, nông phẩm

Nga là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, Ukraine đứng thứ 5 – hai nước cộng lại cung cấp hơn 30% cho thị trường lúa mì thế giới. Chiến tranh và cấm vận đã làm giá lúa mì tăng 50% trong tháng qua và đẩy giá các loại ngũ cốc và nông phẩm khác lên theo. Nếu tình hình chiến sự ở Ukraine kéo dài, mức cung lúa mì cho thị trường thế giới có thể giảm 30%, tạo ra khủng hoảng lương thực, giá nông phẩm tăng cao thêm và nạn đói ở một số vùng.

Việt Nam xuất khẩu gạo trên 6,5 triệu tấn/năm, đứng thứ hai trên thế giới sau Ấn Độ (xuất 18,7 triệu tấn/năm). Vì thế giá gạo và nông phẩm tăng thì có lợi cho Việt Nam, nhưng cũng làm tăng giá lương thực cho người tiêu dùng.

Về mặt chiến lược kinh doanh, thời điểm này cũng là cơ hội rất tốt để Việt Nam có thể tăng cường xuất khẩu gạo và các loại nông phẩm sang thị trường EU – mỗi năm nhập khoảng 160 tỉ đô la lương thực và nhu cầu đang tăng. Vì cấm vận và vì người dân tự động tẩy chay hàng hóa Nga, EU đang cần có nguồn cung cấp ngũ cốc và nông phẩm thay thế. Việt Nam nên nỗ lực nâng cao thị phần của mình trong thị trường EU – trước mắt là sử dụng hết hạn ngạch xuất lúa gạo 80.000 tấn/năm với suất thuế quan 0% theo Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) – năm 2021 Việt Nam chỉ mới xuất 60.000 tấn. Đặc biệt nên phát triển các loại gạo thơm cấp cao, nhiều giá trị đang được người tiêu thụ châu Âu ưa chuộng.

Ngoài ra, Nga cũng là nước xuất khẩu phân bón và các hóa chất làm phân bón lớn nhất thế giới. Các nước nhập phân bón từ Nga đang cần phải tìm nguồn cung cấp thay thế. Việt Nam hàng năm xuất khẩu hơn 1 triệu tấn phân bón và có cơ hội để tăng xuất khẩu với giá cao. Nhưng Việt Nam cũng nhập hơn 1 triệu tấn phân bón mỗi năm, nên thực sự lợi ích không nhiều lắm.

Thị trường một số khoáng sản chiến lược

Nga chiếm 49% thị trường xuất khẩu nickel (dùng chế tạo các loại bình điện cho ô tô) trên thế giới; 42% thị trường xuất khẩu palladium (dùng để chế tạo linh kiện chuyển đổi xúc tác analytic converter dùng trong ô tô) và 26% thị trường nhôm. Ngoài ra Ukraine chiếm 70% thị trường xuất khẩu khí neon (cần thiết trong tiến trình chế tạo linh kiện bán dẫn – semiconductors). Trong thời gian qua, giá các loại khoáng sản này tăng hơn 30-50% do tình trạng thiếu hụt trên thị trường. Nếu kéo dài, sự thiếu hụt này sẽ làm chậm trễ dây chuyền sản xuất linh kiện bán dẫn, ảnh hưởng đến việc sản xuất hàng loạt các loại máy móc và hàng tiêu dùng cần chip điện tử. Ngoài ra Mỹ cũng đã cấm bán chip bán dẫn cho Nga và cảnh báo doanh nghiệp các nước khác, nhất là Trung Quốc, không được phá cấm vận bằng cách gián tiếp cung cấp chip cho Nga. Đây là vấn đề có thể tạo thêm căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ.

Nói chung, các công ty ở Việt Nam cần những loại hàng trung gian này, nhất là chip bán dẫn, cũng sẽ gặp trở ngại và ngưng trệ trong tiến trình sản xuất, nhất là ô tô và dụng cụ điện tử như điện thoại di động.

Kết luận

Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine và biện pháp cấm vận của phương Tây đã gây ra thiếu hụt và nâng giá nhiều loại hàng như dầu khí, ngũ cốc và một số khoáng sản chiến lược. Ngoài ra, việc giao dịch với các doanh nghiệp Nga – hoặc trực tiếp bị cấm vận hoặc gián tiếp vì khó khăn trong việc chi trả thanh toán – sẽ trở nên phức tạp và tốn kém hơn nhiều. Tình trạng này sẽ gây thiếu hụt, chậm trễ và tăng chi phí trong dây chuyền sản xuất nhiều ngành công nghiệp. Nói chung, kinh tế sẽ bị đình trệ, lạm phát tăng cao, gây ra tình trạng giảm phát làm môi trường kinh doanh thêm khó khăn cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên Việt Nam có cơ hội tốt để có thể tăng cường thâm nhập thị trường EU, chủ yếu là trong lĩnh vực nông phẩm và lương thực để thay thế hàng từ Nga và Ukraine.

Điều quan trọng là Chính phủ, các hiệp hội doanh nghiệp và bản thân doanh nghiệp cần tìm hiểu về luật cấm vận của Mỹ và tiến hành thảo luận với đối tác Mỹ để tránh bị chế tài vì bị cáo buộc vi phạm các biện pháp cấm vận đối với Nga. Đồng thời cần nghiên cứu hình thành các kênh chi trả thanh toán với các doanh nghiệp và ngân hàng Nga, cũng như qua các phương tiện chưa bị cấm vận để giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp tục giao dịch với đối tác Nga một cách hợp pháp.

(*) Kinh tế gia tại Mỹ.

Trần Quốc Hùng (*)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/anh-huong-cua-cuoc-chien-nga-ukraine-den-kinh-te-the-gioi-va-viet-nam/