Anh hùng Trần Văn Ơn qua ký ức của những người cùng thời

Sáng 9/1/1950, hơn 300 học sinh đang theo học tại nhiều trường khác nhau của Sài Gòn tập trung trước Nha học chánh Nam phần, đòi chính quyền thả học sinh bị bắt, mở cửa lại trường học… đã khơi nguồn cho một cuộc đấu tranh quy mô lớn, thu hút sự tham gia của hàng ngàn đồng bào khác.

Địch đàn áp, anh Trần Văn Ơn, một trong những thành viên tích cực nhất của phong trào thanh niên học sinh Sài Gòn bị giết hại tại chỗ. Tuy nhiên, đám tang của anh với sự tham dự của gần 500 ngàn người trở thành sự kiện gây chấn động trong nước và quốc tế. Ngày anh hy sinh được công nhận là Ngày truyền thống học sinh, sinh viên toàn quốc. Sau 60 năm, ngày 8/1, nhiều cựu học sinh trong phong trào ngày ấy từ Bến Tre, Tiền Giang, Cần Thơ, TP HCM lại mới có dịp hội ngộ tại Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh. Những câu chuyện xúc động của quá khứ lại rưng rưng hiện về theo từng câu chuyện kể của những nhân chứng một thời. Tức nước, vỡ bờ Nhớ lại những ngày tháng ấy, bà Huỳnh Ngọc Thanh, một trong những nhân chứng của cuộc đấu tranh kể lại rằng: Thực ra, phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên đã lan rộng và dâng cao từ năm 1949, ngay khi thực dân Pháp âm mưu đưa Bảo Đại về nước lập chính phủ bù nhìn. Tại Sài Gòn, hàng loạt các hoạt động chống đối, bãi khóa, biểu tình của học sinh các trường trung học Pháp liên tục diễn ra quyết liệt. Học sinh các trường College Petrus Ký, Gia Long (hiện nay là Nguyễn Thị Minh Khai), kể cả các trường dành cho con em nhà khá giả như Marie Curie, Chasseloup Laubat (nay là Lê Quý Đôn)… đều tẩy chay các cuộc viếng thăm của Bảo Đại. Ở trường Petrus Ký, học sinh rải truyền đơn cả trong trường, ngoài phố. Tại Trường Gia Long, bà Thanh và các học sinh nhốt Tổng giám thị vào phòng, khóa trái cửa lại, không cho ra tiếp khách. Nhiều anh chị em còn có sáng kiến lấy hạt cau tươi viết khẩu hiệu đả đảo Bảo Đại lên tường vôi. Hành động này khó phát hiện vì phải đợi đến khi chữ đã khô, khẩu hiệu mới nổi rõ trên tường trắng. Nhiều trường khác: Mỹ Tho (nay là Nguyễn Đình Chiểu), thậm chí cả Trường Phan Thanh Giản dưới Cần Thơ… cũng bãi khóa biểu tình. Ngày 1/11/1949, chúng bắt giam nhiều học sinh, trong đó có nhiều hạt nhân nòng cốt của phong trào… Việc bắt bớ dẫn đến cuộc bãi khóa đồng loạt của 2 trường Petrus Ký và Gia Long ngày 23/11/1949. Nhằm ngăn chặn phong trào, Nha học chánh ra lệnh đóng cửa trường vô thời hạn. Ngay lập tức, nhiều trường khác cũng hưởng ứng bãi khóa, các trường thành lập Ban đại diện học sinh đưa đơn thỉnh nguyện lên thủ hiến Nam phần Trần Văn Hữu. Báo chí cũng nhập cuộc ủng hộ… Ngày 9/1/1950, hơn 300 học sinh các trường tập trung trước Nha học chánh Nam phần, giương cao biểu ngữ đòi thả học sinh bị bắt, mở cửa lại trường học, dạy tiếng Việt cho học sinh… Khi đoàn biểu tình kéo qua dinh Gia Long thì con số đã lên đến khoảng 2.000 người. Cảnh sát, lính cứu hỏa với vòi rồng dồn sức lập hàng rào ngăn chặn, bắn chỉ thiên uy hiếp nhưng anh chị em học sinh dũng cảm chống trả bằng gạch đá. Không uy hiếp được đoàn biểu tình, chúng co cụm lại bên trong rào phủ Thủ hiến. Lúc này, học sinh đã kéo đến chiếm chật cả công viên. Phụ huynh, đồng bào các giới đem nước giải khát, bánh trái đến tiếp tế. Đại diện học sinh tuyên bố: Thủ hiến Trần Văn Hữu không giải quyết nguyện vọng chính đáng, học sinh không về. 12h30’, Trần Văn Hữu ra tiếp Ban đại diện học sinh trước thềm, đe