Ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, An Giang có mưa lớn trên diện rộng

Chiều 25/9, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang cho biết, lúc 13 giờ, chiều 25/9/2023, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới khoảng 15,5 độ vĩ Bắc, 109,5 độ kinh Đông, cách TP. Đà Nẵng khoảng 150km về phía Đông Đông Nam, cách Quảng Ngãi khoảng 80km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (39-61km/giờ), giật cấp 8-9. Áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 15km/giờ, hướng vào miền Trung.

Dự báo cường độ và đường đi của áp thấp nhiệt đới

Ảnh radar thời tiết, ảnh định vị sét và ảnh mây vệ tinh tại An Giang chiều 25/9/2023

Do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, vùng biển phía Tây Nam của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và vùng biển phía Tây Bắc của khu vực giữa Biển Đông có sóng biển cao 2-4m.

Khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có sóng biển cao 2-3,5m.

Từ chiều 25/9, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn và huyện đảo Cù Lao Chàm) sóng cao dần lên 2-3m; vịnh Bắc Bộ sóng cao dần lên 1,5-2,5m.

Từ ngày 25 – 27/9, khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biên từ 100-300mm, riêng khu vực từ Nghệ An đến Quảng Bình có nơi trên 350mm. Ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, có mưa vừa, mưa to và giông, cục bộ có mưa rất to, với lượng mưa phổ biến từ 100-150mm, có nơi trên 200mm.

Do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, thời tiết khu vực Nam Bộ có nhiều mây, có mưa nhiều nơi, rải rác mưa vừa và giông, có nơi mưa to, cục bộ có mưa rất to, ngày có lúc giảm mây, nắng gián đoạn. Trong cơn giông cần đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh.

Trên các vùng biển ngoài khơi Nam Bộ, thời tiết nhiều mây, có mưa rào và giông, trong cơn giông cần đề phòng có lốc xoáy. Vùng biển từ Bà Rịa – Vũng Tàu đến Cà Mau, có gió Tây Nam cấp 5, giật cấp 6-7; vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang cấp 4; độ cao sóng từ 0,5-2,5m.

Ghi nhận từ sáng sớm 25/9, khu vực tỉnh An Giang phổ biến nhiều mây, có mưa rào và giông rải rác đến nhiều nơi, có nơi mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to. Lượng mưa tại trạm Núi Sập 104,4mm, Tri Tôn 86mm, Khánh An 54,2mm, Vĩnh Gia 33,5mm, Xuân Tô 28mm, Vĩnh Trạch 26,4mm, Châu Đốc 26mm…

Dự báo trong 24-48 giờ tới, áp cao lục địa tiếp tục suy yếu, dải hội tụ nhiệt đới có trục khoảng 14-16 độ vĩ Bắc nối với áp thấp nhiệt đới, gió mùa Tây Nam hoạt động với cường độ mạnh. Do đó, từ ngày 25 - 27/9, thời tiết trong tỉnh An Giang xuất hiện mưa rào rải rác và giông, có nơi mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to, đặc biệt thời điểm từ trưa đến chiều và đêm.

Cảnh báo khả năng mưa lớn trên khu vực tỉnh kéo dài đến ngày 28/9/2023, lượng mưa mỗi trạm từ 40 – 85mm, có nơi trên 100mm. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Đề phòng khả năng gây ra ngập úng cục bộ.

Chiều 25/9, quan sát và theo dõi trên ảnh mây vệ tinh, số liệu định vị sét và ảnh radar thời tiết cho thấy, khối mây đối lưu đang phát triển trên khu vực huyện Thoại Sơn, TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang).

Cảnh báo trong chiều và tối 25/9/2023, khối mây này tiếp tục phát triển, gây mưa rào và giông cho khu vực TP. Long Xuyên, TX. Tịnh Biên và các huyện: Thoại Sơn, Châu Thành, Châu Phú, Tri Tôn… Sau đó, có khả năng lan sang các khu vực lân cận.

Cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, như: Gió giật mạnh, lốc, sét và mưa lớn cục bộ.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá: Cấp 1.

NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/anh-huong-ap-thap-nhiet-doi-an-giang-co-mua-lon-tren-dien-rong-a375463.html