Án xưa: Vụ án Dư Đành và đồng bọn

Những lão võ sư ở Bình Định còn kể cho các môn sinh của mình về vụ án Dư Đành và đồng bọn. Vào những năm 1920-1921, nhân dân các huyện Tây Sơn, An Nhơn, Phù Cát tỉnh Bình Định khốn khổ vì tai họa Dư Đành.

Toán cướp này gồm 11 tên võ nghệ cao cường, thường xuyên thực hiện các vụ cướp bóc, bắt bớ, đánh đập nhân dân. Nhiều người bị đánh phải chịu thương tích cả đời. Có khi chúng dã man đốt một vài nhà ở đầu làng để dân tập trung đến cứu hỏa, rồi phá cửa đánh đập, cướp bóc một nhà ở cuối làng. Mỗi tháng chúng thực hiện khoảng 5, 7 vụ như thế gây náo loạn các khu dân cư, nhân dân kêu cứu khắp các huyện. Tuy nhiên quan lại địa phương hầu như bất lực, cả năm trời mà vẫn không bắt nổi một tên nào. Cáo thị dán khắp nơi mà vẫn không có kết quả. Tòa khâm sứ khiển trách tỉnh, tỉnh trách huyện. Tổng đốc tỉnh lúc ấy là Võ Liêm phẫn nộ gia hạn trong vòng 3 tháng các huyện phải bắt bằng được toán cướp Dư Đành. Các huyện huy động trai tráng tổ chức thành các đội canh gác lùng sục truy nã khắp nơi. Tất cả các võ sĩ đều nhận được trát mật đi lùng bắt Dư Đành. Tuy bị truy nã như thế nhưng toán cướp này vẫn tiếp tục gây án. Hơn chục tên như thường lệ cứ đợi trăng lên là phá cửa ập vào nhà dân đánh đập cướp bóc của cải. Ngang nhiên hơn chúng còn dám xông cả vào nhà cựu Phó tổng đốc để cướp. Dư Đành cố ý tạo ra những vụ cướp bí ẩn để thể hiện sức mạnh phi thường và tài nghệ xuất quỷ nhập thần. Tiếng tăm của hắn vang dội khắp nơi khiến nhân dân phải khiếp sợ mà truyền tụng: "Sức đương Hạng Vũ, mạnh kình Trương Phi. Những người có bản lĩnh cũng phải dựng tóc gáy, lạnh xương sống khi nhận được trát đi bắt Dư Đành". Một ngày giáp Tết năm 1922, bốn tên trong toán cướp Dư Đành mang theo dao vào cướp hàng và tiền ở chợ Trường Định. Chúng giết chết một anh bán pháo và đánh đập nhiều người bị thương. Bọn Dư Đành gồm những ai, ở đâu và hành tung thế nào, ngay cả những người đi truy bắt cũng không ai trả lời được. Người ta đồn thổi về toán cướp Dư Đành giống như truyện kiếm hiệp, trinh thám. Nhiều lần bọn chúng giả dạng quan huyện đi khắp nơi để tìm tung tích của chính mình nên nhân dân càng không thể phân biệt được chúng. Đặc biệt là câu chuyện giáp mặt giữa võ sĩ Bảy Lụt, con trai cụ Hương Mục Ngạc và là anh của cô Tám Cảng đều là những võ sĩ nổi danh lúc ấy. Bảy Lụt võ nghệ cao cường nhưng cũng bị bọn chúng đưa vào bẫy. Chúng giả dạng dân thường chỉ ra hành tung của Dư Đành đánh lừa Bảy Lụt. Bảy Lụt cùng bốn võ sĩ hăm hở đi theo và bị đánh tan tác. Bảy Lụt phải nhận mấy chục nhát rựa và côn, đầu thủng lỗ chỗ, lưng rách, ngất xỉu thừa sống thiếu chết, phải điều trị hơn ba tháng mới tạm bình phục. May cho Bảy Lụt khi Dư Đành không giết mà thả cho về để cảnh cáo những kẻ có ý định vuốt râu hùm. Sự việc đánh đập Bảy Lụt một cách tàn ác của Dư Đành đã khiến cho quan lại tức tối dốc toàn bộ lực lượng quyết tâm triệt phá. Chính bọn Dư Đành đã sơ hở để lộ diện mạo và hành tung khi thả cho Bảy Lụt về. Bọn chúng dần bị cô lập, chia cắt và sa lưới từng tên một. Dư Đành bị truy nã ráo riết phải chạy từ Tây Sơn xuống An Nhơn rồi xuống Tuy Phước ẩn trốn trên núi Phước An. Đói quá nên cứ đêm xuống là hắn xuống núi vào nhà dân cướp bóc. Lính canh theo dấu vết đó mà lần theo khoảng mấy chục người mang theo gậy gộc và cả súng săn lên bắt Dư Đành. Đích thân lý trưởng và một tu sĩ dòng Long Sơn cũng lên tham gia truy bắt. Rạng sáng thì bắt được Dư Đành. Vụ án Dư Đành được xử nhanh, tên đầu sỏ bị phạt tù chung thân, các tòng phạm khác như Hựu lĩnh 20 năm, các tên Phỉ, Cao, Đen đều thụ án 13 năm, tất cả bị đày đi Lao Bảo, số còn lại bị giam tại huyện. Dư Đành ở Lao Bảo được 3 năm thì giết chết lính canh rồi trốn thoát về lại Tây Sơn. Lính khố xanh, khố đỏ truy kích từ Quảng Trị trở vào trong vòng hai tháng trời nhưng vô ích. Chỉ đến khi hắn bị sốt rét hành hạ đến phù thũng thì quân lính mới bắt được mang về nhà lao Quy Nhơn. Mười ngày sau thì hắn chết. Được biết, Dư Đành vượt ngục trở về Tây Sơn chỉ nhằm trả thù một tên võ sĩ hạng bét cũng dám giương oai lãnh trát xông vào sào huyệt của hắn để rồi về báo quan. Hắn định xử tội xong tên này rồi sẽ tự tử. Luật nay: Dư Đành bị tử hình Vào thời điểm đó, nhà nước thực dân nửa phong kiến bạc nhược để cho bè đảng Dư Đành hoành hành. Khi bắt được tội phạm lại xử phạt thiếu nghiêm minh, triệt để khiến cho chúng có thể vượt ngục quay lại phạm pháp, tác oai tác quái gây hại dân lành. Điều đó cho thấy bộ máy chính quyền của triều đình phong kiến lúc này đã vô cùng rệu rã, bất lực, luật pháp cũng không còn phát huy nhiều hiệu quả nữa. Theo pháp luật ngày nay, Dư Đành đã phạm tội kết bè đảng giết người cướp của, chống đối chính quyền như một phường lục lâm thảo khấu. Chiếu theo khoản 1 Điều 93, Bộ luật Hình sự hiện hành, người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. Hành vi của Dư Đành đã phạm vào điểm a (giết nhiều người), n (giết người có tính chất côn đồ), o (giết người có tổ chức), p (tái phạm nguy hiểm), tức phải chịu mức án cao nhất là tử hình. Cũng theo Điều 83, chương XI cũng quy định khung hình phạt đối với tội hoạt động phỉ. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà hoạt động vũ trang ở vùng rừng núi, vùng biển, vùng hiểm yếu khác, giết người, cướp phá tài sản, thì bị phạt như sau: Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. Phạm Học

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com.vn/story.aspx?id=5711&lang=vn&zone=5&zoneparent=0