Ấn tượng với 'Trăng soi dáng tháp'

Sau gần 1 tháng chuẩn bị, tối 27-12, tại Khu di tích Tháp Bà Ponagar, Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa tổ chức ra mắt, giới thiệu chương trình tham quan đặc biệt “Trăng soi dáng tháp”. Chương trình đã để lại những ấn tượng ban đầu tốt đẹp, mở ra triển vọng đối với việc mở cửa phục vụ khách tham quan di tích vào ban đêm.

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và các đại biểu nghe thuyết minh về di tích Tháp Bà Ponagar.

Hành trình tham quan bắt đầu từ vị trí phía trước khu vực Mandapa. Tại đây, mọi người cùng nghe giới thiệu tổng thể về di tích có niên đại từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XIII và trực tiếp theo dõi nghi thức cúng dâng lễ Mẹ xứ sở Po Inư Nagar do chính đồng bào Chăm thực hiện. Tiếp đó, đoàn nghi thức và khách tham quan di chuyển lên khu vực các ngôi tháp. Khu vực sân tháp, mọi người được xem những tiết mục văn nghệ mang màu sắc văn hóa dân gian của đồng bào Chăm. Đó là màn múa Apsara đặc sắc do diễn viên múa của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng thực hiện. Dưới chân cổ tháp, những vũ điệu Apsara khi nhẹ nhàng, uyển chuyển, lúc sôi nổi, dâng trào kết hợp với những phần tạo hình đẹp mắt cuốn hút người xem.

Đồng bào Chăm thực hiện nghi thức cúng dâng lễ lên Mẹ xứ sở Po Inư Nagar.

Vũ điệu Apsara bên tháp cổ.

Sau khi nghe thuyết minh chi tiết về quần thể di tích Tháp Bà Ponagar, mọi người lại cùng di chuyển đến không gian trình diễn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Chăm, khu vực giới thiệu nghệ thuật viết thư pháp và hòa mình vào những tiết mục văn nghệ đặc sắc do các thành viên đội văn nghệ người Chăm của Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh cùng Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng biểu diễn, gồm: Hát múa “Bà về ngự chốn non tiên”, “Lên tháp cầu an”; múa quạt, múa lu độc đáo trong nghệ thuật múa Chăm; hòa tấu nhạc cụ truyền thống của đồng bào Chăm… Tiếng kèn, tiếng trống sôi nổi, rộn ràng hòa cùng những vũ điệu uyển chuyển, đẹp mắt như đưa mọi người vào không khí lễ hội truyền thống của người dân. Chương trình còn có phần giao lưu với khách tham quan. Mọi người được giới thiệu và thực hành những kỹ thuật đánh trống Paranưng, trống Ghi năng, kèn Saranai và hòa mình vào những điệu múa Chăm.

Trình diễn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Chăm.

Không gian giới thiệu nghệ thuật thư pháp.

Trong đêm đầu tiên thực hiện, chương trình “Trăng soi dáng tháp” đã tạo được ấn tượng đối với người dân và du khách. Ông Anne Lise Flavik (du khách đến từ Na Uy) chia sẻ: “Chương trình rất hay, sôi động. Qua đây, tôi biết thêm về văn hóa truyền thống của các bạn”. Ông Nguyễn Phi Hồng Nguyên - Phó Chi hội trưởng Chi hội Lữ hành (Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa) cho rằng, đây là ý tưởng rất hay đối với sản phẩm du lịch về đêm và càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh sản phẩm du lịch văn hóa ở TP. Nha Trang vẫn còn ít. Nên chăng những người tổ chức cần có sự liên kết, giới thiệu chương trình một cách cụ thể hơn đến các doanh nghiệp du lịch, để doanh nghiệp quảng bá, thiết kế các chương trình dành cho du khách. Đêm ra mắt chương trình mới chỉ là bước đầu giới thiệu về ý tưởng, còn để trở thành sản phẩm có thể bán cho du khách thì cần sự đầu tư nhiều hơn, quy mô hơn.

Tiết mục hát múa do Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng thực hiện.

Tiết mục biểu diễn múa Chăm do các thành viên đội văn nghệ người Chăm biểu diễn.

Theo ông Nguyễn Văn Nhuận - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, chương trình “Trăng soi dáng tháp” nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị di sản văn hóa trong cộng đồng, cũng như để nhân dân và du khách có những trải nghiệm thực tế về văn hóa, nghệ thuật dân gian truyền thống. Về lâu dài, để chương trình trở thành sản phẩm phục vụ du lịch, sở sẽ nghiên cứu tổ chức, xây dựng chương trình có quy mô, có thêm nhiều hoạt động phong phú hơn. Tên gọi, chủ đề của chương trình cũng phải có sự thay đổi để phù hợp với từng thời điểm thực hiện chương trình.

Tham dự buổi ra mắt chương trình “Trăng soi dáng tháp” ông NGUYỄN TẤN TUÂN - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Đây là chương trình rất đặc sắc, hấp dẫn và tạo nên sự tương tác giữa người dân, khách du lịch với những người trực tiếp thực hiện. Chương trình đã có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng cả về nội dung và hình thức. Hoạt động này cũng sẽ là một sản phẩm phục vụ du lịch, góp phần thực hiện Đề án phát triển kinh tế ban đêm trong thời gian sắp đến. Để chương trình thể hiện được tính quần chúng rộng rãi, cần tăng cường hơn nữa sự tương tác giữa người xem với người biểu diễn, trình diễn. Từ đó, chúng ta có thể khôi phục lại những nét đẹp văn hóa truyền thống, sinh hoạt của người xưa.

GIANG ĐÌNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202312/an-tuong-voi-trang-soi-dang-thap-ea0434d/