Ăn tinh, sống thọ

Ở bất cứ không gian nào, văn hóa cũng thể hiện rõ đặc trưng sự thích ứng cao, mềm dẻo và linh hoạt. Nếu nắm bắt và tận dụng tốt đặc trưng này sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển của cả quốc gia.

Những năm 70 của thế kỷ trước, thế giới chứng kiến sự thành công nhảy vọt của Nhật Bản, qua nghiên cứu người ta thấy nguyên nhân một phần là do sự thay đổi thích ứng của văn hóa. Vốn nổi tiếng bảo thủ nhưng trước hoàn cảnh mới, văn hóa Nhật Bản như một không gian mở ra tiếp thu những nét tích cực phù hợp với truyền thống, với con người và văn hóa đương đại. Trước đây, phụ nữ Nhật chỉ quen với kimono mặc trong các dịp lễ hay cưới xin, nhưng họ đã diện quần jeans, áo phông Mỹ. Bên cạnh các món ăn truyền thống, người Nhật quen dần với món ăn nhanh như bánh mì phết bơ, trứng ốp-lết… tiện lợi phù hợp với công việc có phần căng thẳng, hối hả. Họ hướng tới hàng hóa chất lượng cao, sang trọng, thải ra những đồ cũ…

Hiện nay, khoa học nghiên cứu về sức khỏe khẳng định ăn nhiều thịt không có lợi cho sức khỏe và tuổi thọ. Nghiên cứu hai bộ tộc, một là người Eskimo (tên gọi một nhóm những người bản địa sống ở các vùng Bắc Cực của Canada, Đan Mạch, Nga và Hoa Kỳ) hoàn toàn ăn thịt thì tuổi thọ trung bình chỉ là 36 năm. Hai là người Kogi (bộ tộc ở Peru-Nam Mỹ) ăn thuần chay thì tuổi thọ trung bình lên tới 100 năm. Gắn liền với nghề chăn nuôi quen ăn thịt nhưng hiện một số nước phương Tây đang xuất hiện xu hướng giảm ăn thịt, được gọi là “làn sóng ăn chay mới” với mục đích vì sức khỏe mà không liên quan tới ăn chay tôn giáo.

Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, nếu ăn quá nhiều thịt, cá sẽ gây ra thừa năng lượng và thừa chất béo, dẫn tới thừa cân, làm rối loạn máu, dễ có nguy cơ về tim mạch như xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não và tăng huyết áp, ung thư dạ dày... Ăn nhiều cơm dễ dẫn đến mắc bệnh đái tháo đường.

Ở một số nước phương Đông gần gũi hoặc chịu ảnh hưởng Phật giáo, trong đó có nước ta, xu hướng ăn chay đang được nhiều người hưởng ứng. Dưới góc độ khoa học dinh dưỡng, ăn chay có nhiều lợi ích như có ít cholesterol, ít acid béo bão hòa, nhưng sản sinh nhiều vitamin E, C cần thiết cho cơ thể phòng, chống được nhiều bệnh như béo phì, bệnh tim mạch, sỏi mật, ung thư... Người ăn chay ít bị viêm ruột thừa, ít bị hội chứng đại tràng kích thích, trĩ và giãn tĩnh mạch chi...

Tuy nhiên, không nên tuyệt đối hóa ăn chay bởi có thể tốt với người này nhưng không tốt với người khác, nhất là với trẻ em cần nhiều chất dinh dưỡng từ thịt, cá. Do vậy, phải rất linh hoạt, cần một sự điều chỉnh phù hợp với bối cảnh xã hội cũng như với mỗi cá nhân cụ thể. Nhưng xu hướng chung của thế giới là giảm lượng thịt, cá để bảo vệ sức khỏe, nhất là góp phần lành mạnh hóa môi sinh.

Tập quán ẩm thực ngày Tết của người Việt là thường nhiều thịt, nhất là thịt lợn. Người Việt có câu: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Thịt mỡ là thịt lợn, nhân bánh chưng cũng là thịt lợn. Vì thịt lợn là sản phẩm tiêu biểu cho nền văn minh nông nghiệp truyền thống. Bước sang nền văn minh hiện đại, mọi cái đều có thể thay đổi, do vậy cũng cần linh hoạt. Không nhất thiết cỗ Tết dứt khoát phải là thịt lợn, mà có thể thay bằng nguyên liệu khác tương ứng như thịt gà, thịt bò, thịt dê… vẫn là sản phẩm của văn minh nông nghiệp nhưng thuận lợi và kinh tế hơn.

Sắp đến Tết Canh Tý, vừa qua một trận dịch tả lợn châu Phi, đàn lợn cả nước sụt giảm đáng kể, dù có sự cố gắng cân đối của Chính phủ nhưng giá thịt lợn cao hơn mọi năm là khó tránh khỏi. Đã xuất hiện tình trạng găm hàng, đầu cơ thịt lợn ở nhiều nơi.

Do vậy, phù hợp và thích ứng với cuộc sống hiện đại, chúng ta đã bỏ được “tràng pháo” xưa cũ thì Tết này, mâm cỗ mỗi gia đình cũng nên giảm bớt một lượng thịt. Khi chúng ta ăn tinh sẽ sống khỏe, trường thọ.

NGUYÊN THANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/an-tinh-song-tho-606793