Anh Hồng 'inox': Người kết nối yêu thương

Anh Vũ Xuân Hồng, chủ cơ sở inox mạ màu Hồng Phát (TP. Sông Công) thường được mọi người thương mến gọi là Hồng inox, Hồng 'đồng nát'.

Sáng sớm ngày cuối tuần mùa Đông, trời rét căm căm, chúng tôi cùng anh Hồng và những người bạn của anh lên Phú Đô, một xã vùng núi của huyện Phú Lương, để trao nhà tình nghĩa cho gia đình anh Hoàng Văn Vừ, xóm người Mông Na Sàng. Chủ nhân của ngôi nhà mới có dáng người nhỏ nhắn và trông già hơn so với tuổi 36, thoáng thấy anh Hồng và mọi người đến, ánh mắt anh Vừ mừng rỡ, vội vàng chạy ra đón.

Ở xóm Na Sàng, ai cũng hiểu và thương hoàn cảnh của anh Vừ. Mồ côi bố mẹ từ nhỏ, lớn lên Vừ đi ở rể. Vợ chồng anh sinh được 2 cô con gái, đang học lớp 3 và lớp 1. Cách đây 2 năm, vợ anh bỏ đi, để anh trong cảnh “gà trống nuôi con”.

“Thân cô thế cô”, anh đã vay ngân hàng 50 triệu đồng để mua một khu đất nhỏ bên sườn núi, dựng ngôi nhà tạm rộng 20m2 bằng khung gỗ, xung quanh quây lưới, bạt... làm nơi ở của 3 bố con. Ngày nắng còn đỡ, ngày mưa bão thì căn nhà xiêu vẹo, gió thốc mạnh vào bên trong khiến ba bố con nhiều phen khóc dở mếu dở... Song cũng đành chịu vì một mình anh xoay xở giỏi lắm cũng chỉ đủ nuôi các con ăn học, không dám nghĩ tới chuyện làm nhà mới.

Anh Hồng kể: Hôm chúng tôi đến thăm, nhìn các con ăn mì tôm trong gian bếp thông thốc gió, ai cũng thương. Trở về, chúng tôi đăng bài kèm hình ảnh kêu gọi làm nhà cho các cháu. Đến nay, với sự chung tay chia sẻ của nhiều người, bố con anh Vừ đã có ngôi nhà khang trang, chắc chắn.

Chúng tôi theo chân anh Vừ vào ngôi nhà mới. Đó là một không gian thoáng đãng với diện tích 65m2, thiết kế tiện dụng, gồm 1 phòng khách nối với hai phòng ngủ, 1 gian bếp và khu vệ sinh khép kín đầy đủ thiết bị; hệ thống cửa bằng nhôm kính, nền lát gạch men, tường sơn chống thấm...

Tổng trị giá ngôi nhà trên 137 triệu đồng. Trong đó, Ủy ban MTTQ huyện, xã hỗ trợ 60 triệu đồng. Còn lại do nhóm anh Hồng kết nối với Cha xứ Đỗ Công Viên, Giáo xứ Yên Lãng (Đại Từ), và các mạnh thường quân hỗ trợ. Bằng chất giọng dân tộc Mông, anh Vừ vui vẻ bảo: Mình cảm ơn mọi người nhiều nhé, mình sẽ cố gắng chăm chỉ làm việc hơn để nuôi các con ăn học thành người.

Cùng tâm trạng như anh Vừ là mẹ con chị Nguyễn Thị Chinh, xóm Đường Goòng, xã Cổ Lũng, Phú Lương. Lâu nay, 3 mẹ con chị sống trong ngôi nhà cũ, nguy cơ đổ sập xuống bất cứ lúc nào. Được sự quan tâm của Ủy ban MTTQ, Hội Chữ thập đỏ huyện Phú Lương, xã Cổ Lũng và sự chia sẻ từ các nhà hảo tâm, tháng 11 vừa qua, 3 mẹ con chị đã có một ngôi nhà khang trang. Đó là ngôi nhà cấp 4, diện tích 80m2, kinh phí xây dựng 170 triệu đồng.

Riêng nhóm anh Hồng, ngoài hỗ trợ kết nối làm phần mái, sơn nhà, hàng tháng các anh chị còn tặng quà, nhu yếu phẩm cho mẹ con chị. Đặc biệt, biết hoàn cảnh gia đình chị, anh cũng là người đứng ra lo liệu toàn bộ công việc xây nhà, từ thiết kế đến chọn nguyên vật liệu, giám sát thi công...

Ngoài anh Vừ, chị Chinh, từ năm 2020 đến nay, tại huyện Phú Lương, nhóm từ thiện của anh Hồng còn kết nối, chung tay xây dựng được 18 ngôi nhà (riêng năm 2023 là 15 nhà), chủ yếu tại xã Yên Trạch với 9 nhà. Đa số ngôi nhà được làm theo hình thức trao tay, trao toàn bộ kinh phí.

