Ấn tượng về triển lãm 'Chạm nhẹ tới ngàn năm'

Là người làm nghề viết, tôi có may mắn tham dự nhiều triển lãm, tuy nhiên ít có triển lãm nào để lại ấn tượng sâu đậm như khi đến với triển lãm của Đào Xuân Ngọc.

Nhà khảo cổ Đào Xuân Ngọc.

Triển lãm có cái tên khá kỳ lạ: "Chạm nhẹ tới ngàn năm", được tổ chức tại Khu du lịch sinh thái Tràng An từ ngày 30/4 đến ngày 30/9, với nhiều hoạt động: Tham quan, thưởng lãm các bức văn tự dập lại từ những văn bia, những ma nhai, bài minh, bút tích được người xưa chạm khắc trên các vách đá, hang động, di sản…

Ngoài ra, khách xem triển lãm còn được trải nghiệm, thực hành quy trình để người làm nghiên cứu khảo cổ in dập lại một bản khắc từ đá lên giấy; nghe tác giả chia sẻ về những công việc nghiên cứu khảo cổ, giá trị nội dung của các di sản thông qua việc giải mã bút tích người xưa…

Tác giả triển lãm là một nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật. Khi gặp gỡ tìm hiểu, tất cả những gì mà Đào Xuân Ngọc trao đổi đều xoay quanh chủ đề về những văn bia. Một sự tình cờ Đào Xuân Ngọc về Ninh Bình bị hấp dẫn bởi tấm văn bia chạm khắc trên các vách đá rêu phong hàng ngàn năm tuổi của các di tích, từ đó anh tìm cách giải mã nó, bạch hóa nó, đưa những ẩn ngữ từ những phiến cẩm thạch ra "ánh sáng", giúp các nhà nghiên cứu, khách du lịch có thêm "một góc nhìn khác" về di tích, về chiều sâu lịch sử văn hóa của di sản, về những lớp lang của những trầm tích văn hóa ẩn chứa trong các di sản.

Có điều khá bất ngờ là Đào Xuân Ngọc đam mê với công việc khám phá các văn bia, đam mê với việc giải mã các bút tích của người xưa với dày đặc Hán tự nên mọi người cứ ngỡ anh xuất thân là dân sử học. Nhưng kỳ thực Ngọc vốn dĩ là dân Mỹ thuật mê nghiên cứu về các kiến trúc cổ nên tự học và chuyên tâm về kiến trúc tại các di sản.

Anh Đào Xuân Ngọc chia sẻ: "Hồi mới vào nghề, tôi đầu quân cho Viện nghiên cứu kinh thành (Hà Nội), tuy nhiên về sau do định hướng nghiên cứu có hướng đi riêng, nên tôi chủ động rời Viện nghiên cứu kinh thành và bắt đầu cộng tác với doanh nghiệp. Chính quyết định ấy khiến tôi làm quen và bén duyên với các di sản ở Ninh Bình". Và từ "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy" đến nay, Đào Xuân Ngọc đã có hơn 15 năm gắn bó với Ninh Bình.

Tuổi trẻ, đam mê khám phá các giá trị lịch sử, văn hóa, Ngọc đã vượt qua được những giây phút khó khăn, không ngã lòng khi phải đối mặt với sự khô khan, tẻ nhạt, đơn độc trong hành trình tìm kiếm những tri thức cổ xưa. Ít ai biết rằng, vì những đam mê văn tự ấy mà Đào Xuân Ngọc đã chấp nhận rời xa phố phường Hà Nội, xa mẹ già, vợ con đằng đẵng.

Càng ngày niềm đam mê những mật ngữ tàng ẩn trong tấm văn bia càng lớn, những chuyến đi của Ngọc cũng dài hơn, xa hơn, điều đó đồng nghĩa với việc gia đình anh càng thưa việc được gặp mặt anh. Bữa cơm bên gia đình với nhà khảo cổ học trẻ từ lâu đã là một điều xa xỉ. Đổi lại sự hi sinh của nhà khảo cổ trẻ là rất nhiều những văn tự trên các vách đá, hang động, các di sản của Ninh Bình vốn dĩ bị phong kín bởi thời gian và bị lãng quên bởi sự vô minh của con người đã được Đào Xuân Ngọc đánh thức.

Một bản dập do Đào Xuân Ngọc thực hiện.

Từ bản dập thầm lặng của anh những bức văn tự được đánh thức, tái sinh dưới hình hài những bản dập, bản dịch mới. Và một phần trong số rất nhiều tri thức ấy đã đến được với công chúng nhờ sự cộng tác của Ngọc với Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường.

Triển lãm "Chạm nhẹ tới ngàn năm" mà Đào Xuân Ngọc là tác giả cũng ra đời từ sự cộng tác ấy. Nhờ triển lãm "Chạm nhẹ tới ngàn năm" mà nhiều khách du lịch đến với Ninh Bình được hiểu biết thêm những giá trị lịch sử, văn hóa của các di tích, di sản như: Trụ kinh phật chùa Nhất Trụ (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư); Long Sàng đền vua Đinh; Bia Ma Nhai "Đại Chu Ma Sơn Áng Đại Quang Thánh nham bi" tại động Am Tiên; 10 bức phù điêu chạm các hình tượng tổ thời Trần tại Chùa Hang (xã Yên Mạc, huyện Yên Mô); Minh Văn được khắc trên vách động chùa Phong Phú (xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư)…

Những di sản, vì nhiều lý do có nguy cơ bị lãng quên được dịp đánh thức, phát huy giá trị của nó với các hoạt động nghiên cứu học thuật, du lịch. Những nghiên cứu của nhà khảo cổ học trẻ Đào Xuân Ngọc làm dày thêm kho tàng tri thức của di sản tại Ninh Bình.

Tham vọng của nhà khảo cổ trẻ Đào Xuân Ngọc thì rất lớn, nhưng anh biết con đường đi vô cùng khó khăn vất vả, vì vậy, những kết quả công việc thầm lặng của anh trong 15 năm qua, bằng một sự nhìn nhận có phần khiêm tốn của anh rằng: "Tất cả mới chỉ như sự "chạm nhẹ" vào lớp trầm tích văn hóa sâu thẳm của vùng đất này".

Chỉ có điều, những việc làm của anh như sự khơi thức dòng mạch của quá khứ hồi sinh, để cho những người hiện đại, du khách được chiêm ngưỡng vẻ lộng lẫy của tri thức, sự thâm trầm trong văn hóa của người xưa. Với ý nghĩa đó, triển lãm "Chạm nhẹ tới ngàn năm" của Đào Xuân Ngọc mới làm tròn sứ mệnh của mình, tạo nên những hấp lực khó cưỡng bởi ý nghĩa sâu xa của nó.

Bài, ảnh: Mai Phương

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/an-tuong-ve-trien-lam-cham-nhe-toi-ngan-nam-/d20230818084227809.htm