An toàn ở ChiLe

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam - Chile

Trong một lần trao đổi với khách hàng quen, họ nói với tôi, thị trường ChiLe cũng thích sản phẩm gốm sứ. Nghe xong tôi cũng muốn làm thử và giờ thì ăn thật, ông Vũ Minh Tâm, Giám đốc Công ty Gốm sứ TDS (Đồng Nai), cho biết.

Từ một lời giới thiệu

Trước đây, Công ty Gốm sứ TDS (Đồng Nai) chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm gốm sứ trang trí trong nhà và ngoài vườn sang Mỹ và châu Âu. Chính những khách hàng này đã mai mối cho TDS đến với thị trường Mỹ Latinh. TDS đã chào hàng và làm thử mẫu, đến năm 2008, TDS xuất lô hàng đầu tiên với giá trị chỉ khoảng vài chục ngàn USD. Lúc đó TDS phải qua trung gian vào hệ thống siêu thị Cencosud. Ông Tâm rất vui vì sản phẩm được xuất khẩu với chính nhãn mác của TDS vào hệ thống siêu thị lớn nhất tại Chile.

Tuy nhiên, sau một thời gian làm việc qua trung gian, siêu thị Cencosud thấy giá bị đẩy lên cao và mẫu mã chưa phù hợp thị hiếu. Đại diện của hệ thống này đã liên lạc với ông Tâm và ngỏ ý muốn mua hàng trực tiếp.

Lúc này, Cencosud cho ông Tâm biết, sản phẩm của TDS chất lượng tốt nhưng mẫu mã lại theo xu hướng tiêu dùng của Mỹ và châu Âu. Họ bắt đầu gửi những mẫu sản phẩm đặc trưng của Chile để Công ty làm thử. Khi thấy mẫu của TDS phù hợp, Cencosud đặt hàng nhiều hơn.

Ông Tâm nhật xét, vào thị trường Chile không khó, cách làm việc của người Chile cũng rất thoải mái. Mỗi lô hàng TDS xuất qua đều nhận được những góp ý và từ đó, Công ty điều chỉnh thiết kế cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Chile. Ban đầu TDS đưa ra 100 thiết kế, hệ thống siêu thị Cencosud chỉ chấp nhận 20 mẫu nhưng đến nay, cứ 10 thiết kế thì họ chấp nhận 5. So với đơn hàng đầu tiên, đến nay đơn hàng của TDS đã tăng gấp 7 lần.

Để tăng doanh thu, TDS đang nghiên cứu để sản xuất thêm nhiều sản phẩm gốm sứ khác ngoài mặt hàng trang trí. Trong tháng 6.2012, ông Tâm sẽ sang Santiago (Chile) để thảo luận với đại diện với Cencosud về việc mở rộng kinh doanh. Sau Chile, TDS tiếp cận các hệ thống của Cencosud ở một số thị trường Mỹ Latinh khác. Cencosud có hệ thống lớn tại nhiều nước Mỹ Latinh như Brazil, Peru, Argentina, Uruguay. Nhờ đó, sản phẩm của TDS đã vào hầu các nước Mỹ La tinh qua hệ thống siêu thị của Cencosud.

Ông Tâm cho biết, chỉ cần vào được các hệ thống của Cencosud tại Chile là coi như đã vào được Mỹ Latinh, chỉ cần làm sản phẩm cho chuỗi siêu thị này là đã quá lớn, không cần phải bắt tay thêm với đối tác nào nữa.

Và từ một hội chợ

Nếu TDS vào Chile qua những lời giới thiệu thì Công ty Cổ phần Gò Đàng (Tiền Giang) lại vào thị trường này bằng cách tham gia hội chợ thủy sản tại Chile.

Giữa năm 2010, Gò Đàng đã tham gia một hội chợ thương mại thủy sản tại Chile để tìm hiểu thị trường. Vào thời điểm đó, một số thị trường lớn gặp khó khăn nên rất nhiều doanh nghiệp tính đến phương án này nhưng không dám hy vọng nhiều vào những thị trường mới.

Sau khi kết thúc hội chợ, một doanh nghiệp thương mại chuyên cung cấp thủy sản cho các siêu thị của Chile đã liên hệ với đại diện Gò Đàng mua hàng. Ngay sau đó, Công ty đã xuất khẩu một lô hàng trị giá 60.000 USD cho doanh nghiệp này. Đến năm 2011, giá trị đơn hàng của Công ty đã đạt 1 triệu USD và theo dự kiến sẽ đạt 2 triệu USD trong năm nay.

Nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Chile ngày càng lớn. Hiện nay, trung bình mỗi tháng Gò Đàng xuất được 1-2 triệu tấn cá tra và nghêu sang thị trường này và số lượng đang có chiều hướng tăng, ông Nguyễn Tùng Dương, Phó Tổng Giám đốc Gò Đàng, cho biết. Theo ông, vào thị trường Chile không khó, các đối tác nơi đây thường không khó tính, dù yêu cầu về chất lượng cũng khắt khe như những thị trường khác.

Không chỉ có Gò Đàng hay TDS, nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu hàng vào thị trường này. Dệt may và da giày là những mặt hàng được xuất nhiều nhất sang Chile. Bên cạnh đó, thanh long cũng đã thâm nhập được thị trường này trong năm qua. Dạo một vòng trang web về giao thương Việt Nam - Chile, có khá nhiều thông tin về nhu cầu nhập khẩu trái cây, quần áo, dừa khô, thủy sản từ Chile. Các khách hàng tiềm năng đều để lại thông tin cụ thể và địa chỉ liên lạc rõ ràng. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp muốn thâm nhập thị trường Chile có thể liên lạc.

Một lợi thế nữa là các loại thuế vào thị trường này sẽ được dỡ bỏ vào giữa năm 2012. Theo ông Nguyễn Duy Khiên, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Mỹ (Bộ Công Thương), 100% các mặt hàng của Việt Nam đang nhập khẩu vào Chile như thủy sản, cà phê, chè đen, dầu thô, rau quả tươi và chế biến, thịt gia súc, gia cầm đông lạnh và chế biến, một số mã hàng dệt may, giày dép đều có thuế bằng 0% khi Hiệp định tự do thương mại Việt Nam - Chile có hiệu lực. Hiện nay, mức thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam là 6%. Với mức thuế này, giá của các sản phẩm Việt Nam sẽ kém cạnh tranh hơn so với hàng cùng loại của các nước đã ký Hiệp định tự do thương mại với Chile, ông Khiên cho biết. Theo ông, hầu hết các doanh nghiệp Chile đang làm ăn với các nước có ký kết Hiệp định tự do thương mại với nước này. Vì vậy, cam kết giảm thuế còn 0% giữa Việt Nam và Chile được coi là vũ khí cạnh tranh để tăng tốc thị trường cũng như các nước Mỹ Latinh.

Ông Khiên cho rằng thị trường Chile là điểm hẹn khá an toàn, vì khi làm ăn với nước này, khâu thanh toán khá đảm bảo và thủ tục vào thị trường này đơn giản.

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/article.aspx?id=12007