Ông Phạm Thường Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Phú Lương, chia sẻ: Đầu năm 2023, huyện vẫn còn gần 2.000 hộ nghèo, cận nghèo, trong đó rất nhiều hộ khó khăn về nhà ở, tập trung chủ yếu tại xã Yên Trạch. Đây đều là những hộ không có khả năng đối ứng, do vậy huyện chủ trương hỗ trợ một phần, còn phần lớn là vận động các tổ chức thiện nguyện. Đồng hành với huyện trong xóa nhà tạm, nhà dột nát nhiều phải kể đến nhóm từ thiện của anh Hồng.

Chúng tôi biết anh Hồng đã lâu, tham gia các chuyến từ thiện cùng anh đã nhiều. Anh Hồng gây ấn tượng với mọi người bởi sự chân thật, giản dị, nhiệt tình và giàu lòng nhân ái. Là chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh cơ khí, phải tìm kiếm việc làm và lo thu nhập ổn định cho nhân viên nên anh khá bận rộn. Tuy nhiên, cứ nghe ở đâu có trường hợp khó khăn anh lại sẵn sàng lên đường khảo sát thực tế và triển khai kế hoạch giúp đỡ.

Anh tâm sự, tôi từng trải qua những ngày gian khó, nên gặp ai khó khăn tôi thương lắm.

Bởi vậy anh luôn chăm chỉ làm việc, chi tiêu hợp lý để dành tiền giúp đỡ người nghèo. Trước đây, anh thường đi làm một mình, nhưng giờ có thêm nhiều người đồng hành. Từ uy tín tạo dựng được, mỗi khi anh và những người bạn vận động, kêu gọi giúp đỡ người nghèo thường nhanh chóng có nhà hảo tâm, anh em, bạn bè mọi miền ủng hộ.

Về ý “tin tưởng” mà anh Hồng nói, tôi cũng có thể chứng thực được phần nào. Bởi qua dự lễ bàn giao các ngôi nhà do nhóm của anh chung tay thực hiện, chúng tôi thấy công trình nào cũng có báo cáo thu chi công khai, đầy đủ từng hạng mục, tên đơn vị, cá nhân hỗ trợ tương ứng với số tiền, có chữ ký xác nhận của các bên liên quan.

Những ngôi nhà được thiết kế khoa học, phù hợp với gia đình, công năng sử dụng. Hầu hết các nhà có diện tích từ 65-80m2, 2 phòng ngủ, một phòng khách, công trình phụ khép kín, tiện lợi. Trong quá trình xây dựng nhà cho người nghèo, các anh chị chạy đôn chạy đáo như xây nhà mình. Đó là lo từ việc tìm đất, cùng chính quyền xác minh nguồn gốc đất, rồi lên bản vẽ thiết kế, tính toán nguyên vật liệu, thuê thợ, giám sát thi công đến các thủ tục, nghi lễ khi khởi công, khánh thành nhà cho gia chủ... Khi "tổng kết", nếu thiếu vài triệu đồng thì thường anh Hồng sẵn sàng bỏ tiền cá nhân bù vào.

Nhiều gia đình làm xong nhà, anh Hồng lại xem ai có giường, tủ, bàn ghế, xe đạp cũ... thì đi gom, về sửa chữa lại để chở hết cho người nghèo. Bởi thế, lâu nay nhà riêng của anh trở thành nơi tập kết đồ dùng, vật dụng mọi người gửi đến. Cũng từ đó, mọi người gọi anh là Hồng “đồng nát”.

Anh Hồng bảo: Mình làm thế, phần vì để cho những người góp tiền, vật chất thấy được đó thực sự là nhà tình nghĩa, mang lại giá trị sử dụng cao nhất, phần khác vì đa số hoàn cảnh cần giúp đỡ đều rất khó khăn. Họ sống tại vùng sâu, khe núi, bìa rừng, gặp vấn đề về trí tuệ, không biết chữ, hoặc đau ốm, gia đình không trọn vẹn...

Trong số 50 công trình mà anh và những người bạn đã chung tay xây dựng thì khoảng 80% là nhà ở, còn lại là sân trường, thư viện cho học sinh vùng núi, xây, sửa chùa... Cùng với MTTQ, Hội Chữ thập đỏ làm nhà ở cho người nghèo, nhóm của anh cũng thường xuyên tổ chức những chuyến trao quà, xe đạp, đồ dùng học tập, gắn địa chỉ nhân đạo cho các hoàn cảnh khó khăn.

Anh Hồng chia sẻ thêm: Mỗi công trình hoàn thành, nhìn thấy sự đổi thay trong cách nghĩ, cách làm của người mình giúp, người thì có ý thức vượt lên khó khăn, bệnh tật để lao động, nuôi con ăn học, người thì đã biết chia sẻ, giúp đỡ người khác... chúng tôi vui lắm!

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/multimedia/emagazine/202401/anh-hong-inox-nguoi-ket-noi-yeu-thuong-2a50d04/