Andrzej Wajda: Đạo diễn vĩ đại người Ba Lan

Đạo diễn người nổi tiến người Ba Lan - Andrzej Wajda đã qua đời ngày 9.10 ở tuổi 90.

Mặc dù là một cái tên không quá quen thuộc với khán giả phương Tây, Andrzej Wajda vẫn được nhắc đến như là một trong những đạo diễn tài năng nhất của điện ảnh thế giới, đồng thời là một tượng đài vĩ đại của nền nghệ thuật hiện đại Ba Lan. Được đạo diễn Martin Scorsese ca ngợi là “bậc thầy làm phim”; Wajda từng là chủ nhân của những danh hiệu cao quý nhất trong các liên hoan phim hàng đầu thế giới như Cannes, Berlin và Venice. Năm 2000, Viện Hàn lâm điện ảnh Hoa Kỳ cũng đã trao tặng ông tượng vàng Oscar Thành tựu trọn đời.

Đạo diễn Andrzej Wajda trên phim trường “Afterimage” - bộ phim cuối cùng trong sự nghiệp của ông.

Nhắc đến Andrzej Wajda, người ta không chỉ nhớ đến một gia tài to lớn những bộ phim xuất sắc, mà còn là những giá trị nhân đạo cao cả mà ông đã tạo ra trong suốt một thời kỳ lịch sử đầy biến động của Châu Âu. Từ những câu chuyện về tầng lớp quý tộc thế kỷ 19, những khoảnh khắc đau thương của Thế chiến Thứ hai cho đến sự phát triển của một quốc gia thời kỳ hậu chiến - lịch sử đất nước Ba Lan được khắc họa rõ nét qua từng tác phẩm của Wajda.

Bản thân Andrzej Wajda cũng có thể coi là một nhân chứng sống động cho một giai đoạn lịch sử hiện đại nhiều biến loạn của Ba Lan. Cha của ông bị quân đội Stalin giết tại cánh rừng Katyn năm 1940. Với hơn 4.700 cảnh sát Ba Lan bị cầm tù, 6 triệu người đồng hương mà một nửa trong số đó là người Do Thái bị thiệt mạng trong Thế chiến lần thứ hai - đất nước mà Wajda từng sống “chao đảo” giữa những âm mưu, sự mập mờ của chính trị và quyền lực. Điều này từng được chính ông khắc họa vào năm 1991, trong một bộ phim tài liệu về sự kiện Katyn, và vào năm 2007 trong một bộ phim điện ảnh - tác phẩm đã đem lại cho ông một đề cử cho phim nước ngoài xuất sắc nhất tại Oscar lần thứ 80.

Andrzej Wajda bắt đầu được điện ảnh thế giới biết đến vào những năm 1950 với bộ 3 phim khắc họa những ngày cuối cùng của Thế chiến thứ hai tại Ba Lan: “A Generation” (Một thế hệ - 1955) kể về một nhóm người chống lại sự chiếm đóng của quân phát xít tại Warsaw; “Kanal” (1957) tái hiện lại cuộc khởi nghĩa năm 1944 tại thành phố thủ đô; và “Ashes and Diamonds” (Bụi và Kim cương - 1958) có bối cảnh vào thời điểm quân Đức đầu hàng, và người dân Ba Lan chuẩn bị cho cuộc sống mới bên cạnh người anh lớn Liên Xô.

Hai nhân vật chính trong bộ phim “Ashes and Diamonds” của Wajda.

Sau thành công của bộ 3 phim về chiến tranh trên, Wajda lần lượt đạt được những tiếng vang lớn với các bộ phim tiếp theo, đều mang hơi hướng lịch sử như “The Ashes” (Tro bụi - 1965), “Everything for Sale” (Mọi thứ đều bán - 1968) và “The Promised Land” (Mảnh đất hứa - 1975) - một bộ phim nói về kỷ nguyên cách mạng công nghiệp Ba Lan, từng đem về cho ông một đề cử Oscar khác cho “Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất”.

Bộ 3 phim thứ hai của Wajda được nhiều chuyên gia điện ảnh đánh giá là thành tựu xuất sắc nhất trong sự nghiệp đồ sộ mà ông để lại. “Man of Marble” (Người đàn ông đá cẩm thạch - 1976) kể về một người công nhân có xuất thân mập mờ lại trở thành một biểu tượng anh hùng của dân tộc. “Man of Iron” (Người đàn ông sắt - 1981) là câu chuyện về một nhà lãnh đạo, lấy cảm hứng từ cuộc đời của cựu Tổng thống Ba Lan - Lech Walesa. Và “Walesa: Man of Hope” (Walesa: Người đàn ông của Hy vọng - 2013) ra đời hơn 20 năm sau đó, nói về chính vị Tổng thống từng giành giải Nobel Hòa bình này.

Sinh năm 1926 tại Suwalki, một thị trấn Đông Bắc Ba Lan, Wajda trải qua một sự nghiệp gắn liền với những biến cố của lịch sử đất nước. Ông từng chứng kiến sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản tại Ba Lan - là nguyên nhân chính khiến studio phim vốn được Chính phủ tài trợ của ông đóng cửa và bản thân ông phải dời sang Pháp sinh sống một thời gian.

Sau khi trở lại quê hương vào năm 1989, dưới sự khuyến khích của Tổng thống Walesa, Wajda từng thử sức ở địa hạt chính trị 2 năm, trước khi quay về tập trung hoàn toàn vào niềm đam mê của cuộc đời mình - điện ảnh.

Đạo diễn Andrzej Wajda và Robert Wieckiewicz – nam diễn viên chính của bộ phim “Walesa: Man of Hope”.

Sau thành công của “Katyn” (2007) và “Walesa: Man of Hope” (2013), bộ phim cuối cùng của Wajda, “Afterimage” (Dư ảnh - 2016) - kể lại câu chuyện của một họa sĩ đương đại người Ba Lan, đã được chọn làm đại diện của quốc gia Đông Âu tham gia cuộc đua giành giải Oscar cho “Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất” năm nay.

Trong suốt cuộc đời đầy biến động của mình, mặc dù nhiều lần phải đối mặt với những sự hạn chế, cấm kỵ khi làm phim, nhưng theo Wajda, ông chưa bao giờ thực sự muốn rời bỏ Ba Lan hay làm những bộ phim không liên quan đến lịch sử đất nước. “Tôi nghĩ tôi có nhiều điều để nói, nhưng chúng chỉ quan trọng nếu tôi nói ra ở ngay trên mảnh đất Ba Lan”, người đạo diễn vĩ đại khẳng định trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2000 với tạp chí Times.

LAN PHƯƠNG (Tổng hợp)

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/andrzej-wajda-dao-dien-vi-dai-nguoi-ba-lan-601679.bld