dọa đoàn biểu tình phải giải tán sau 13h30', nếu không sẽ bị đàn áp… Cũng trong khoảng thời gian này, địch huy động lực lượng gồm cảnh sát, quân đội lê dương lập thêm hàng rào, bao vây đoàn biểu tình. Sáng mãi tên anh, người Anh hùng dân tộc Trần Văn Ơn Trước thời gian ra hẹn 10 phút, địch bất ngờ tấn công. Hàng trăm cảnh sát, lính có vũ trang xông vào quất dùi cui điện, gậy gộc túi bụi vào học sinh… Tuy nhiên, theo ông Lê Trung Nghĩa, người đã kề vai sát cánh cùng các thành viên tham gia biểu tình cho đến phút chót cuộc đàn áp kể rằng: Trước đó, nhận định tình tình căng thẳng, anh chị em lãnh đạo đã hội ý, cho rút dần lực lượng ra ngoài. Bị bao vây cả 3 mặt, sau lưng là bức tường nên người trước, người sau phải rồng rắn, trèo lên vai nhau để thoát ra. Không ngờ địch tấn công sớm. Lúc đó anh Trần Văn Ơn, một trong những thành viên tích cực nhất của phong trào Thanh niên học sinh và những anh em khỏe mạnh nhất tình nguyện lập hàng rào, giơ lưng ra hứng chịu những loạt gậy, dùi cui của địch để che chở cho chị em, học sinh nhỏ tuổi hơn. Anh Ơn vừa ra sức đạp đổ hàng rào, vừa hướng dẫn anh chị em lùi lại, đẩy từng người qua tường thoát ra ngoài. Giặc giết hại anh tại chỗ. Khi ấy Trần Văn Ơn mới 19 tuổi. Nắm thêm thông tin, nhiều học sinh sinh viên biết được xác anh Ơn được đưa về Bệnh viện Chợ Rẫy liền huy động anh chị em đến canh chừng, không cho giặc mang đi phi tang đồng thời lan truyền về cái chết của anh khắp nơi. Không chỉ có học sinh, đồng bào ở Sài Gòn mà từ khắp nơi đều đổ về tham dự đám tang anh. Báo chí thông tin rầm rộ. Tất cả học sinh các trường học ở Sài Gòn, Mỹ Tho, Cần Thơ… và cả đại diện học sinh Hà Nội, Huế cũng đều vào tham dự. Chợ nghỉ bán, công nhân xí nghiệp nghỉ việc, rạp hát treo bảng nghỉ, xích lô, xe lô chở người ở các vùng lân cận đến dự tang không lấy tiền. Kể về đám tang, ông Nguyễn Trọng Xuất, người được giao nhiệm vụ thay mặt học sinh ở Mỹ Tho viết điếu văn cho biết: Riêng học sinh ở Cần Thơ lên viếng đã có đến hơn 500 người. Ai có tiền thì đi xe, tàu. Ai không có tiền thì đi bộ rồi gặp đâu đi nhờ đó. Học sinh, đồng bào các tỉnh lân cận về cũng đông nên anh em mới bàn nhau khi viết, phải biến điếu văn trở thành tâm thư kêu gọi đấu tranh trên toàn quốc… Không những thế, lễ đưa tang cũng được thiết kế thật đặc biệt. Đi đầu là băng vải trắng vẽ hình chữ thập đỏ bằng máu của học sinh với nhiều câu đối xúc động được căng lên. Linh cữu Trần Văn Ơn được học sinh, sinh viên đỡ trên tay, chuyển trực tiếp đến nghĩa trang. Ước tính, trong ba ngày từ 10/1 đến 12/1 đã có gần 500.000 người đến viếng. Có một chuyện mà sau này những người tham gia tổ chức đám tang Anh hùng Trần Văn Ơn ngày ấy vẫn nhớ mãi. Đó là khi linh vị của anh được đặt ở trường Petrus Ký thì có một bà mẹ tiến đến rồi phục xuống lạy. Khi các anh đỡ mẹ dậy và bảo anh Ơn chỉ bằng tuổi con cháu mẹ thôi, bà đã bảo: "Tôi không lạy anh Trần Văn Ơn bình thường mà là lạy anh hùng dân tộc…". Thực tế, cái chết của anh Trần Văn Ơn đã góp phần thức tỉnh ý thức đấu tranh sâu rộng trong quần chúng. Tiếp nối bước chân anh còn có rất nhiều người anh hùng trưởng thành từ phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên sau này. Cho đến hôm nay, tấm gương của anh, câu chuyện về anh vẫn luôn là niềm xúc động, trở thành động lực phấn đấu cho lớp lớp đoàn viên thanh niên trẻ của TP HCM nói riêng, cả nước nói chung

Nguồn CAND: http://ca.cand.com.vn/vi-vn/binhyencuocsong/ghichep/2010/1/157212.cand